Đó là kế hoạch mà Hà Nội triển khai đại trà bắt buộc tại 100% các trường THPT trên địa bàn. Thông tin được ông Chử Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội đưa ra tại Hội thảo sách giáo khoa (SGK) tiếng Anh mới lớp 10 và 11 diễn ra ngày 16/8.
Mỗi trường ít nhất có 2 lớp
Mỗi trường có ít nhất 2 lớp 10 dạy SGK theo chương trình mới. Những lớp 10 còn lại tiếp tục dạy học theo SGK hiện hành. Các lớp 11 và 12 phải được tiếp tục dạy học lên theo đúng chương trình SGK.
Thiết kế nội dung bên trong SGK tiếng Anh mới.
Tiến tới từ năm học 2016-2020, Hà Nội sẽ triển khai 100% số lớp 10 trong các trường THPT trên địa bàn được học SGK tiếng Anh chương trình mới và học nối tiếp chương trình đến lớp 12.
Theo ông Dũng, chương trình mới với thời lượng dạy học tối thiểu 3 tiết/tuần theo các chủ điểm/chủ đề quen thuộc, gần gũi với học sinh; quan tâm đầy đủ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết với định hướng phát triển toàn diện. Đặc biệt đánh giá học sinh theo kết quả đầu ra.
Cụ thể, yêu cầu kết quả đạt được đối với từng lớp cấp THPT như sau:
Hết lớp 10, học sinh sẽ đạt trình độ tương đương B1.1.
Hết lớp 11, học sinh sẽ đạt trình độ tương đương B1.2.
Hết lớp 12, học sinh sẽ đạt trình độ tương đương B1.
Để đảm bảo kết quả học tập của học sinh đáp ứng yêu cầu về định hướng, mục tiêu, nội dung đầu ra của chương trình tiếng Anh cấp THPT, ông Dũng cho biết, việc kiểm tra đánh giá sẽ được tiến hành thường xuyên và định kỳ.
Kiểm tra thường xuyên chủ yếu dành cho kỹ năng nói. Học sinh được đánh giá thông qua các hoạt động trên lớp như trả lời các câu hỏi ngắn, miêu tả tranh, thuyết trình, hùng biện, hội thoại,... chú trọng định hướng giao tiếp và khả năng thực hiện các yêu cầu đàm thoại. Học sinh được đánh giá kỹ năng nói qua kiểm tra thường xuyên tối thiểu 2 lần/kỳ.
Kiểm tra định kỳ (45 phút) sẽ kiểm tra tích hợp các kỹ năng. Bài kiểm tra phải có ít nhất 2 dạng câu hỏi cho mỗi kỹ năng với định hướng đánh giá năng lực ngôn ngữ toàn diện của học sinh. Giáo viên căn cứ kế hoạch dạy học và chương trình chi tiết đã được phê duyệt lựa chọn thời điểm phù hợp để tiến hành kiểm tra định kỳ cho học sinh. Không tổ chức kiểm tra định kỳ quá sớm, quá muộn hoặc quá sát nhau trong học kỳ.
Bài kiểm tra học kỳ dành cho các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và có từ 35 đến 60 câu hỏi.
Giáo viên được chủ động, linh hoạt
Theo ông Dũng, để phát huy những điểm mạnh của SGK tiếng Anh theo chương trình mới, giáo viên cần vận dụng linh hoạt nội dung trong SGK, tăng cường sử dụng các thiết bị trong dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin trong soạn giáo án và trong giảng dạy nhằm giúp học sinh sử dụng hiệu quả các kênh hình ảnh, âm thanh đa phương tiện kết hợp hài hòa với các phương pháp truyền thống để tiếp thu kiến thức và luyện tập các kỹ năng đảm bảo chất lượng.
Ngoài SGK, giáo viên có thể sử dụng các tài liệu khác để bổ trợ cho bài giảng dựa trên các tiêu chí quy định trong chương trình khung do Bộ GD-ĐT ban hành nhưng phải lưu ý dạy hết kiến thức trong SGK theo quy định trước khi bổ sung tài liệu bổ trợ. Đặc biệt không được tự ý dùng tài liệu bổ trợ để thay thế SGK.
Những giáo viên lần đầu tiên dạy SGK tiếng Anh lớp 10 theo chương trình mới được giảm số giờ với định mức: 1 tiết dạy chương trình SGK tiếng Anh mới tương đương 1,5 tiết thông thường.
Số tiết vượt định mức sau khi quy đổi được thanh toán thừa giờ theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, mỗi giáo viên dạy theo SGK chương trình mới chỉ được tính giảm số giờ trong 1 năm duy nhất.
Giáo viên soạn giáo án mới có thể viết tay hoặc đánh máy.
Ngoài ra, các trường học cần phải đảm bảo đủ thiết bị dạy học tối thiểu (Đài, máy chiếu, màn chiếu,... cho giáo viên tiếng Anh) tổ chức dạy học đạt chất lượng cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.
Tác giả bài viết: Thanh Hùng