Giáo dục

Giáo sư dùng công nghệ để phát hiện học sinh chán học

Nhằm tăng chất lượng bài giảng, một giáo sư ở Trung Quốc áp dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt có khả năng "đọc" cảm xúc, phát hiện những sinh viên chán học.

Wei Xiaoyong, giảng viên ngành Khoa học Máy tính tại Đại học Tứ Xuyên (Trung Quốc), vừa phát triển công nghệ nhận dạng khuôn mặt để đo mức độ hứng thú của sinh viên trong giờ học, theo Telegraph.

Công nghệ này áp dụng "đường cong" cho khuôn mặt của mỗi sinh viên, qua đó xác định liệu họ đang vui vẻ hay bình thường. Các số liệu cũng giúp giáo sư Wei nhận biết ai đang cảm thấy nhàm chán trong giờ học.

Giáo sư Wei Xiaoyoung sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để đo độ hứng thú của sinh viên. Ảnh: West China Metropolis Daily.


Ông hy vọng công cụ đọc biểu cảm gương mặt giúp ông hiểu rõ hơn phần nào trong bài giảng của mình thu hút sinh viên và phần nào tẻ nhạt, thông qua các số liệu đó để điều chỉnh nội dung, cũng như phương pháp giảng bài.

Giáo sư cho biết từ khi chuyển sang giảng dạy tại Đại học Tứ Xuyên, ông thường quên điểm danh trong mỗi tiết học. Vì thế, ban đầu, ông sử dụng công nghệ nhận diện gương mặt chỉ để theo dõi tính chuyên cần của sinh viên.

Ông cũng giới thiệu công nghệ nhận dạng gương mặt tới một số bạn bè và đồng nghiệp đang công tác tại các trường đại học trên cả nước. Thầy Wei hy vọng "công cụ phân tích cảm xúc" sẽ được sử dụng rộng rãi hơn.

"Những người hoạt động trong lĩnh vực khoa học xã hội, tâm lý học hay các nhà nghiên cứu giáo dục cũng có thể áp dụng công nghệ này để tăng hiệu quả công việc", giáo sư Đại học Tứ Xuyên nói.

Gần đây, công nghệ nhận dạng khuôn mặt trở nên phổ biến ở Trung Quốc. Hồi tháng 4, Công ty Uber tại nước này bắt đầu áp dụng nó trong quá trình vận hành.

Trước đó, năm 2015, Trung Quốc đưa ra máy ATM có tính năng nhận dạng khuôn mặt đầu tiên trên thế giới làm tăng cường bảo mật cho khách hàng khi sử dụng thẻ rút tiền.

Tác giả bài viết: Nguyễn Sương

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP