Sau 10 năm hợp tác xây dựng Học viện HAGL Arsenal JMG, Arsenal và bầu Đức quyết định chia tay. Ảnh: H.A |
Arsenal chia tay HAGL
Trao đổi với Lao Động, bầu Đức xác nhận thông tin Arsenal chấm dứt hợp tác với HAGL. Theo chia sẻ của Trưởng đoàn Nguyễn Tuấn Anh, đội bóng nước Anh đã không còn muốn hợp tác và hai bên sẽ kết thúc hợp đồng vào ngày 30.6 tới. Đây là điều tiếc nuối, khi HAGL rất muốn tiếp tục gắn bó lâu dài với Arsenal.
“Bên phía Arsenal đã có những thay đổi về chiến lượt kinh doanh nên đề nghị hai bên chấm dứt hợp tác. Chúng tôi đã trao đổi để thực hiện điều này. Hợp tác với Arsenal đã giúp cho HAGL phát triển mạnh về thương hiệu cũng như cho ra đời thế hệ cầu thủ tài năng, từ chuyên môn đạo đức trên sân cỏ.
Arsenal đã đề nghị chấm dứt hợp tác và phải chấp nhận. Thời hạn đưa ra để dừng tất cả những gì liên quan gắn hình ảnh, thương hiệu Arsenal đội bóng này là ngày 30.6”, đại diện của HAGL phát biểu. Như vậy, sau 10 năm ra đời và hoạt động, Học viện HAGL Arsenal JMG chính thức đổi tên thành HAGL JMG kể từ đầu tháng 7 này.
Cuối năm 2016, đội bóng của bầu Đức cũng từng chia tay nhà tài trợ NutiFood. Thương hiệu này chấm dứt hợp đồng sớm, tách ra để xây dựng Học viện bóng đá riêng, giống như cách đội bóng phố Núi thực hiện. Những thương hiệu lớn không còn gắn bó với HAGL, theo Trưởng đoàn Tấn Anh thì HAGL không lo lắng về việc các nhà tài trợ quay lưng, vì thương hiệu đội bóng đến từ cách làm và thực tế HAGL đang có với bóng đá, với lối chơi đẹp mắt của các cầu thủ chứ không đơn thuần là được gắn “mác Arsenal”.
Bầu Đức sẽ vẫn tiếp tục đầu tư
10 năm trước, bầu Đức đã sang nước Anh để hợp tác với CLB Arsenal. Chuyến đi này là bước ngoặt để cho ra đời Học viện HAGL Arsenal JMG. Tại buổi gặp mặt, ông Đoàn Nguyên Đức có dịp trò chuyện với HLV Wenger về vấn đề phát triển bóng đá.
Theo lời chia sẻ của ông bầu này, sau khi ngỏ lời muốn đưa HAGL sang Arsenal tập huấn và đá giao hữu thì HLV Wenger lắc đầu từ chối vì cho rằng đội bóng đến từ Việt Nam chưa đủ trình độ. HLV người Pháp tư vấn bầu Đức cần đầu tư cho công tác đào tạo cầu thủ trẻ, đó là điều bắt buộc nếu muốn xây dựng, phát triển đội bóng.
Điển hình Arsenal là đội bóng nổi tiếng về đào tạo trẻ, với nhiều tài năng liên tiếp được đôn lên chơi ở Premier League và thành công của đội bóng nước Anh có dấu ấn rất lớn về sản phẩm “cây nhà lá vườn”. Thế nên bầu Đức đã có quyết định lịch sử là bắt tay với Arsenal và Học viện toàn cầu JMG để xây dựng Học viện HAGL Arsenal JMG. Mục đích làm đào tạo trẻ để sử dụng và có thể bán cầu thủ ra nước ngoài để phát triển thương hiệu HAGL ra toàn cầu.
Thành quả 10 năm “trồng người” của bầu Đức là cho ra mắt lứa cầu thủ U19 của những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn, Đông Triều Văn Thanh, Hồng Duy… hiện đang khoác áo đội 1 và là trụ cột ở ĐTQG. Tuy nhiên, tài năng và sự đặc biệt của quân HAGL Arsenal JMG so với mặt bằng chung chỉ thể hiện ở các giải trẻ còn khi lên đội 1, thi đấu chuyên thì sự khác biệt không lớn.
Thêm nữa, sau lứa đầu tiên may mắn quy tụ được nhiều “ngọc thô” từ các tỉnh phía Bắc thì các khóa sau, từ chất lượng đầu vào đến tiềm năng phát triển của cầu thủ thuộc Học viện HAGL Arsenal JMG không được đánh giá cao, nhất là khi gặp sự cạnh tranh quyết liệt trong khâu tuyển chọn đầu vào từ các trung tâm đào tạo khác như Viettel, PVF, Hà Nội...
Và thực tế, đến thời điểm này thì ngoài thành công ở các giải trẻ của khóa 1 cùng với nguồn cảm hứng cho cả nền bóng đá, triết lý cùng quan điểm đào tạo cầu thủ của Học viện này cũng vẫn là đề tài gây tranh cãi của chính những người đang làm bóng đá ở Việt Nam.
“Hợp đồng giữa HAGL và Arsenal đã chấm dứt và như thế cũng được. Dù chia tay với Arsenal nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục làm đào tạo trẻ. Những gì có trong 10 năm qua sẽ là cơ sở để HAGL tiếp tục phát triển”, bầu Đức phát biểu. Theo ông chủ của HAGL, đội bóng sẽ vẫn trung thành với con đường vạch ra từ 10 năm trước và ông sẽ vẫn đầu tư để phát triển, với mục tiêu đội bóng là phải làm đào tạo trẻ thật tốt.
Nếu nhìn nhận ở tiêu chí đào tạo cầu thủ rồi “xuất khẩu” như quảng cáo khi Học viện HAGL Arsenal JMG ra mắt, có thể coi như bầu Đức đã thất bại so với khoản đầu tư khổng lồ cùng với những kỳ vọng. 3 gương mặt tài năng nhất của khóa 1 là Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường dù được đưa sang Nhật Bản, Hàn Quốc thi đấu nhưng đó là các bản hợp đồng mang tính thương mại hơn là chuyên môn. Thực tế, cả Công Phượng lẫn Tuấn Anh đều không trụ lại được tại J.League 2 sau năm đầu tiên trong khi Xuân Trường dù vẫn ở Hàn Quốc khoác áo Gangwon United nhưng ít được đăng ký thi đấu và chưa đá chính ở mùa này. |
Tác giả: Thiên Lộc
Nguồn tin: Báo Lao động