Những giáo viên tâm huyết cũng đã đưa ra những bí quyết giúp học sinh ôn tập và làm tốt các bài thi trắc nghiệm.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 (Ảnh Đinh Quang Tuấn)
Học sinh không còn phấp phỏng
Em Nguyễn Đình Tú (học sinh lớp 12 ở Thanh Hóa) chia sẻ: “Em nghĩ thi trắc nghiệm cũng có cái hay là không mất thời gian làm bài và trình bày. Nếu bài nào biết cách làm thì không lo mất điểm trình bày. Điều em quan tâm nhất bây giờ là khi nào có đề thi THPT quốc gia minh họa, để xác định được hướng học và ôn luyện”.
Tuy nhiên, Tú cũng còn điều lo lắng là với thi tốt nghiệp về cơ bản em phải chọn thêm môn. “Em sẽ phải học nhiều môn hơn so với năm ngoái nên cảm thấy hơi lo, không biết có học được kịp được không”.
Em Phạm Ngọc Anh, học sinh lớp 12 ở Hà Nội cũng cho biết thực ra các em đã “xác định tư tưởng” là sẽ thi trắc nghiệm các môn từ khi Bộ công bố dự thảo. “Các thầy cô đã nói chuyện nhiều với chúng em về việc này. Vì vậy, việc Bộ GD-ĐT công bố chính thức em không thấy quá bất ngờ”.
Điều Ngọc Anh mong muốn bây giờ là các trường đại học sớm có phương án tuyển sinh, để em có thể lựa chọn ôn tập môn thi một cách chính xác nhất”.
Ông Đào Tuấn Đạt, Hiệu trưởng Trường THPT Anhxtanh cho biết, việc sử dụng hình thức thi trắc nghiệm sẽ không ảnh hưởng gì tới việc dạy và học của thầy trò trong nhà trường.
"Việc dạy và học sẽ không có gì thay đổi. Giáo viên và học sinh vẫn sẽ dạy và học kỹ các môn như trước đây. Có chăng là sẽ có thêm một số bài tập trắc nghiệm để các em làm quen" - ông Đạt nói.
Ông Vũ Đức Thọ, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) cũng chia sẻ “Chúng tôi không ngại môn Toán tự luận hay trắc nghiệm, bởi hình thức thi trắc nghiệm cũng đã diễn ra nhiều năm nay ở các môn khác nên việc làm quen cũng không quá khó khăn”.
Nên đánh dấu và phân loại từng phần
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 (Ảnh Đinh Quang Tuấn)
Ông Phạm Thái Sơn, Phó phòng đào tạo Trường ĐH Công nghệ Thực phẩm TP.HCM thì lưu ý cần làm rõ thay đổi quan điểm rằng hình thức trắc nghiệm chỉ kiểm tra được khả năng nhớ, khả năng phán đoán mà không kiểm tra được khả năng tư duy cao hơn.
“Thực sự điều này chỉ đúng với đề thi trắc nghiệm làm không đúng cách và thiếu chuyên nghiệp.
Chính vì vậy để chuẩn bị tốt bài thi trắc nghiệm, hay thi tự luận, trước hết người học phải biết học cho đúng cách, học cách tư duy, phương pháp suy luận chứ không phải là học theo cách nhớ chi tiết, kiểu đoán mò.
Khi học sai cách, với quan điểm là trắc nghiệm chỉ là nhớ và đoán, thì các em sẽ không có được tư duy hệ thống và do đó rất nhanh quên các chi tiết” – ông Sơn lưu ý.
Ngoài ra, theo ông Sơn, khi làm bài trắc nghiệm học sinh cần đọc nhanh và phân loại, phân nhóm các câu hỏi, xác định các câu hỏi thuộc nhóm thế mạnh của mình và giải các câu hỏi đó.
“Khi học sinh không phân nhóm các câu hỏi và làm theo trình tự trên xuống dưới sẽ vướng tình huống các câu hỏi với những mạch suy nghĩ khác nhau, sẽ làm các em mất tính logic trong suy nghĩ làm bài.
Ví dụ như bài thi vật lý gồm các nội dung liên quan đến cơ học, điện, quang học thì học sinh nên đọc lướt và đánh dấu, phân loại từng phần. Khi làm bài, các em sẽ làm theo từng phần được phân loại để tránh nhầm lẫn cũng như liền mạch trong suy nghĩ. Và khi đó bài làm sẽ được nhanh và hiệu quả hơn.
Ông Sơn cũng cho rằng trong quá trình ôn tập nên lưu ý thêm việc rút kinh nghiệm những lỗi sai của mình để khi làm bài có thể áp dụng phương án loại trừ khi làm bài.
Phải học cả cách viết nhanh
Thầy Phan Văn Thái (giáo viên dạy Toán Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) cho rằng về cơ bản dù thi theo hình thức nào thì thí sinh vẫn phải nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa.
Ngoài ra, với hình thức thi trắc nghiệm, trong quá trình làm bài, các học sinh cần rèn luyện khả năng tư duy, suy nghĩ nhanh bởi số lượng câu hỏi là rất nhiều.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 (Ảnh Đinh Quang Tuấn)
Có những câu hỏi làm bằng phương pháp trực tiếp nhưng cũng có một số câu hỏi học sinh cần vận dụng phương pháp giải gián tiếp đó là loại trừ. Có những bài không cần làm ra hết nhưng qua một vài thao tác nháp có thể loại trừ được một vài phương án, sau đó bằng việc phân tích, vận dụng các kiến thức liên quan để đi đến đáp án cuối cùng.
“Thậm chí, các em phải học cách viết nhanh, bởi với cách làm “ngẫm nghĩ” như lâu nay thì không thể kịp. Trước nay làm một câu có thể là 15 phút, nhưng giờ mỗi câu lớn nhất chỉ có thể trong vòng 2 phút. Phải hạn chế thói quen trình bày bài bản xưa cũ và thay vào đó là phải phân tích và xử lý nhanh”.
Theo thầy Thái, trong đề thi có 4 mức độ của câu hỏi. Với những câu dễ nhất ở mức độ nhận biết, chắc chắn học sinh cứ nắm vững kiến thức cơ bản làm làm được.
“Chính vì vậy, cần tranh thủ làm thật nhanh những câu này, có thể trong vòng 15 giây chứ không dùng đến 2 phút, để nhường thời gian cho các câu hỏi khác” – thầy Thái đưa lời khuyên.
Với các câu hỏi thông hiểu tuy khó hơn một chút tuy nhiên vẫn ở mức dễ. Ở mức câu hỏi thứ 3 và thứ 4 là vận dụng và vận dụng cao mức khó sẽ tăng dần lên.
Ngoài ra, thầy Thái cho rằng, nếu quy chế cho phép sử dụng máy tính bỏ túi thì thí sinh cần lưu ý kỹ năng xử lý máy tính cũng giúp nhiều trong việc có thể kiếm điểm.
“Tuy nhiên, kể cả có dùng máy tính thì các em cũng phải hiểu kiến thức và biết cách làm thì mới dùng được, chứ không phải ấn mò mà ra. Ngoài kiến thức, việc sử dụng máy tính thành thạo cũng rất cần thiết”.
Theo thầy Thái, trước đây thi tự luận, có thể có những phần được coi là dễ thì các em thường chỉ học sơ sơ để làm, thì giờ trong những phần dễ đó, chắc chắn có những câu phân hóa hơn tức là tăng độ khó. Như vậy buộc học sinh phải học mỗi phần kỹ hơn so với trước đây và phải học một cách bao quát hơn.
Giờ mỗi phần có thể đến 5-7 câu, trong số này có những câu dễ nhưng sẽ có những câu khó.
Việc có những câu hỏi nghiêng về lý thuyết sẽ là điều hết sức bình thường kể cả đối với môn Toán.
“Kể cả những phần trước nay chỉ cần tập trung làm bài tập thì giờ có một số khái niệm cũng phải nắm vì trong đề trắc nghiệm có thể hỏi một số câu nghiêng về lý thuyết.
Ví dụ như việc phải vận dụng định nghĩa, tính chất… Đó là những câu hỏi mà nếu thi tự luận như trước đây thì không bao giờ hỏi đến. Những câu hỏi này không nhiều lắm và thuộc diện câu hỏi nhận biết nhưng cũng phải hiểu thì mới có thể trả lời được” - thầy Thái đưa lời khuyên.
Đặc biệt, thầy Thái lưu ý đề thi năm nay tất cả đều chỉ trong chương trình lớp 12 bao quát cả 7 chương và không bỏ sót một phần nào.
“Ví dụ như trước đây gần như đề thi không nhắc đến chương mặt tròn xoay nhưng giờ đây có thể trong đề thi sẽ có đến 7 câu phần này. Chính vì vậy để có điểm cao, thí sinh cần học tổng quát sách giáo khoa”.
Tác giả bài viết: LLê Huyền – Thanh Hùng – Lê Văn