Trong nước

Giữ gái làng và nhát đâm bí hiểm ở bẹn gây ra cái chết tức tưởi

Đến tận bây giờ, anh T (ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội) vẫn còn ngỡ ngàng vì suốt quá trình điều tra vụ án có liên quan đến mình, T vẫn cứ đinh ninh mình chính là thủ phạm gây ra cái giết của một thanh niên làng bên.

Chuyện là, nhà cô H có cô con gái tên Th đang tuổi mười tám, rất xinh xắn, nên không chỉ thanh niên trong làng mà thanh niên các làng khác cũng đến tán tỉnh rất nhiều.

Tết năm 2000, T cùng một tốp thanh niên làng kéo nhau sang nhà Th, quyết cưa “đổ” bằng được người đẹp. Nhưng xưa nay, làng này vẫn có tập tục “gái làng là của trai làng”, không tán được gái làng mình thì không có chuyện để cho người làng khác tán được.

Trước đó, nhóm của T đã từng bị một nhóm thanh niên của làng này chặn đường yêu cầu không được đến chơi nhà Th nữa vì “hoa đã có chủ”. Và lần này cũng thế. “Ngứa mắt” và cảm thấy ấm ức vì trai làng khác tiếp tục đến tìm hiểu gái làng mình, lại sẵn men say trong người, nhóm thanh niên trong làng đã thủ sẵn hung khí (gồm nhiều loại dao và gậy gộc), đón lõng trên đường để “nói chuyện phải trái” với nhau.

Sau một hồi lời qua tiếng lại, nhóm thanh niên làng cô Th nổi máu yêng hùng, nên đã lao vào xô xát. Thấy mình yếu thế, nhóm của T vội bỏ chạy. Bị nhóm thanh niên kia rượt đuổi, nhóm của T nhanh chân chạy thoát, riêng T chậm chân chạy không kịp nên nấp vào một hiệu may ở ven đường để trốn.

Một lúc sau, tưởng đã an toàn, T mới lò dò đi ra đường, được một đoạn thì bị phát hiện. T lại chạy ngược vào trong hiệu may, vớ vội cây kéo trên máy khâu để phòng thân rồi cuống cuồng bỏ chạy.

Nhóm thanh niên vẫn không buông tha, chúng tiếp tục đuổi theo. Do trời tối, tâm lý hoảng sợ, lại không thạo đường, T bị vấp và ngã úp mặt xuống đường, nhóm thanh niên kia vội lao tới vây kín, ra sức đá túi bụi vào người T.

Quá hoảng sợ, T nhắm mắt nhắm mũi vung kéo chống cự, T vẫn nhớ là mình có đâm kéo trúng vào một người, nhưng còn vào đâu thì không rõ. Lúc này, dân làng kéo đến rất đông để can ngăn, đám trai làng mới bỏ về.

Thế nhưng, cuộc hỗn chiến đã khiến một người trong nhóm thanh niên làng cô Th bị đâm vào vùng bẹn, chảy rất nhiều máu, ngay lập tức người này được người dân đưa tới bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, do bị đâm đúng động mạch mất nhiều máu nên anh này đã tử vong trên đường đi.

T đứng trước nguy cơ bị buộc tội “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” quy định tại Điều 96 Bô luật Hình sự. Tuy nhiên, phía Viện Kiểm sát vẫn băn khoăn vì vết thương của nạn nhân có vẻ như không phù hợp với nguyên nhân do cây kéo gây ra. Cơ quan này quyết định mời các giám định viên Trung tâm pháp y, Viện Khoa học Hình sự vào cuộc.

Khi nghiên cứu hồ sơ, có giả thiết cho rằng, có thể nạn nhân bị đâm bằng một lưỡi kéo. Nhưng qua xem xét lời khai của những người liên quan, bác sĩ Trần Ngọc Sơn chú ý đến một chi tiết đó là, “hung thủ” trong quá trình bỏ chạy đã bị ngã sấp xuống mặt đường.

Kinh nghiệm thực tế cho thấy, người bị ngã úp mặt xuống đường, dùng tay quờ cây kéo thì độ cao của tay vung ra chỉ có thể từ đầu gối trở xuống, không thể lên tới được vùng bẹn. Từ suy luận này, bác sĩ Sơn đề nghị cơ quan điều tra xem xét trong nhóm thanh niên hôm đó, ngoài nạn nhân đã tử vong, có còn ai bị thương hay không?

Quả nhiên, có một người tên H trong nhóm bị thương ở cẳng chân, đang nằm ở bệnh viện điều trị. H có vết thương ở vùng dưới đầu gối hoàn toàn trùng khớp với đặc trưng do vật nhọn có hai lưỡi gây ra (hai vết đâm ở cẳng chân phải). Sau đó, Cơ quan điều tra cũng đã làm rõ, trong lúc xảy ra xô xát, chính một người cùng trong nhóm thanh niên làng cô Th do hỗn loạn đã không may đâm trúng bạn mình.

Về phần T, sau đó chỉ bị xử phạt hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng và chịu trách nhiệm bồi thường cho việc gây thương tích cho H.

Bác sĩ Trần Ngọc Sơn kể lại, khi hay tin mình thoát tội “Giết người”, T mừng quá đã bật khóc vì sung sướng, vì cảm động. Nặng lòng mang ơn bác sỹ Sơn và những giám định viên pháp y mà anh và những người thân yêu của mình mãi tôn vinh gọi họ với cái tên thân mật: những “bác sĩ điều tra”.

Quay trở lại chuyện người con gái tên Th. Cuối cùng thì, cũng chẳng anh nào trong làng lấy được cô. Cô con gái nhà bà H ngày ấy sau cái tết đáng nhớ đã lấy chồng ở nơi khác.

Tuy câu chuyện đã khép lại từ lâu, nhưng đó là bài học về lối hành xử côn đồ, manh động của một bộ phận thanh niên mới lớn ở thôn quê, đồng thời cũng là lời cảnh tỉnh cho hủ tục “trai làng ta quyết giữ gái làng ta”, một vấn nạn rất cũ nhưng vẫn đang gây nhức nhối ở nhiều vùng quê Việt.

Có thể thấy, dấu vết vạch mặt kẻ phạm tội, nhưng dấu vết với tính khách quan của nó cũng đã lên tiếng minh oan cho người vô tội ngay cả trong những tình huống tưởng như không thể.

Cũng cần nói thêm, công tác giám định có thể có ở nhiều ngành khác nhau song giám định pháp y lại liên quan trực tiếp đến sức khỏe, sinh mạng, phẩm giá của con người, vì thế đòi hỏi người cán bộ pháp y ngoài việc phải nắm chắc nhiệm vụ chuyên môn và kiến thức pháp luật, cần phải thực sự yêu nghề, yêu người.Đây là lĩnh vực không được phép rút kinh nghiệm vì chỉ cần một lần sai sót nhỏ là có thể dẫn đến làm sai lệch sự việc, tính chất vụ án.

“Những kết luận của bác sĩ pháp y sẽ là cơ sở để cơ quan điều tra lần tìm manh mối, phá án. Qua đó, nhiều người vô tội được minh oan và nhiều kẻ thủ ác phải đền tội trước pháp luật. Do vậy mà mỗi lần tham gia giám định, kết luận vụ việc, bác sĩ pháp y phải hết sức tỉ mỉ, khoa học, chính xác, trung thực, khách quan. Bởi lẽ, chỉ cần một kết luận sai, quá trình điều tra sẽ rẽ sang hướng khác, vụ án có thể sẽ oan sai hoặc rơi vào bế tắc, họ sẽ lại nợ dân một lời giải đáp”, bác sĩ Trần Ngọc Sơn khẳng định.

Tác giả bài viết: Thu Hồng – Lê Thành – Tú Nhi

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP