Kinh tế

Hà Tĩnh hỗ trợ hơn 10 tỷ đồng cho các tàu hàng container qua cảng Vũng Áng

Từ năm 2021 đến nay, Hà Tĩnh đã hỗ trợ hơn 10 tỷ đồng cho 51 chuyến tàu hàng container qua cảng Vũng Áng, kết nối hàng hóa theo tuyến nội địa Hải Phòng - Vũng Áng - TP Hồ Chí Minh và ngược lại...

Hà Tĩnh có các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thời gian qua nhằm thúc đẩy phát triển tuyến vận chuyển container cố định qua Cảng Vũng Áng


Tháng 4/2021, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh có Nghị quyết số 276 quy định chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Vũng Áng, Nghị quyết này sau đó được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 19 ngày 17/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh.

Với Nghị quyết này, hãng tàu biển được cấp phép hoạt động kinh doanh vận chuyển container theo quy định và thực hiện trả hàng hoặc bốc hàng tại cảng Vũng Áng theo tuyến với tần suất tối thiểu 2 chuyến cập cảng mỗi tháng được hỗ trợ 200.000.000 đồng/chuyến cập cảng.

Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hóa bằng container qua cảng Vũng Áng và mở tờ khai tại các chi cục thuộc Cục Hải quan tỉnh Hà Tĩnh hoặc doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác có hàng hóa được vận chuyển bằng container qua cảng Vũng Áng (trừ hàng tạm nhập tái xuất, hàng hóa quá cảnh) được hỗ trợ 700.000 đồng đối với container 20 feet; 1.000.000 đồng đối với container 40 feet trở lên. Chính sách hỗ trợ được áp dụng đến hết ngày 31/12/2023.

Theo số liệu báo cáo kinh tế xã hội của UBND tỉnh Hà Tĩnh, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, Hà Tĩnh đã hỗ trợ 1,4 tỷ đồng cho 7 chuyến tàu container của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn qua cảng Vũng Áng.

Tại tỉnh Hà Tĩnh, cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương nằm trên hành lang các tuyến hàng hải quốc tế và thuận lợi về giao thông đường bộ với nước bạn Lào, vùng Đông Bắc Thái Lan, rất thuận lợi để phát triển một trung tâm logistics tầm cỡ.

Đặc biệt, cụm cảng Vũng Áng - Sơn Dương có luồng hàng hải ngắn và độ sâu tự nhiên lớn, có thể tiếp nhận tàu container có tải trọng đến 60,000 tấn (DWT) tương đương 4,000 TEU. Thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã có các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhằm góp phần xúc tiến quảng bá, thu hút tàu container đến bốc, trả hàng tại cảng, tạo động lực thúc đẩy phát triển tuyến vận chuyển container cố định qua Vũng Áng.

Cụm cảng Vũng Áng - Sơn Dương đi vào hoạt động hàng chục năm nhưng đến nay, hệ thống logistics, hậu cảng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Hiện cụm cảng Vũng Áng - Sơn Dương mới có 1 bến cảng tổng hợp, 3 bến chuyên dùng. Ngoài đối tác là Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn thì đến nay vẫn chưa có hãng tàu nào mở tuyến khai thác vận tải hàng container tại Hà Tĩnh, chưa phát triển được tuyến vận tải container quốc tế.

Do vậy, các doanh nghiệp tại Hà Tĩnh vẫn phải vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ đến các cảng lớn như Hải Phòng, Sài Gòn để xuất khẩu. Trên địa bàn các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh có 190 dự án đầu tư còn hiệu lực, riêng Khu kinh tế Vũng Áng có 153 dự án, bao gồm 56 dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy vậy, cảng Vũng Áng chưa hình thành được tuyến vận tải container quốc tế.

Để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư và phát huy lợi thế của cụm cảng biển nước sâu và hạ tầng giao thông liên vùng, Hà Tĩnh cũng đã phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm logistics tại Khu kinh tế Vũng Áng, tỷ lệ 1/500, quy mô diện tích lập quy hoạch 133,32 ha.

Hiện nay, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư vào Trung tâm Logistics Vũng Áng cho Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt; đang xem xét đề xuất của Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn và một số nhà đầu tư khác; ký “Biên bản ghi nhớ” với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn về hợp tác khảo sát, hợp tác đầu tư, khai thác phát triển cảng biển và Trung tâm Logistics Vũng Áng - Sơn Dương…

Đây là những bước đi nhằm hiện thực hóa mục tiêu hình thành trung tâm logistics ở Khu kinh tế Vũng Áng có tầm cỡ khu vực Bắc Trung Bộ và quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, góp phần từng bước đưa kinh tế Hà Tĩnh hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế.

Bên cạnh đó, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa thông qua việc kêu gọi đầu tư xây dựng thêm hệ thống các cầu cảng tại khu vực cảng Vũng Áng và cảng Sơn Dương. Theo quy hoạch, khu vực cảng Vũng Áng sẽ có 11 cầu cảng và khu vực cảng Sơn Dương sẽ có 53 bến cảng.

Hiện nay, tại cảng Vũng Áng, ngoài cầu cảng số 1 và số 2 đã đi vào hoạt động thì Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt đang đầu tư xây dựng cầu cảng số 3, Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn đầu tư xây dựng cầu cảng số 4, Công ty TNHH Cảng Phoenix Vũng Áng Việt Nam đầu tư cầu cảng số 5 và số 6.

Tác giả: Nguyễn Thuấn

Nguồn tin: vneconomy.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP