Trong nước

Hà Tĩnh yêu cầu sở TNMT nghiêm túc báo cáo kết quả môi trường biển

Theo Văn bản số 613/UBND-NL, UBND tỉnh Hà Tĩnh giao sở TNMT thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ kết quả quan trắc môi trường về bộ TNMT để công bố, công khai rộng rãi theo quy định.

Ngày 13/2, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Văn bản số 613/UBND-NL, về việc gửi văn bản thông báo hiện trạng môi trường biển đến các sở, ngành, địa phương và cơ quan liên quan, để có căn cứ thực hiện.

Nội dung văn bản ghi rõ, tại cuộc họp giao ban báo chí do ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, diễn ra vào ngày 22/9/2016, bộ Tài nguyên - Môi trường (TNMT) công bố môi trường biển 4 tỉnh miền Trung đã an toàn.

Theo đó, trên cơ sở phân tích nước giữa và nước mặt, trầm tích đáy, màng bám hệ keo sắt, các hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, du lịch, tắm biển có thể tiến hành bình thường.

Năm 2016, Formosa Hà Tĩnh gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển của các tỉnh này.

Ngày 25/1/2017, bộ TNMT có Văn bản số 380/BTNMT-TCMT do Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân ký, gửi các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế công bố hiện trạng môi trường biển tại các địa phương này đã an toàn, sau sự cố do Formosa Hà Tĩnh gây ra.

Liên quan đến vấn đề này, UBND Hà Tĩnh giao sở TNMT thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ kết quả quan trắc môi trường về bộ TNMT để công bố, công khai rộng rãi theo quy định.

moi truong bien 1
Văn bản 613/UBND-NL của UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Theo Văn bản 380/BTNMT-TCMT, sau công bố về hiện trạng môi trường biển vào ngày 22/8/2016 tại Quảng Trị, vẫn còn có 3 khu vực chịu tác động của dòng xoáy cục bộ có một số thông số trong nước biển cao hơn các khu vực khác, gồm khu vực Sơn Dương, tỉnh Hà Tĩnh (diện tích khoảng 300km2), cửa Nhật Lệ, tỉnh Quảng Bình (diện tích khoảng 330km2) và hòn Sơn Chà, tỉnh Thừa Thiên - Huế (diện tích khoảng 160km2).

Trong tháng 9/2016, bộ TNMT tiếp tục thực hiện đánh giá bổ sung tại 3 khu vực nêu trên. Kết quả cho thấy, chất lượng nước biển, trầm tích đáy ở 3 khu vực này đã ổn định, không còn các giá trị cao hơn các khu vực khác và đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 10-MT:2015/BTNMT, QCVN 43:2012/BTNMT đối với vùng nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh.

Tác giả bài viết: P.V

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP