Thống kê của Sở GTVT Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 4.362 xe 3-4 bánh hoạt động. Trong đó, thương binh có 566 xe, bệnh binh có 82 xe và người khuyết tật có 133 xe. Các trường hợp khác chiếm tới 3.483 xe, trong số này phần lớn là xe ba bánh tự chế và đều giả danh xe thương binh để hoạt động. Những xe này thường vận chuyển đồ cồng kềnh, chiếm dụng diện tích mặt đường lớn, gây mất an toàn giao thông.
Xe nát, giá bèo
Hình ảnh những chiếc xe ba bánh chở hàng cồng kềnh, lưu thông trên những con phố Hà Nội, đã không còn là chuyện xa lạ, từ nhiều năm nay. Đa phần các xe đều tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao, bởi không đảm bảo về kỹ thuật.
Những chiếc 3 bánh thường chở hàng cồng kềnh, gây tai nạn giao thông (ảnh VOV) |
Có nhiều xe được các cơ sở tư nhân tự chế, giá bán dao động từ khoảng 20 tới trên 50 triệu đồng. Chúng được hoán cải với toàn bộ phần đầu xe và động cơ là của xe máy, còn thùng chở hàng, nhíp, cầu, bánh sau được mua rời từ Trung Quốc, hoặc cũng tự chế, rồi lắp ráp vào thành xe 3 bánh.
Chủ một cơ sở sản xuất xe 3 bánh tại ngoại thành Hà Nội cho biết, chất lượng xe còn tùy thuộc vào giá. Hiện có nhiều nơi sản xuất xe giá rẻ để cạnh tranh. Xe ba bánh chủ yếu dung xe máy cũ để hoán cải, thùng xe thì kiếm sắt phế liệu về hàn. Những chiếc xe này chất lượng rất kém, đi một thời gian hỏng hết từ cái này đến cái khác. Khung sườn, thùng hàng mỏng không bền và chở nặng rất nguy hiểm. Nhưng vì giá rẻ mà ít ai quan tâm đến chất lượng.
Người ta chỉ cần mua một chiếc xe máy cũ giá khoảng 3-4 triệu đồng, sử dụng đầu xe và động cơ, còn bộ khung dùng sắt phế hàn lại, bánh xe thứ ba được tận dụng,... chi phí hết khoảng 15-17 triệu đồng rồi bán ra khoảng 20 triệu đồng, thế là đã có một chiếc xe chở hàng.
Những chiếc xe tốt hơn thì giá cao hơn. Phải mua một chiếc mô tô Trung Quốc mới, khoảng 15 triệu đồng, rồi chi phí lắp ráp, làm khung, sườn, cầu, nhíp,... gần 30 triệu đồng nữa và bán ở mức 50 triệu đồng. Nhưng xe này ít người mua vì giá cao. Nhiều người chỉ muốn xe chở hàng giá rẻ, như vậy mới nhanh thu hồi vốn. Hơn nữa, xe không có đăng ký lưu hành, dễ bị xử phạt, thậm chí bị thu hồi, nên xe càng rẻ thì mất càng không tiếc, hoặc CSGT có thấy cũng chán chẳng buồn phạt, ông chủ này nói.
CSGT đã nhiều đợt thu giữ các phương tiện 3 bánh phạm luật (ảnh KTĐT) |
Hung thần 3 bánh
Hệ lụy là những chiếc xe 3 bánh tung hoành trên phố luôn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Hơn nữa, những người lái xe này có ý thức chấp hành luật giao thông rất kém. Sẵn sàng vượt đèn đỏ, phóng nhanh, không để ý đến người khác. Người ta cho rằng, các xe khác va vào chỉ có thiệt, vì vậy cứ thấy là phải tránh xa, nên được thể càng ngênh ngang.
Có nhiều xe chở vật liệu xây dựng, thép, đồ gỗ,... dài hơn 3m đi trên đường, không gương chiếu hậu, không đèn xi nhan, thậm chí không có còi... và không có bất cứ sự che chắn nào để bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông. Không ít vụ tai nạn giao thông đã xảy ra với xe 3 bánh, thậm chí có xe còn tự dưng bốc cháy khi đang chở hàng trên đường. Sự tồn tại của xe 3 bánh tự chế, gây ra không ít bức xúc cho người tham gia giao thông.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, hành vi sử dụng xe 3 bánh tự chế không đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đã vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật về an toàn kỹ thuật phương tiện, gây nguy hiểm cho người sử dụng phương tiện và người tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông.
Theo thống kê của Công an TP Hà Nội, đến nay chỉ có khoảng 30 xe 3 bánh được đăng ký đứng tên các thương binh, số còn lại, hơn khoảng 99% là chưa được quản lý. Lực lượng CSGT cũng gặp rất nhiều trở ngại khi xử lý loại phương tiện này bởi các chủ xe nghĩ ra đủ chiêu trò để đối phó. Chủ phương tiện thường lợi dụng thời gian giao ca của lực lượng CSGT để hoạt động. Họ thuê thêm một thương binh hay người khuyết tận ngồi cạnh, nếu bị kiểm tra, người ngồi cạnh viện lý do sức khỏe yếu, nên nhờ con cháu lái giúp.
Nhưng nhiều đối tượng vẫn ngênh ngang lái xe 3 bánh trên phố |
Trong năm 2017, CSGT TP Hà Nội đã tạm giữ hàng trăm chiếc xe 3 bánh tự chế giả danh thương binh vi phạm giao thông. Theo đại diện Phòng CSGT Hà Nội, trên địa bàn thành phố, còn có cả xe 3 bánh có giấy tờ hợp lệ, đăng ký ở một số tỉnh như Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình,... hoạt động. Vì vậy, việc xử lý xe 3 bánh gặp rất nhiều khó khăn và áp lực. Hơn nữa, chế tài xử phạt còn nhẹ nên chưa đủ sức răn đe.
Tuy nhiên, cũng phải khẳng định, đây là loại phương tiện được thiết kế cho vận chuyển hàng hóa rất linh hoạt, phù hợp với những ngõ ngách nhỏ tại thủ đô, cước phí thấp và là sinh kế của những lao động nghèo. Việc dừng lưu hành xe 3 bánh, sẽ tác động trực tiếp tới cuộc sống của một số người lao động và có thể làm tăng cước phí chuyên chở, nếu sử dụng các phương tiện khác.
Mặc dù vậy, theo Sở GTVT Hà Nội, dù gặp khó khăn, nhưng việc dừng lưu hành và tịch thu những chiếc xe 3-4 bánh tự chế không đạt tiêu chuẩn, không đăng kiểm, chắc chắn vẫn phải tiến hành, để góp phần đảm bảo an toàn giao thông.
Trong tháng 6/2018, Sở GTVT sẽ cùng các sở, ngành phối hợp xây dựng chính sách ưu đãi và tổ chức đối thoại để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của chủ các phương tiện xe 3-4 bánh không đủ điều kiện hoạt động. Dự kiến, hỗ trợ kinh phí chuyển đổi nghề, hỗ trợ về đào tạo nghề để chuyển đổi nghề mới.
Tác giả: Trần Thủy
Nguồn tin: Báo VietNamNet