Giáo sư F. Duncan Haldane của ĐH Princeton - người đoạt giải Nobel Vật lý 2016
Điện thoại bắt đầu đổ chuông lúc 4 giờ 30 phút sáng thứ Ba.
Giáo sư F. Duncan Haldane giật mình, chộp lấy chiếc điện thoại. Đầu dây bên kia là một giọng nói tới từ từ Thụy Điển với một tin vô cùng bất ngờ.
Giáo sư lâu năm của ĐH Princeton đã giành giải Nobel Vật lý nhờ nghiên cứu tiên phong của ông về lý thuyết vật chất lạ.
“Tôi cảm thấy rất hài lòng” – nhà vật lý khiêm tốn, sinh ra ở Anh chia sẻ trong cuộc họp báo cùng ngày.
Sau khi biết tin giành giải thưởng danh giá nhất trong lĩnh vực của mình, Haldane vẫn làm công việc mà ông luôn làm vào mỗi sáng thứ Ba. Ông mặc quần áo và tới trường. Đúng 11 giờ sáng, ông đứng trước tấm bảng đen ở Hội trường Jadwin Hall, phía dưới là những sinh viên của lớp Điện từ học.
“Chà, tất nhiên rồi. Đó là nhiệm vụ và cũng là niềm tự hào khi được quay trở lại và làm việc” – Haldane nói.
Chủ nhân giải Nobel Vât lý 2016 cho biết ông cảm thấy giống như ông nợ sinh viên điều đó – việc xuất hiện ngay cả trong ngày trọng đại nhất cuộc đời học thuật của mình. Các sinh viên chào đón ông bằng một tràng vỗ tay và những lời chúc mừng khi ông bước vào lớp học.
“Bất kỳ ai trong số họ đều có thể phát hiện ra những điều mới mẻ, lớn lao và giành giải Nobel” – ông nói.
F. Duncan Haldane, Nobel Vật lý 2016, giải Nobel
Giáo sư Haldane vẫn lên lớp vào ngày trọng đại nhất cuộc đời học thuật của ông.
Haldane nhận giải Nobel Vật lý 2016 cùng với 2 nhà khoa học khác là David Thouless tới từ ĐH Washington và J. Michael Kosterlitz tới từ ĐH Brown. Cả ba đều sinh ra ở Anh và hiện đang làm việc tại các trường đại học Mỹ.
“Họ đã sử dụng các phương pháp toán học tiên tiến để nghiên cứu các giai đoạn hoặc tình trạng khác thường của các vật chất như: chất siêu dẫn, siêu lỏng hay những màng từ tính mỏng dính” – Học viện Khoa học hoàng gia Thủy Điển viết trong thông báo trao giải.
Mặc dù cả ba đều thực hiện những nghiên cứu tiên phong của mình về vấn đề này vào những năm 70, 80, nhưng tác động đầy đủ từ những phát hiện lý thuyết của họ chưa được nhận thấy cho tới gần đây, khi các nhà khoa học khác đã sử dụng những phát hiện này cho một nghiên cứu mới.
Hiệu trưởng ĐH Princeton – Christopher Eisgruber từng học chuyên ngành Vật lý khi là sinh viên của trường nhưng ông cũng không cố gắng giải thích nghiên cứu phức tạp của Haldane.
“Tôi hoàn toàn không đủ khả năng để giải thích công trình của Tiến sĩ Haldane. Tôi sẽ để việc đó cho ông” – Eisgruber phát biểu như vậy khi giới thiệu người giành giải Nobel trong cuộc họp báo.
Mặc một chiếc áo sơ mi màu tím, không cà-vạt, ông giải thích một số phát hiện của mình và nói rằng ông hi vọng chúng sẽ dẫn đến điều gì đó to lớn hơn như những chiếc máy vi tính lượng tử, mạnh hơn rất nhiều so với những chiếc máy vi tính hiện tại.
Sinh ra ở London, Haldane nhận bằng cử nhân và tiến sĩ ở ĐH Cambridge. Ông làm việc như một nhà vật lý ở Institut Laue-Langevin của Pháp và là giáo sư ở ĐH Nam California và ĐH California-San Diego.
Ông từng là thành viên trong đội ngũ kỹ thuật tại Phòng Thí nghiệm AT&T Bell ở Murray Hill từ năm 1985 tới năm 1988 trước khi tham gia giảng dạy ở Princeton vào năm 1990. Ông sống ở Princeton cùng vợ là bà Odile Belmont.
Haldane cho biết, ông rời nước Anh một phần là vì các tổ chức của Mỹ cho phép ông tập trung vào khoa học thuần túy, thay vì những phát hiện thực tế.
“Bạn không thể thức dậy vào buổi sáng và nói rằng tôi sẽ phát hiện ra điều gì đó cực kỳ hữu ích” – Haldane nói.
Được biết 3 nhà khoa học nhận giải Nobel Vật lý năm nay sẽ chia nhau số tiền thưởng 8 triệu krona Thụy Điển – tương đương 930.000 USD. Thouless sẽ nhận một nửa giải thưởng cho những phát hiện của mình – trị giá 465.000 USD - ủy ban Nobel cho hay. Haldane và Kosterlitz sẽ chia nhau một nửa còn lại – trị giá 232.500 USD mỗi người.
Khi được hỏi về việc chi tiêu số tiền này, Haldane nói rằng: “Chà, tôi sẽ dành phần nhiều trong số đó để nộp thuế”.
Tại buổi họp báo, Haldane cũng được hỏi rằng liệu sau khi đạt giải Nobel ông có được tăng lương ở Princeton hay không.
“Tôi nghĩ vậy” – ông trả lời và hướng về phía Hiệu trưởng của Princeton đang ngồi cạnh ghế của ông.
“Đó là việc mà chúng tôi rất vui khi được làm” – ông Eisgruber nói.
Tác giả bài viết: Nguyễn Thảo