Kinh tế

Hậu quý tử Trần Bắc Hà: Cảng Quy Nhơn tai tiếng và bất ngờ

Cảng Quy Nhơn thời hậu con trai Trần Bắc Hà tiếp tục đối mặt với những biến động lớn. Đại gia khoáng sản kín tiếng Hợp Thành sắp rút vốn nhưng QNP có nhiều kế hoạch bất ngờ.

CTCP Cảng Quy Nhơn (QNP) vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2019 (dự kiến tổ chức vào ngày 10/4) với khá nhiều thông tin bất ngờ. Theo đó, QNP sẽ tăng vốn điều lệ từ 404,09 tỷ đồng lên 538,79 tỷ đồng thông qua việc chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền mua.

QNP cũng sẽ có tờ trình về việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE) và việc phê chuẩn Chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm chức vụ TGĐ và tờ trình về việc thực hiện đầu tư mở rộng cảng Quy Nhơn theo quy hoạch đã được phê duyệt, cũng thực hiện trong năm 2019. Số tiền đầu tư mở rộng cảng được lấy từ phần tăng vốn điều lệ.

Đây là những kế hoạch khá bất ngờ ở vào thời điểm Cảng Quy Nhơn đang ở trong khoảng thời gian chuyển giao 75,01% vốn của công ty này từ đại gia khoáng kín tiếng Hợp Thành về Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) sau khi Thanh tra phát hiện những sai phạm trong quá trình bán vốn nhà nước trước đó.

Cảng Quy Nhơn được nhiều đại gia nhòm ngó.

Việc chuyển giao vốn trở về lại với Vinalines đang gặp vướng mắc về việc xác định giá trị đầu tư hoàn trả cho nhà đầu tư. Đây là một vụ việc chưa có tiền lệ, chưa có khung pháp lý, các đơn vị kiểm toán, thẩm định giá cũng chưa có phương pháp để xác định.

Trước đó, hồi tháng 9/2018, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn. Trong đó, đáng chú ý Bộ GTVT có 2 văn bản cho Công ty Hợp Thành thỏa thuận trực tiếp khi chưa được Thủ tướng cho phép là trái thẩm quyền, vi phạm các văn bản pháp luật.

Tại cuộc họp báo Quý I/2019, đại diện Bộ GTVT cho biết cuối tháng 2/2019, Bộ GTVT có văn bản hủy bỏ hai văn bản do bộ này ban hành liên quan đến chuyển nhượng cổ phần Cảng Quy Nhơn. Bộ GTVT đã giao Vinalines làm việc với Hợp Thành, thống nhất nguyên tắc thu lại 75,01% cổ phần đã bán (tương đương hơn 30,3 triệu cổ phiếu).

Hồi giữa 2016, ông Trần Duy Tùng (1985), Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn An Phú, con trai ông Trần Bắc Hà cũng đã từng tham gia vào thương vụ cảng Quy Nhơn. QNP khi đó đã có quyết định bổ nhiệm ông Tùng làm thành viên HĐQT của Cảng Quy Nhơn. Sau đó hơn 1 năm, sau khi xuất hiện tin đồn về việc ông Trần Bắc Hà bị bắt, ông Tùng cũng bất ngờ gửi đơn xin từ chức thành viên HĐQT QNP.

Khoáng sản Hợp Thành.

Cảng biển hấp dẫn, cuộc chơi của các đại gia lớn

Vụ thâu tóm Cảng Quy Nhơn là một trường hợp khá đình đám. Đại gia khoáng sản kín tiếng khu vực miền Bắc - Hợp Thành chỉ lộ diện sau khi một thời gian dài gia tăng thế lực với một số thương vụ đình đám, trong đó có Khách sạn Daewoo ở trung tâm thủ đô.

Theo báo cáo năm 2012, Hanel đã ghi tăng thu nhập khác khoản hỗ trợ giá trị quyền lợi, lợi thế chuyển giao không bồi hoàn theo hợp đồng mua lại phần góp vốn có điều kiện (vốn góp vào Công ty TNHH Deaha) và các hợp đồng sửa đổi giữa Hanel với CTCP Đầu tư Khoáng sản Hợp Thành và CTCP Hợp Thành 1 số tiền là hơn 104,3 tỷ đồng. Đây chỉ là phần trả cho quyền lợi và lợi thế của Hanel, chưa tính phần trả cho phía đối tác liên doanh Daewoo E&C.

Thâu tóm xong khách sạn Daewoo, đại gia khoáng sản Hợp Thành tiếp tục vượt ra ngoài ngành khai khoáng với một số thương vụ đầu tư khủng như việc hơn 24% vốn tại CTCP Cảng Vinalines Đình Vũ (vốn điều lệ 200 tỷ đồng). Vinalines góp 51% vốn điều lệ.

Ông Trần Duy Tùng, con trai ông Trần Bắc Hà từng là thành viên HĐQT QNP

Cảng Vinalines Đình Vũ nằm ở vị trí đắc địa về giao thông thuộc Khu công nghiệp Đình Vũ được đầu tư theo 2 giai đoạn. Trong giai đoạn 1, công ty sẽ xây dựng 2 bến cho tàu trọng tải 20.000 DWT cùng hệ thống kho chứa hàng, công nghệ làm hàng container.

Thương vụ thâu tóm Cảng Quy Nhơn đã khiến Hợp Thành nổi như cồn. Hợp Thành thâu tóm 86% cổ phần và trở thành nhà đầu tư chiến lược của Cảng Quy Nhơn.

Cảng Quy Nhơn là một trong 5 cảng biển mà Nhà nước nắm giữ 75% vốn điều lệ khi cổ phần hóa. Doanh nghiệp này chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần vào tháng 11/2013 với số vốn điều lệ hơn 400 tỷ đồng, trong đó Vinalines nắm giữ 75,01%. Tuy nhiên, từ tháng 9/2015 đến nay, sau 2 lần thoái vốn vào tháng 2/2015 và tháng 8/2015, cảng Quy Nhơn đã không còn vốn nhà nước. Trong khi Khoáng sản Hợp Thành nắm giữ hơn 86%.

Các doanh nghiệp cảng biển Việt Nam có một sức hấp dẫn lớn đối với nhiều NĐT. Lý do là bởi các doanh nghiệp này sở hữu các cảng biển có vị trí đắc địa bậc nhất Việt Nam và có tiềm năng sinh lời rất lớn.

Những số liệu ban đầu cho thấy, tại 5 cảng biển lớn nhất Việt Nam, sau cổ phần hóa bán vốn Nhà nước sang cho tư nhân, lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp này như Cảng Sài Gòn, Cảng Nha Trang, Đà Nẵng... đều tăng vọt cho dù doanh thu chưa tăng.

Cảng Quy Nhơn cũng được đánh giá là có tiềm năng như vậy. Một khi vấn đề quản trị được thay đổi, bài toán chi phí được tối ưu hóa, lợi ích nhóm bị ngăn chặn... thì lợi nhuận tăng mạnh là điều đương nhiên. Tuy nhiên, việc thoái vốn của Nhà nước cũng cần được làm đúng trình tự, thủ tục và xác định giá trị một cách chính xác để đảm bảo tránh thất thoát tài sản của Nhà nước.

Các doanh nghiệp cảng biển Việt Nam có một sức hấp dẫn lớn đối với nhiều đối tượng, từ các đại gia nổi tiếng cho tới những ông lớn bí ẩn. Lý do là bởi các doanh nghiệp này sở hữu các cảng biển có vị trí đắc địa bậc nhất Việt Nam, không chỉ có vị trí chiến lược quan trọng mà còn có khả năng sinh lời rất lớn. Đây là một trong các lý do khiến nhiều đại gia nổi tiếng hoặc kín tiếng đã hoặc từng có ý định tham gia vào các thương vụ mua cổ phần nhà nước thoái vốn.

Tác giả: Tuấn Linh

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP