Giới trẻ

Hãy chú ý, ngoài bình gas, nhà bạn vẫn còn 2 "quả bom nổ chậm" này có thể gây cháy nhà bất kì lúc nào

Ngoài bình gas, bạn hãy để tâm đến 2 "quả bom nổ chậm" này và nắm vững những nguyên tắc an toàn sử dụng để bảo vệ tính mạng cho bản thân và gia đình nhé.

Từ xưa đến nay, bình gas vẫn là thiết bị cần thiết trong mỗi gia đình. Dù rằng nó mang đến lợi ích trong việc nấu ăn nhưng đây cũng được xem là quả bom nổ chậm trong nhà, gây ra những vụ cháy nổ thương tâm. Do đó, giờ đây nhiều gia đình đã ý thức hơn về việc an toàn sử dụng gas hoặc chuyển qua dùng bếp từ, bếp hồng ngoại. Tuy nhiên, thực ra trong nhà bạn vẫn còn 2 quả bom nổ chậm này mà bạn chưa chú ý tới hoặc chưa nhận ra độ nguy hiểm của chúng.

Đó chính là bình nóng lạnh (máy nước nóng) và bật lửa gas - hai vật dụng quen thuộc có mặt trong bất kì gia đình nào.

Nói đến bình nóng lạnh, đây là một vật quen thuộc, hữu ích nhưng lại có thể gây nguy hiểm với người dùng bất kì lúc nào. Điển hình nhất, ngày 24/10 vừa qua, một người mẹ đã chia sẻ trên trang cá nhân về tai nạn mà chị đã gặp phải khi dùng bình nóng lạnh trong nhà tắm. Theo đó, 10 phút trước khi tắm cho con trai, chị đã bật bình nóng lạnh, sau đó chuẩn bị quần áo cho con trai. Nhưng ngay khi bước chân vào để xả nước thì bình bất ngờ bị chập điện phát nổ. Chị sợ hãi chia sẻ: "Điện nổ sáng cả góc nhà tắm, mùi cháy khét và đen cả một góc nhà". Rất may mắn, chị đã kịp ôm con chạy ra ngoài tri hô với người nhà, cầu dao tổng kịp thời ngắt xuống.

Hình ảnh sau vụ nổ bình nóng lạnh do người mẹ trên chia sẻ vào ngày 24/10 vừa qua (Ảnh: Facebook nhân vật)

Đây không phải là trường hợp đầu tiên gặp tai nạn với bình nóng lạnh. Vào ngày 14/4, một người phụ nữ 24 tuổi sống tại Vũng Tàu trong lúc cầm vòi sen tắm đã bị điện giật rò rỉ từ bình nóng lạnh, dẫn đến bất tỉnh. Nghe tiếng động, chồng chị lập tức đập cửa vào cũng bị giật do chạm phải nước trên sàn nhà tắm nhiễm điện. Không chỉ vậy, mẹ chồng chị chạy vào cứu cũng bị điện giật luôn. Người phụ nữ may mắn sau đó đã tỉnh lại và tri hô để bố chồng ngắt cầu dao điện, lập tức đưa đi cấp cứu. Dù chị thoát nạn nhưng không may, chồng và mẹ chồng chị đã tử vong.



Theo thống kê, nguyên nhân dẫn đến nổ bình nóng lạnh là do bình đã được sử dụng lâu, lớp cặn bám vào thanh điện trở cũng làm giãn nở, gây nứt vỡ vỏ thanh điện trở và rò rỉ điện ra nước. Ngoài ra, một nguyên nhân khác xảy ra khá nhiều đó là vỏ thanh điện trở bị ăn mòn làm thủng ống điện sẽ rò theo nước chảy khiến người sử dụng bị giật. Nguyên nhân cuối cùng là do bộ cảm biến và điều khiển nhiệt độ hỏng, khiến nước tiếp tục sôi trên 80 độ C (vượt mức cao nhất bình chịu được), từ đó sinh ra nhiều hơi. Cứ thế lượng hơi tăng liên tục, sau 20 phút là phát nổ.

(Ảnh: Internet)

Vì thế, để hạn chế tối đa việc rò rỉ điện khi dùng bình nóng lạnh, bạn nên nhớ những nguyên tắc sau:

- Bật bình nóng lạnh trước khi sử dụng 15 phút. Sau đó ngắt điện rồi mới được tắm.
- Thường xuyên gọi thợ đến kiểm tra bình nóng lạnh để xem điện có bị rò rỉ hay không, các bộ phận có hỏng hóc hay không.
- Mỗi tháng một lần vệ sinh bình nóng lạnh, kể cả đầu vòi sen. Lưu ý hãy ngắt điện rồi mới vệ sinh bình và tốt nhất nên gọi thợ chuyên bảo trì đến vệ sinh bình.
- Lặp đặt thêm hệ thống chống giật và chống cháy nổ.

Với quả bom nổ chậm thứ hai - bật lửa gas - vật dụng này cũng đã gây ra nhiều tai nạn đáng tiếc. Tháng 3/2010, cậu bé Danh 10 tuổi ngụ tại Nghệ An đã gặp tai nạn thương tâm với bật lửa gas. Thời điểm xảy ra tai nạn, em đang nấu bữa trưa cho gia đình, khi thấy nồi cơm cạn nước, em cúi xuống để nhấc nồi ra ngoài để bếp nấu canh. Nhưng không may, bật lửa gas trong túi áo em đã rơi xuống bếp lửa đang cháy và hậu quả là toàn bộ vùng mắt của em đã bị các mảnh vỡ của bật lửa bắn vào. Vụ tai nạn đã khiến em bị rách giác mạc, thị lực kém.

Tai nạn từ chiếc bật lửa gas đã khiến mắt cậu bé có thị lực kém hẳn (Ảnh: Internet)

Không chỉ có gặp nhiệt độ thì bật lửa gas mới phát nổ. Năm 2012, một người đàn ông ngụ tại quận 11, TPHCM khi đang ăn sáng bỗng dưng nghe tiếng nổ. Dù bất ngờ nhưng ông không nghĩ rằng tiếng nổ xuất phát từ chính áo ông. Đến khi ông cảm thấy lành lạnh ở ngực thì mới phát hiện ra bật lửa gas trong túi áo của ông đã nổ. Đáng nói rằng, thời điểm bật lửa nổ, trong túi áo của ông còn có điện thoại di động.

Theo lời giải thích của tiến sĩ vật lý Nguyễn Kim Quang, gas trong bật lửa gas bị rò rỉ, từ đó tiếp xúc với oxy trong môi trường, hay nhiệt độ cao, tia lửa điện dù nhỏ trong những thiết bị điện, điện tử, sẽ gây ra vụ nổ. Đặc biệt, điện thoại di động sinh ra điện từ trường rất mạnh, có thể sinh ra tia lửa điện bên trong điện thoại. Vì thế khi đặt bật lửa gas và điện thoại gần nhau sẽ rất dễ xảy ra vụ nổ. Ngoài ra, cũng có những chiếc bật lửa quá kém chất lượng bất ngờ nổ tung dù không có nhiệt tác động.

"Quả bom nổ chậm" mà nhà nào cũng có ít nhất một cái. (Ảnh: Internet)
Những bật lửa gas kém chất lượng, rẻ tiền có thể phát nổ bất kì lúc nào (Ảnh: Internet)

Vì thế, theo tiến sĩ Quang, để ngừa cháy nổ do bật lửa gas, nguyên tắc cơ bản và đầu tiên cần phải nhớ đó là không được để bật lửa gần vật dễ cháy, những nơi có nhiệt độ cao hay gần những thiết bị điện, điện tử đang hoạt động hoặc đang sạc pin. Ngoài ra, bạn cũng nên mua bật lửa uy tín, đừng mua những nhãn hàng trôi nổi, kém chất lượng, dễ dẫn đến tai nạn đáng tiếc.

Bạn hãy lưu ý những nguyên tắc này để bảo vệ tính mạng cho bản thân và gia đình nhé.

Tác giả bài viết: Newben

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP