Thể thao

Góc chê Lê Thụy Hải: Bóc mẽ chuyện "dở khóc dở cười" về việc báo bù giờ chỉ có ở Việt Nam

Vòng 2 V-League 2017 trôi qua để lại quá nhiều vấn đề nổi cộm và vẫn xoay quanh những câu chuyện khó đỡ liên quan tới trọng tài, hay thái độ - sự bạo lực của cầu thủ.

Lời tòa soạn: Bóng đá Việt Nam đang chuyển động với rất nhiều sự kiện sôi nổi, khó lường. Để cung cấp cho độc giả những góc nhìn đa chiều nhất về nền túc cầu nước nhà, chúng tôi hợp tác với các chuyên gia hàng đầu để lên tuyến bài CHÊ & KHEN bóng đá Việt Nam.

Vào mỗi sáng thứ Hai đầu tuần, chúng tôi sẽ gửi tới độc giả loạt bài CHÊ dưới góc nhìn chuyên gia Lê Thụy Hải (cùng các chuyên gia khác), với mục đích chỉ ra các điểm chưa được, hòng góp phần nâng cao bóng đá Việt.

Loạt bài Khen bóng đá Việt Nam sẽ được gửi tới độc giả vào sáng thứ Sáu, để thấy rõ những việc tốt, những thành tựu của túc cầu ở dải đất chữ S. Trân trọng!


Trọng tài giơ biển báo bù giờ 2 lần: Chuyện chỉ có ở Việt Nam

Tuy nhiên, câu chuyện lần này có đôi chút khác biệt. Về phía trọng tài, nổi cộm nhất lại là 1 pha sai chẳng rõ, đúng cũng không hẳn. Đấy là việc trọng tài bàn giơ biển báo bù giờ tới 2 lần ở trận Long An vs Bình Dương.

Trận này, trọng tài lần đầu báo bù giờ 4 phút, nhưng sau đó bất ngờ báo bù giờ nhiều hơn. Ở đầu phút bù giờ thứ 5, Bình Dương được hưởng 11m, ghi bàn thành công là kết lại trận hòa 1-1.

Phía Long An sau khi bày tỏ bức xúc, được ông Trưởng ban Trọng tài Nguyễn Văn Mùi giải thích rằng trọng tài có quyền kéo dài thời gian bù giờ, vì có tình huống thay người, câu giờ và phía Bình Dương đang tấn công dồn dập.

Theo ông Mùi, động tác báo bù giờ 2 lần là thừa chứ không sai về mặt bản chất nên sẽ không có án phạt nào cho trọng tài bàn.


Khán giả Long An bất bình, kéo xuống sân vì quyết định báo bù giờ 2 lần của trọng tài, khiến các ông Vua áo đen phải nhờ tới lực lượng an ninh mới rời được SVĐ.

"Chúng ta cần xem lại luật có cho phép thế không. Nếu anh thấy bù giờ nhiều rồi, nhưng vẫn phải bù giờ nữa, có thể vì câu giờ tiếp, hay va chạm, ngã, giả vờ... thì trọng tài có quyền được bù giờ mà không cần báo với ai" – ông Lê Thụy Hải bình luận.

Đồng ý là trọng tài được phép kéo dài thời gian bù giờ tùy tình huống, nhưng ông Hải "lơ" cũng bóc mẽ 1 chuyện "dở khóc dở cười".

"Nhưng vì anh ấy cũng lại sợ, sợ khán giả la ó nọ kia thì thôi cứ báo cho người ta biết. Vậy thì chúng ta lại xem trong luật có chuyện báo bù giờ 2 lần không? Nếu trong luật có thể thì cũng kỉ luật đi.

Tại sao anh làm đúng mà lại sợ như vậy? Bản thân các anh ấy cũng có những cái sai. Dù bảo 1 phần của bóng đá nhưng đừng làm nó lố. Trọng tài cứ im lặng thổi bù vào cũng chẳng sao cả. Chung quy lại là cần nghiêm minh. Để hòa nhập châu Á, thế giới thì phải thật công minh".

Ngoại binh biến chất sau vài năm ở V-League

Bóng đá Việt Nam có quá nhiều bất cập, muôn hình muôn vẻ nhưng tựu chung ở 1 từ "thiếu nghiêm túc". Câu chuyện này tại vòng 2 V-League thể hiện ở chiếc thẻ đỏ của ngoại binh Pape Omar Faye bên phía CLB Thanh Hóa, trong trận đấu với Khánh Hòa.

Bị đối phương đẩy sau ở tình huống tranh chấp bóng bổng, Omar đã nổi cáu, chơi cao chân để trả đũa. Khi bị thẻ đỏ ra ngoài, nhận phản ứng từ NHM, Omar còn phản ứng lại.

Cuối trận, HLV Võ Đình Tân bên phía Khánh Hòa nhận định nhiều ngoại binh khi sang Việt Nam rất tốt, nhưng rồi nhiễm thói xấu của V-League và biến chất.

"Cái việc này rất là khó, vốn đã từ lâu rồi mà không giải quyết được, vì sự nể nang, rồi quên đi làm công tác tổ chức, nên không có kỉ luật nào nhất định.

Omar là người tôi đón đầu tiên về Việt Nam thi đấu nên biết cậu ấy rất rõ. Như rất nhiều ngoại binh về Việt Nam chưa phải cầu thủ chuyên nghiệp nhưng Omar đã là cầu thủ chuyên nghiệp rồi. Khi họ mới đến thì chấp hành ghê lắm, tôn trọng trọng tài, đối phương, tập luyện say mê vì đi kiếm sống thôi.

Nhưng vừa qua có hành động như thế vì ở đây quá lâu rồi. Omar ở đây từ 2011, bị nhiễm những cái từ V-League nên giờ bị các điều không hay là bật lại. Còn hồi mới sang có bị làm sao thì anh ấy cũng thôi, trọng tài nói không cãi lại mà thanh minh nhẹ nhàng. Nhưng giờ không còn nữa và không riêng Omar mà đa số như vậy.

Tại sao lại như vậy? Vì anh không làm đúng phận sự nên người ta mới vậy, chính bản thân cầu thủ không giữ được họ nữa" – ông Hải nhận xét.


Hành động phản ứng với NHM rất phản cảm của Omar.

Thời gian qua, VFF phất cao ngọn cờ chống bạo lực, phản cảm nhưng sau 2 vòng V-League, những vấn đề ấy vẫn diễn ra "bình thường như cân đường, hộp sữa". Vậy phải làm sao mới dẹp được nạn đá bậy, đá láo ở Việt Nam?

"Chúng ta không nên dung túng những điều ấy, nếu đã đưa ra rồi thì hãy làm đi. Còn như trận của Thanh Hóa, chính ông HLV cũng không đồng tình chút nào. Khi anh Omar bị truất quyền, ông ấy lấy tay đẩy vai.

Ông ấy quay luôn vào nói gì đó với BHL và dự bị, chắc là phản đối. Người nước ngoài có chuyên môn họ không chấp nhận chuyện đó. Chúng ta cần làm chứ đừng nương, đừng sợ. Mà sao anh lại phải nương, phải sợ vì sợ họ phản ứng rất xấu, rồi cả lãnh đạo các CLB cũng phản ứng, anh ngại, rút dè, làm thế lại vỡ giải thì sao?

Chúng ta khó nói khi giải và trọng tài vẫn còn tồn đọng, cần phải nghiêm túc ở chính BTC và ban Trọng tài đã".

Lại nói về HLV từng vô địch Champions League của CLB Thanh Hóa, ngoài chuyện không hài lòng với Omar thì sau trận thắng Khánh Hòa 2-0, ông cũng chê luôn bóng đá Việt Nam không biết phối hợp, chỉ biết phá bóng.

"Đúng là trình độ cầu thủ chúng ta rất kém. Nếu cướp được bóng cầu thủ đối phương rồi thì phải tổ chức, nhưng đây cứ sút mạnh lên. Thậm chí đá là phải vung chân, hay đá quả bóng vào người ta thì ông ấy nói là đúng rồi.

Nó cũng là do chúng ta không nghiêm túc, cầu thủ dễ bực bội. Tất cả là do không nghiêm túc" – ông Hải kết lại câu chuyện với ý kiến đồng tình cùng HLV Petrovic.

Tác giả bài viết: Đoàn Dự

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP