Du lịch

​Góc ẩn mình Pù Luông

Pù Luông đẹp nhất là vào độ lúa chín, tháng 6 và tháng 10 hàng năm. Nhưng không phải chỉ khi lúa chín nơi này mới đẹp. Hãy đi và cảm nhận, có một góc ẩn mình như thế ở Pù Luông.


Góc ẩn mình Pù Luông - Ảnh: ĐỨC HÙNG

Hè 2016, dân đi lại ở Hà Nội xôn xao về một khu “retreat” (góc ẩn mình) giữa Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Thanh Hóa). Ban đầu chỉ là một vài bức ảnh về một hồ bơi “vô cực” giữa sương khói, mây ngàn, xa xa là thung lũng, là dãy núi điệp trùng... Rồi những căn nhà mái rơm lan can gỗ, góc sân với bàn nước thư giãn bên hiên...

Pù Luông với chúng tôi không xa lạ, nhưng đó lại chính là lý do để ai cũng muốn lên kế hoạch lên đường.

Để đến Pù Luông retreat có 3 hướng tiếp cận. Đường bằng dễ đi nhưng lại xa nhất là đi theo lối đường Hồ Chí Minh qua Cẩm Thủy, Cành Nàng (Bá Thước), rẽ phải qua cầu La Hán theo quốc lộ 15C đến ngã 3 Làng Tôm rồi tiếp tục rẽ trái 7km là tới.

Nếu đi ngược lên Hòa Bình rồi qua Mai Châu theo đường quốc lộ 15C xuôi về nướng nam thì gần hơn được vài chục cây.

Đường gần nhất và cũng là đường hoang sơ nhất, khó đi nhất bởi đèo cao vực sâu và nguy cơ sạt lở đất là đường qua Hòa Bình đến ngã ba chợ Lồ rẽ vào Lũng Vân qua các bản Son Bá Mười rồi tới thôn Đôn, xã Thành Lâm, huyện Bá Thước.

Đường qua Lũng Vân thực tế đã được mở rộng và trải bê tông, trong trường hợp trời không mưa và tay lái cứng, các xế có thể hoàn toàn chinh phục cung này để đến với “góc ẩn mình Pù Luông”.

Nằm khá “bẽn lẽn” trên sườn thung lũng trải dọc theo quốc lộ 15C, Pù Luông retreat đón khách bằng một chiếc cọn nước trang trí trên lối mòn đi bộ xuống, một hình ảnh điển hình gắn bó với đời sống của đồng bào các dân tộc dọc theo bờ sông Mã.


Một góc nhà bình yên - Ảnh: BLACK

Những căn nhà nhỏ riêng rẽ nằm nép mình bên sườn đồi - Ảnh: BLACK

Một góc thư giãn bên hiên nhà - Ảnh: ĐỨC HÙNG

Với phương châm tạo ra một điểm đến gần gũi với tự nhiên và đáp ứng các nhu cầu cơ bản của con người, khu nghỉ gồm 1 khu nhà sàn cộng đồng và 9 bungalow riêng biệt được bố trí nằm kề bên nhau lưng chưng núi, trước mặt là những cánh đồng trú phú dưới chân dãy Pù Luông kiêu hãnh.

Không điều hòa, không tủ lạnh, không internet và biệt lập với khu dân cư. Đồ nội thất và trang trí nội thật theo phong cách đơn giản, mộc mạc, tự nhiên, tạo ra sự gần gũi và thân thiện.

Một hồ bơi nước suối trong vắt nằm bên dưới khu nhà sàn cộng đồng mà chúng tôi vẫn gọi đùa là “hồ bơi vô cực” giữa đại ngàn.

Những ngày hè nóng bức, được ngâm mình trong bể nước mát, uống một lon bia ướp lạnh ngay trong hồ, thả tầm mắt trên những đỉnh núi cao vời vợi, những đám mây trắng la đà bay, những ngọn gió đùa vui trên cây cỏ, ruộng đồng. Liệu bạn có mong chờ một khoảnh khắc nào thơ mộng và ngọt ngào hơn?

Ngoài những góc ẩn mình lặng lẽ và đầy chiêm nghiệm, khu nghỉ còn có những sản phẩm khác để đáp ứng nhu cầu của du khách gắn liền với các hoạt động khám phá cộng đồng dân tộc Mường, Thái trong vùng như trekking (đi bộ theo đường mòn), hiking (đi bộ leo núi), water rafting (thả thuyền cao su theo suối), chèo thuyền kayak, đạp xe.

Với riêng cá nhân tôi, có lẽ một cuốn sách và một cây bút, đã quá đủ cho một cuối tuần tránh xa phố xá và thư giãn.


Những chi tiết trang trí mộc mạc mà tinh tế trong nhà - Ảnh: ĐỨC HÙNG

Khoảng sân nhìn xuống thung lũng - Ảnh: BLACK

Chốn thư giãn giữa đại ngàn - Ảnh: ĐỨC HÙNG

Nói về món ăn, có lẽ không thể không nhắc đến đặc sản Vịt Cổ Lũng, một địa danh nằm không xa Pù Luông retreat là bao.

Đây là giống vịt quý với đặc điểm xương nhỏ, nhiều thịt nạc lại thơm ngon và không hôi như vịt dưới xuôi, có lẽ là vì chúng sinh trưởng trên dòng suối nguồn trong trẻo Nủa, nơi có nhiều ốc và các loài vi sinh vật vốn là nguồn thức ăn tự nhiên chả nơi nào bằng.

Vịt hấp là món đơn giản nhưng cũng là món mang lại nguyên vẹn nhất mùi vị của giống gia cầm nổi tiếng xứ Thanh.

Điểm trừ của Pù Luông là cái nóng của gió Lào ở biên giới phía tây vào mùa hè, thỉnh thoảng cũng gặp muỗi và zĩn của rừng nhiệt đới. Bù lại không khí trong trẻo và hơi thở đại ngàn, cũng như những trải nghiệm sâu lắng sẽ giúp mọi người có những khoảnh khắc đáng nhớ.

Pù Luông đẹp nhất là vào độ lúa chín, tháng 6 và tháng 10 hàng năm. Nhưng không phải chỉ khi lúa chín nơi này mới đẹp.

Cô gái miền sơn cước ấy, lúc nào cũng mang trên mình nhiều nét đẹp điển hình của miền núi phía Bắc, với một chút bản làng kiểu Mai Châu, một chút đá tai mèo kiểu Đồng Văn, một chút núi non Cao Bằng, một chút ruộng bậc thang Mù Căng Chải...

Hãy đi và cảm nhận, có một góc ẩn mình như thế ở Pù Luông.


Xích đu kiểu Pù Luông - Ảnh: BLACK

Đặc sản vịt hấp Cổ Lũng - Ảnh: BLACK

Tác giả bài viết: BLACK

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP