Kinh tế

Hành trình từ 67.000 tỷ về ‘0 đồng’ của OceanBank

7 năm sau khi chuyển đổi mô hình ngân hàng đô thị năm 2007, trước khi ông Thắm bị bắt, nợ xấu của OceanBank đã lên tới 50% tổng dư nợ, vốn chủ sở hữu âm hơn 10.000 tỷ đồng.


Hành trình từ 67.000 tỷ về 0 đồng của OceanBank 7 năm sau khi chuyển đổi mô hình ngân hàng đô thị năm 2007, trước khi ông Thắm bị bắt, nợ xấu của OceanBank đã lên tới 50% tổng dư nợ, vốn chủ sở hữu âm hơn 10.000 tỷ đồng.

Sau 14 năm hình thành và hoạt động dưới mô hình ngân hàng nông thôn, năm 2007, Ngân hàng Nông thôn Hải Hưng đã chuyển đổi sang mô hình ngân hàng đô thị và lấy tên Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) với số vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.

Sự xuất hiện của ông Hà Văn Thắm

Ngân hàng Nông thôn Hải Hưng (tiền thân của OceanBank) được thành lập từ năm 1993 với vốn điều lệ ban đầu 17,2 tỷ đồng. Hải Hưng cũng là ngân hàng nông thôn đầu tiên và duy nhất của tỉnh Hải Dương thời bấy giờ hoạt động chủ yếu với nghiệp vụ cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn của tỉnh Hải Dương.

Thời điểm thay đổi lịch sử của ngân hàng xảy ra vào năm 2003, tròn 10 năm ngân hàng ra đời, khi cái tên Hà Văn Thắm lần đầu xuất hiện trong giới tài chính ngân hàng.

Ông Thắm từng phát biểu trên báo giới cơ duyên đưa ông tới với ngành tài chính ngân hàng. Theo đó, vào năm 2003, khi đang là Giám đốc Công ty Liên doanh ông tình cờ gặp một cổ đông muốn bán cổ phần của Ngân hàng Nông thôn Hải Hưng. Với lý do “thích thì mua”, ông Thắm đã mua lại cổ phần tại ngân hàng nông thôn này, cùng năm ông trở thành Phó chủ tịch HĐQT của ngân hàng. Sau 1 năm, ông Thắm đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Nông thôn Hải Hưng.

Trong thời gian điều hành và quản trị, ông Thắm là người đã đưa Ngân hàng Hải Hưng trở thành ngân hàng nông thôn đầu tiên được phép chuyển đổi mô hình sang ngân hàng đô thị. Năm 2007, cái tên Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) chính thức hiện diện, với vốn điều lệ tăng từ 170 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng; tổng tài sản ngân hàng đạt 13.680 tỷ đồng.

oceanbank
Các chỉ số ngân hàng của OceanBank trong giai đoạn chuyển đổi mô hình. Đồ họa: Quang Thắng.

Chỉ 1 năm sau khi chuyển đổi mô hình, các chỉ số ngân hàng đã tăng chóng mặt. Kết thúc năm 2007, tổng tài sản ngân hàng tăng hơn 13 lần đạt 13.680 tỷ đồng, dư nợ tín dụng tăng 8 lần, huy động vốn tăng 10 lần lần lượt đạt 4.706 tỷ đồng và 2.420 tỷ đồng.

Tuy nhiên, phần lớn phần tăng tài sản của OceanBank đến từ khoản tiền gửi của các tổ chức tín dụng khác (TCTD). Năm 2007, Oceanbank đã đi vay từ các TCTD khác hơn 9.300 tỷ đồng (chiếm gần 70% tổng tài sản) để sử dụng làm nguồn vốn ngân hàng.

Tăng trưởng nóng

Sau khi chuyển mô hình, ông Hà Văn Thắm vẫn giữ vai trò là Chủ tịch ngân hàng. Các chỉ số như tổng tài sản, quy mô dư nợ, huy động vốn ngân hàng tăng "nóng". Chỉ sau gần 7 năm chuyển đổi mô hình, OceanBank đã trở thành ngân hàng với số vốn điều lệ lên tới 4.000 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần và tổng tài sản tăng gần 5 lần, lên 67.075 tỷ đồng vào cuối năm 2013.
oceanbank 1
Biểu đồ các chỉ số cơ bản của OceanBank trong giai đoạn 2007-2013. Đồ họa: Quang Thắng.

Trong giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng tổng tài sản của Oceanbank lên tới 65%/năm, tăng trưởng quy mô tín dụng lên tới hơn 180%/năm và tăng 167% mỗi năm với huy động vốn.

Kết quả kinh doanh của ngân hàng cũng liên tục tăng mạnh, đạt 1.421 tỷ đồng thu nhập lãi thuần và 232 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế vào 2013.

Trong thời gian tăng trưởng "nóng" của OceanBank, phải kể tới sự kiện Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) đã ký thỏa thuận với ngân hàng để trở thành cổ đông và đối tác chiến lược vào năm 2008. Tổng số tiền PVN đầu tư trong thương vụ này tương đương 20% cổ phần OceanBank bấy giờ. Phía PVN sau đó đã cử ông Nguyễn Xuân Sơn là Tổng giám đốc Công ty tài chính Dầu khí Việt Nam (PVFC) sang làm Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc OceanBank.

Hành trình về… “0 đồng”

Giai đoạn 2011-2013, các chỉ số ngân hàng vẫn tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, sau khi ông Thắm bị bắt, cơ quan điều tra cho biết ông Hà Văn Thắm sở hữu tới 63% vốn của OceanBank, thông qua nhiều tổ chức, cá nhân liên quan.

oceanbank 2
Các chỉ số cơ bản của nhóm ngân hàng "0 đồng" theo báo cáo tài chính công bố gần nhất. Đồ họa: Phượng Nguyễn.

Để có được lượng tiền gửi khổng lồ trong thời gian ngắn, ông Thắm đã chỉ đạo cấp dưới chi trả 1.576 tỷ đồng lãi tiền gửi vượt trần cho khách hàng. Trong đó, hơn 1.080 tỷ đồng là lãi chi trả ngoài cho khách hàng và 984 tỷ đồng chi lãi vượt trần lãi suất theo quy định của NHNN trên toàn hệ thống.

Sau khi PVN trở thành cổ đông và đối tác chiến lược của OceanBank, ông Nguyễn Xuân Sơn đã đề nghị chi thêm khoản "chăm sóc khách hàng" ngoài lãi tiền gửi để huy động vốn từ PVN. Ông Thắm thông qua công ty BSC của mình ký hơn 720 hợp đồng dịch vụ khống, được 70 tỷ đồng. Khoản tiền này được đưa cho ông Sơn để "chăm sóc khách hàng".

Trong thời gian này, ông Thắm câu kết với Phạm Công Danh, người vừa mua lại TrustBank (tiền thân của VNCB, nay là CBBank) vay 500 tỷ đồng thông qua Công ty Trung Dung mà không đủ điều kiện vay vốn, không có tài sản đảm bảo.

Trước khi ông Thắm cùng nhiều đồng phạm bị bắt, nợ xấu của OceanBank đã lên tới 50% tổng dư nợ, vốn chủ sở hữu âm hơn 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận ngân hàng không còn khả năng bù đắp.

Tháng 5/2015, NHNN đã quyết định mua lại OceanBank với giá "0 đồng" và chuyển đổi loại hình thành Ngân hàng thương mại TNHH MTV Đại Dương (CBBank).

Quyết định này khép lại hành trình 22 năm phát triển của OceanBank dưới mô hình ngân hàng tư nhân và trở thành ngân hàng 100% vốn Nhà nước.

Tác giả bài viết: Quang Thắng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP