Kinh tế

Hai dự án bô-xít Tây Nguyên vẫn tiềm ẩn nguy cơ sự cố môi trường

Trong báo cáo mới nhất đánh giá về hai dự án bô-xít Tân Rai và Nhân Cơ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng “trong tương lai, dự án vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ô nhiễm và sự cố môi trường có thể xảy ra”. Cách đây không lâu, dư luận cũng đã từng “choáng” sau công bố của Thành tra Bộ Tài chính về con số “đội” vốn lên cả nghìn tỷ đồng từ hai dự án này.

Tổ hợp bauxite Tân Rai tại Tây Nguyên

Mỗi dự án chậm tiến độ 2 năm

Theo nguồn tin của Dân trí, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có báo cáo tổng kết, đánh giá hiệu quả đầu tư thí điểm 2 dự án bô-xít Tân Rai và Nhân Cơ gửi Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết tiến độ thực hiện các dự án đã chậm so với dự kiến (tiến độ mỗi dự án đều chậm 2 năm) và làm cho hầu hết các hạng mục công trình bảo vệ môi trường thi công đều chậm so với cam kết trong báo cáo ĐTM được phê duyệt.

Đối với hồ bùn đỏ dự án Tân Rai (công trình bảo vệ môi trường trọng yếu) đã xây dựng xong khoang số 3 và đang triển khai khoang thứ 4 nhưng vẫn còn chậm trong công tác nghiệm thu và bàn giao.

Các khoang của hồ mặc dù đã đưa vào vận hành nhưng bùn thải chưa đạt yêu cầu về tỷ lệ rắn/lỏng. Cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề này và quan tâm đến lượng nước dư trong hồ bùn đỏ.

Báo cáo cũng cho biết, dự án bô-xít ở Tân Rai đã đi vào sản xuất bình thường, chủ dự án cũng đã có nhiều cố gắng để hoàn thành các gói thầu công trình xây dựng, tiến hành vận hành thử nghiệm, vận hành chính thức, sản xuất và xuất khẩu alumin.

3 sự cố nhưng không gây ô nhiễm

Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, dự án vẫn còn gặp một số lỗi về kỹ thuật do chất lượng của công trình, công nghệ và để xảy ra sự cố 3 lần nhưng được khắc phục kịp thời, không gây ô nhiễm môi trường.

“Trong tương lai, dự án này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ô nhiễm và sự cố môi trường có thể xảy ra”, Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra cảnh báo.

Còn đối với dự án ở Nhân Cơ, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết dự án đã đi vào sản xuất alumin. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, dự án này cũng đã để xảy ra một số sự cố với quy mô nhỏ nhưng để lại dư luận không tốt. Chủ dự án phải coi đây là bài học kinh nghiệm để khắc phục trong quá trình vận hành chính thức dự án.

Để thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị liên quan đến việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các dự án bô-xít Tây Nguyên, trong phần đề xuất, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Thủ tướng tiếp tục quan tâm, chỉ đạo công tác an toàn và môi trường đối với dự án, đồng thời chỉ đạo hoàn thiện việc quy hoạch, thăm dò, khai thác, chế biến và luyện nhôm góp phần phát triển nền kinh tế - xã hội của đất nước theo hướng phát triển bền vững.

Ngoài, ra các bộ: Xây dựng, Khoa học và Công nghệ cần xem xét, hướng dẫn chủ dự án xử lý khối lượng lớn bùn đỏ, tro xỉ thải để tái sử dụng các loại chất thải này nhằm giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường và tăng hiệu quả kinh tế cho dự án.

Bộ này cũng đề nghị Công Thương xem xét, hướng dẫn chủ dự án thực hiện nhanh chóng việc thẩm định, thiết kế các khoang hồ bùn tiếp theo của cả 2 dự án, chỉ đạo chủ dự án ở Nhân Cơ nhanh chóng khắc phục sự cố sụt lún, sạt trượt phần diện tích đất gần khoang số 1 và khoang số 2 của hồ bùn đỏ.

Các bộ ngành có liên quan tiếp tục phối hợp trong công tác thanh, kiểm tra, giám sát công tác an toàn và môi trường đối với các dự án nhằm ngăn chặn nguy cơ mất an toàn, các tác động tiêu cực và sự cố môi trường từ hoạt động của dự án.

Đối với UBND tỉnh Lâm Đồng và Đăk Nông, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành có liên quan chỉ đạo TKV và các chủ dự án thực hiện các giải pháp liên quan để xử lý các cảnh báo về an toàn và môi trường, cũng như có các phương án ứng phó khi xảy ra sự cố về môi trường đối với các dự án.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết sẽ thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các dự án bô-xít Tây Nguyên tiếp tục duy trì tối thiểu 3 lần/năm. Ngoài ra duy trì thường xuyên công tác kiểm tra giám sát môi trường, kịp thời ngăn chặn, ứng phó các tác động tiêu cực và sự cố môi trường từ hoạt động của dự án.

Trước đó, theo chỉ đạo của Thủ tướng, sẽ có 11 bộ, 2 địa phương và 2 tập đoàn, tổng công ty phải báo cáo Chính phủ về hiệu quả của dự án bô-xít Tân Rai và Nhân Cơ tại Tây nguyên. Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ xây dựng đề cương tổng kết, và chủ trì nhận báo cáo, tổng hợp đánh giá.

Theo đề nghị của Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan tham gia vào hiệu quả dự án là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Quốc phòng, Công an, Xây dựng, Giao thông và Vận tải; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thông tin và Truyền thông, 2 tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng; các doanh nghiệp gồm Tập đoàn công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Dự án Alumin Nhân Cơ đã bắt đầu có lãi

Hồi tháng 3/2017, Thanh tra Bộ Tài chính cũng đã có kết luận thanh tra dự án Tân Rai (Lâm Đồng) sau 3 năm vận hành. Tại dự án Tân Rai, tổng mức đầu tư cho dự án này là 7.787,5 tỷ đồng (khoảng 493,5 triệu USD), với công suất 600.000 tấn/năm, thời gian thực hiện từ 2006 - 2009.

Tuy vậy, qua 4 lần điều chỉnh, tổng mức đầu tư cho dự án đã tăng vọt lên đến 15.414,4 tỷ đồng (hơn 800 triệu USD). Thời gian thực hiện dự án bị chậm 4 năm so với quyết định phê duyệt lần đầu. Sau 3 năm đi vào hoạt động, tính từ tháng 10/2013 đến hết tháng 9/2016, đã lỗ 3.696 tỷ đồng.

Còn tại Dự án Nhân Cơ, theo quyết định đầu tư ban đầu (năm 2007), vốn đầu tư cho dự án này chỉ 3.285 tỷ đồng. Đến năm 2014, tổng vốn đầu tư đã tăng lên đến 16.821 tỷ đồng. Nguyên nhân chính được chỉ ra là do thay đổi công suất của nhà máy từ 300.000 tấn/năm lên 650.000 tấn/năm; dừng thi công 2 năm để đánh giá lại hiệu quả; do thay đổi tỷ giá cùng một số thay đổi về chính sách...

Đáng chú ý, theo một báo cáo khác của Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm 2017, dự án Alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) đã bắt đầu có lãi, với số lợi nhuận được công bố là 60 tỷ đồng

Tác giả: Nguyễn Khánh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP