Giáo dục

GS.Nguyễn Lân Dũng: Muốn kết quả tốt, cả ngành giáo dục phải cố gắng, trung thực

Đây chỉ là ý kiến cá nhân của tôi trước một đề án lớn, rất mong được nghe thêm ý kiến của các bạn đồng nghiệp.

LTS: Đề án ngoại ngữ Quốc gia 2020 có mục tiêu chính là nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong hệ thống giáo dục quốc dân. Cùng với tiếng Anh, Bộ Giáo dục và Đào tạo thí điểm dạy tiếng Nga, Trung Quốc, Nhật Bản như ngoại ngữ thứ nhất, thực hiện từ năm 2017.

Tuy nhiên, việc công bố đề án này đã gây ra không ít ý kiến trái chiều.

Đánh giá về đề án, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng nhận định rằng để đạt được thành công, đề án đòi hỏi toàn ngành phải có một sự phấn đấu hết sức quyết liệt và trung thực.

Giáo sư cũng đề xuất các trường Sư phạm nên thu nhận một lượng lớn giáo viên chưa tìm được việc làm về đào tạo Ngoại ngữ trong thời hạn ít ra là 2 năm và có học bổng để bổ sung nguồn giáo viên đang thiếu hụt.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả nguyên văn bài viết này!


Lâu nay học sinh nước ta, kể cả sinh viên Đại học đều quá yếu về ngoại ngữ, lấy ví dụ về kết quả Kỳ thi Quốc gia Tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2016:

Trong tất cả 472.000 thí sinh thi môn Ngoại ngữ, có tới 88% đạt kết quả dưới trung bình và bị điểm liệt; 3,48% đạt điểm trung bình; có nghĩa là chỉ còn khoảng 8,55% là đạt điểm trên trung bình (!).

Ai cũng biết Ngoại ngữ là chiếc chìa khoá đối với kiến thức, dẫn đến cánh cửa vươn ra thế giới rộng lớn.

Trong thời đại hội nhập kinh tế rộng lớn như hiện nay không thể thiếu Ngoại ngữ nếu muốn tiếp nhận các thành tựu tiến bộ của nhân loại, nhận đầu tư nước ngoài và phát triển du lịch.

Chúng ta cũng phải rút kinh nghiệm từ việc sử dụng 84,6 triệu USD chi cho Dự án Mô hình Trường học mới (VNEN).

Theo Vnexpress.net thì trong văn bản gửi Chủ tịch các tỉnh thành tối 18/8, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng đã có ý kiến về mô hình VNEN ở Việt Nam.

gsnld gdvn
Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn).

Theo Bộ đây là phương pháp dạy học tiên tiến của thế giới, đã thử nghiệm ở các trường phổ thông, cho kết quả tốt; được UNESCO, chuyên gia giáo dục quốc tế khuyến cáo chọn thử nghiệm tại Việt Nam.

Sau 3 năm thử nghiệm, mô hình giúp tạo môi trường giáo dục thân thiện, dân chủ trong nhà trường và lớp học; học sinh tích cực, tự lực, tự quản; mối liên hệ giữa nhà trường với cha mẹ học sinh và cộng đồng được tăng cường. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Giáo dục, việc áp dụng mô hình này chưa phù hợp với điều kiện của nhiều địa phương nên gặp khó khăn.

Trong những năm đầu triển khai, một số nơi chưa nhận thức đầy đủ về mô hình và điều kiện áp dụng; cán bộ quản lý và giáo viên chưa được chuẩn bị chu đáo, một bộ phận ngại đổi mới hoặc áp dụng một cách máy móc.

Bên cạnh đó, việc triển khai nóng vội, áp dụng ngay cả ở những trường còn khó khăn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, sĩ số lớp học đông dẫn đến việc tổ chức hoạt động giáo dục chưa đạt được hiệu quả mong muốn, gây ra những băn khoăn trong dư luận.

Những ưu điểm và bất cập này đã được Bộ nghiêm túc rút kinh nghiệm, từ đó Bộ đề nghị các địa phương đang triển khai mô hình VNEN thì tiếp tục làm trên cơ sở tự nguyện.

Với các cơ sở giáo dục không áp dụng VNEN thì có thể lựa chọn một số thành tố tích cực của mô hình để bổ sung vào phương thức giáo dục đang thực hiện, đảm bảo nguyên tắc lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm.

Ngoài ra, các địa phương có thể áp dụng mô hình giáo dục tiên tiến khác phù hợp với điều kiện thực tiễn, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong phụ huynh và dư luận xã hội.

Trường học mới tại Việt Nam (gọi tắt là VNEN) xuất phát từ mô hình trường học mới (EN) được thực hiện tại Colombia. EN được chuyên gia giáo dục quốc tế từ các nước có nền giáo dục tiên tiến hỗ trợ và phát triển.

Mô hình đạt được những thành công vang dội và mau chóng được nhân rộng khắp châu Mỹ La-tinh.

Sau khi áp dụng mô hình vào Việt Nam, có rất nhiều ý kiến trái chiều.

Một số chuyên gia cho rằng với thực trạng học sinh Việt Nam đang bị hao hụt dần vốn văn hóa thì đây là giải pháp tuyệt vời để góp phần bảo tồn nếp sống văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt. Tuy nhiên, đại đa số giáo viên đều "than" gặp khó khăn, không phù hợp với điều kiện sống, nhu cầu của đại đa số học sinh (theo giaoduc.net.vn)

Chính vì rút kinh nghiệm của việc triển khai VNEN nên chúng ta không thể coi thường việc triển khai trên quy mô rộng với yêu cầu rất cao của Đề án dạy Ngoại ngữ và với nguồn kinh phí lớn tới 10.000 tỷ đồng.

Theo kế hoạch thì đề án này yêu cầu việc phổ cập tiếng Anh trong trường phổ thông phải đạt yêu cầu tới niên học 2020-2021 việc học chương trình Ngoại ngữ được thực hiện với 100% học sinh lớp 3; 70% học sinh lớp 6; 60% học sinh lớp 10.

Với các trường trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp tới năm 2020 phải có 60% hệ Trung cấp và 100% hệ Cao đẳng đạt chuẩn trình độ 3 trong khung 6 bậc về năng lực Ngoại ngữ áp dụng cho Việt Nam.

Về Đại học yêu cầu đặt ra là đến năm 2020 tất cả 100% sinh viên chuyên ngữ phải đạt chuẩn bậc 5 và 70% sinh viên không chuyên ngữ đạt chuẩn bậc 3.

Trong hệ thống giáo dục thường xuyên đến năm 2020 khoảng 50% học viên phải đạt chuẩn bậc 5 và tỷ lệ này là 100% vào năm 2025.

Còn đối với cán bộ, viên chức Nhà nước yêu cầu về đạt chuẩn Ngoại ngữ cũng rất cao.

Đến năm 2020 phải có 40% đạt chuẩn bậc 2 và 20% đạt chuẩn bậc 3; tỷ lệ này nâng lên 60% và 40% vào thời điểm 2015.

Theo tôi tất cả các mục tiêu này đều quá cao, đạt được thì quá tốt, nhưng làm sao để đạt được chắc cần đòi hỏi cả một sự phấn đấu hết sức quyết liệt và trung thực.

Ai cũng biết Ngoại ngữ là yêu cầu rất quan trọng trong quá trình đào tạo học sinh, sinh viên.

Ở Anh việc học Ngoại ngữ bắt đầu được dạy cho trẻ em từ 6-7 tuổi. Ở ta, tại các trường Quốc tế cũng đang học bằng tiếng nước ngoài từ lớp 1 và lên cấp 2 còn được học thêm ngoại ngữ thứ hai, thậm chí cả ngoại ngữ thứ ba.

Tôi quan sát học sinh trường quốc tế Alexandre Yersin ngoài tiếng Pháp, lên cấp hai học sinh đã khá thành thạo cả ngoại ngữ thứ hai là tiếng Anh và bắt đầu được học thêm ngoại ngữ thứ ba là tiếng Tây Ban Nha (!).

Điều đó cho thấy năng lực tiếp thu ngoại ngữ của trẻ em ta là rất tốt, càng bé càng tốt, tất nhiên đó là những nơi có điều kiện đầy đủ: học sinh học hai buổi, giáo viên bản ngữ trực tiếp dạy ngoại ngữ, học phí khá cao…

Chúng ta chủ trương dạy tiếng Anh là chính, và dạy từ lớp ba, ngoài ra một số trường theo yêu cầu của học sinh có thể thay tiếng Anh (trong một số lớp) bằng tiếng Nga hay tiếng Trung.

Rất nhiều người lo ngại về chuyện này, nhưng theo tôi đó là một chủ trương đúng đắn.

Thế hệ chúng tôi là thế hệ học tiếng Nga và về sau đa số trở thành nòng cốt trong tất cả các trường Đại học, các Viện nghiên cứu.

Còn với việc học tiếng Trung có hai lợi thế, một là, sách rất rẻ, sách dịch có rất nhanh và với giá bán chỉ bằng 1/10 giá gốc; hai là, vốn từ về kinh nghiệm sản xuất (nhất là với nông, lâm, ngư nghiệp, chế biến thực phẩm…) rất gần gũi với nước ta và có thể học được không mấy khó khăn.

Đặc biệt với học sinh ở biên giới Việt - Trung thì nếu không có ý định học tiếp lên Cao đẳng, Đại học thì rõ ràng học tiếng Trung có ích hơn nhiều so với tiếng Anh.

Một số thành phố lớn có đông người Việt gốc Hoa thì nhu cầu học tiếng Trung với bộ phận dân cư này đương nhiên là rất quan trọng (thành phố Hồ Chí Minh hiện có trên nửa triệu người gốc Hoa).

Trong đề án dạy ngoại ngữ Bộ Giáo dục và Đào tạo còn chủ trương dạy cả một số ngoại ngữ khác.

Cụ thể là dạy tiếng Nhật như ngoại ngữ chính (từ lớp ba) cho 4 trường ở Hà Nội (Tiểu học Nguyễn Du, Tiểu học Khương Thượng, Tiểu học Chu Văn An, Tiểu học Gateway) và 1 trường ở thành phố Hồ Chí Minh (trường quốc tế Việt Úc).

Với trường quốc tế Việt Úc thì đương nhiên họ yêu cầu học tiếng Anh, nên ngoại ngữ thứ nhất là tiếng Nhật không có gì khó khăn.

Với 4 trường thí điểm ở Hà Nội thì cần quan tâm đến hai chuyện: có phải tất cả học sinh có yêu cầu như vậy không và liệu lên các cấp cao hơn có được tiếp tục học tiếng Nhật hay không?

Còn một số ngoại ngữ khác như tiếng Pháp, tiếng Hàn theo đề án này sẽ được coi là ngoại ngữ thứ hai từ lớp 6 hay lớp 10 ở một số trường mà học sinh và phụ huynh học sinh có nguyện vọng được dạy.

Khó khăn lớn nhất theo tôi là lấy đâu giáo viên thật sự giỏi ngoại ngữ để đáp ứng cho đề án đồ sộ và định phủ kín cả nước này?

Yêu cầu của đề án là giáo viên dạy ngoại ngữ ít nhất phải có bằng Cao đẳng ngoại ngữ hay Cao đẳng Sư phạm ngoại ngữ. Liệu có đủ chưa ngay từ bây giờ để có thể đạt những chỉ tiêu rất cao vào năm 2020 (nghĩa là chỉ còn có 4 năm nữa thôi).

Giáo viên tiếng Nga đã chuyển ngành từ lâu rồi, liệu còn đủ sức dạy nữa hay không? Giáo viên tiếng Trung chắc là không thiếu vì vẫn đang có hệ tiếng Trung ở một số trường Đại học công và tư.

Nhưng như Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã xác định:“Nếu dạy ngoại ngữ mà không chuẩn thì thà không dạy còn hơn” (theo giaoduc.net.vn).

Câu hỏi cần trả lời ngay hiện nay là để triển khai đề án làm sao có đủ giáo viên dạy ngoại ngữ đạt chuẩn?

Theo thiển ý của tôi là các trường Sư phạm phải thu nhận một số lượng giáo viên rất lớn đang chưa tìm được việc làm về để đào tạo Ngoại ngữ trong thời hạn ít ra là 2 năm và có học bổng.

Chúng ta cần nhớ theo thống kê thì hiện nay số giáo viên chưa có việc làm là 41.000 giáo viên Tiểu học, 12.000 giáo viên Trung học Cơ sở và 16.900 giáo viên Trung học Phổ thông.

Chúng ta lại đang có quá đông các cơ sở đào tạo giáo viên (9 trường Đại học Sư phạm, 1 trường Đại học giáo dục, 31 khoa Sư phạm trong các trường Đại học đa ngành, 35 trường Cao đẳng sư phạm, 19 khoa Sư phạm trong các trường Cao đẳng khá…).

Việc tái đào tạo thêm chuyên ngành ngoại ngữ sẽ tạo thêm việc thu nhận sinh viên cho các cơ sở đào tạo Sư phạm hiện đang rất lung túng về chỉ tiêu đầu vào.

Đối với đề án rất lớn và đang đối đầu với rất nhiều khó khăn này tôi rất đồng tình với những ý kiến của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ:

Bộ trưởng đưa ra giải pháp trong thời gian tới:

Thứ nhất, tập trung đào tạo đội ngũ giáo viên, nhất là các trường Sư phạm. Nếu những thầy cô quá yếu hoặc khả năng đạt chuẩn quá xa thì chuyển công tác khác.

Thứ hai, tập trung vào cơ sở học liệu, phù hợp với điều kiện, yêu cầu của Việt Nam và đào tạo từ xa, tạo điều kiện cho các giáo viên có thể học mọi lúc mọi nơi, hình thành các trung tâm; không có liên doanh liên kết trong đào tạo ngoại ngữ.

Thứ ba, củng cố nâng cao dạy ngoại ngữ, tránh tình trạng học xong không công nhận, làm thật nghiêm.

“Ngoài ra, đề án 2020 không phải để phục vụ tất cả mọi người nâng cao trình độ ngoại ngữ mà là xương sống, tạo môi trường để học ngoại ngữ, tạo cú hích cho toàn dân.

Chúng ta không đưa ra mục tiêu đến năm bao nhiêu thì tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai nhưng phải tạo được sự thay đổi dần dần” – vị tư lệnh ngành giáo dục khẳng định.

Giải thích về điều này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết đây là “mục tiêu ở thì tương lai xa, đưa ra có tính chất định hướng.

Nếu bây giờ không đặt ra và bắt đầu làm thì chẳng bao giờ đạt được.

Ở Singapore, từ khi Lý Quang Diệu có ý tưởng đưa tiếng Anh thành "ngôn ngữ thứ 2", phải mất 38 năm sau đất nước này mới đạt được mức độ trung bình trong việc sử dụng tiếng Anh".

Người đứng đầu ngành giáo dục nói thêm, mục tiêu này không thể đạt được trong vòng 10 năm, 20 năm nhưng khoảng thời gian này sẽ là sự chuẩn bị dần (theo giaoduc.net.vn).

Trên đây chỉ là ý kiến cá nhân của tôi trước một đề án lớn, rất mong được nghe thêm ý kiến của các bạn đồng nghiệp, nhất là của các chuyên gia về ngoại ngữ!

Tác giả bài viết: Giáo sư Nguyễn Lân Dũng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP