Tin địa phương

Gian nan vào miền núi Cao Quảng

Xã miền núi Cao Quảng được bao bọc bởi các dãy núi xung quanh, tách biệt với bên ngoài. Bởi vậy, để vào Cao Quảng, ngoài còn đường vòng theo Tỉnh lộ 559 xa gần 100km, thì cách duy nhất là trèo đèo Cao Mã gập ghềnh, lởm chởm đá.

Đường vào xã Cao Quảng cheo leo, ghập ghềnh đá

Gian nan đường vào xã

Xã Cao Quảng (huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) là xã miền núi đặc biệt khó khăn, với địa hình các lèn núi đá bao vây, chia cắt xã với các địa phương khác trong huyện. Đặc thù địa hình đã khiến việc đi lại và giao thương của người dân địa phương với bên ngoài rất khó khăn.

Từ thị trấn Đồng Lê - trung tâm huyện đi về xã Cao Quảng chỉ có hai con đường đi; một là theo Quốc lộ 12A về xuôi huyện Quảng Trạch, xong ngược lên theo đường 559 với khoảng cách gần 80km. Con đường thứ 2 ngắn hơn là đi theo đường Châu Hóa-Cao Quảng khoảng tầm 30km, trong đó có 10km qua đèo Cao Mã ngoằn nghèo, lởn chởm dốc đá.

Bởi quảng đường ngắn hơn, nên người dân xã Cao Quảng lựa chọn đi qua đèo Cao Mã làm đường chính để đi lại. Con đường Châu Hóa-Cao Quảng hình thành từ thời kháng chiến chống Pháp. Từ đó đến nay con đường này vẫn giữ nguyên vẻ nguyên sơ, ghồ ghề như trước, chỉ có người đi bộ và phương tiện thô sơ qua lại.

Đường đèo Cao Mã chạy men theo ngọn núi, qua lèn đá cheo leo để vào xã Cao Quảng. Đường đèo quanh co, nhiều đoạn dốc đứng, và qua nhiều đoạn suối chia cắt. Một bên taluy dương luôn rình rập sạt lở đất đá khi mưa lũ, một bên taluy âm sâu hun hút.

Người dân địa phương cho biết “nền đường nhiều đoạn được san ủi, mở rộng hơn so với ngày trước, nhưng nền đất đá ở độ dốc cao, khi có nước mưa chảy mạnh là bị xói lở, trơ lại đá. Có dự án làm đường rồi, nhưng chỉ làm được một đoạn thì nhà thầu cũng rút lui, không biết khi nào mới làm tiếp”.

Đường dốc và lởm chởm đá.

Anh Trương Hải Đồng, cán bộ địa chính xã Cao Quảng cho biết, đường đi lại khó khăn, nên mỗi lần đi huyện họp, chúng tôi phải đi sớm để phòng xe cộ hư hỏng. Thời tiết dự báo trời mưa thì cán bộ xã phải đi từ chiều hôm trước rồi ở lại ngoài huyện để hôm sau họp cho đúng giờ, không thì không kịp.

Những năm qua, mỗi lần mưa, bão thì Cao Quảng hoàn toàn bị cô lập nhiều ngày do lũ làm ngập lụt, sạt lở các ngả đường; điện bị cắt, không liên lạc được về huyện. Trong siêu bão số 10 (ngày 15/9) khiến hai ngả đường vào xã đều bị cây cối ngã chắn ngang, phải mất nhiều ngày sau mới thông đường. Những ngày sau bão, UBND xã là điểm duy nhất có điện máy nổ phục vụ công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả.

Anh Đồng nhớ lại: “Trận lụt tháng 10/2016, và trận bão năm 2017 thì liên lạc cũng đỡ, còn trước đây như năm 2010, 2013 hoàn toàn mất liên lạc với bên ngoài. Chỉ đến khi nước rút, có người lên huyện báo cáo thì mới biết ở xã bị thiệt hại nặng nề do lũ lụt. Lực lượng chức năng và quân đội phải điều trực thăng chở mỳ tôm, thuốc men cứu trợ cho dân”.

Trời mưa, nhiều đoạn trở nên lầy lội

Người dân đi lại vất vả, nhưng các em học sinh của xã theo học trường THPT Lê Trực, phải đi qua con đường này mỗi ngày. Đường khó đi, nhiều lúc các cháu bị ngã xe, chậm học thường xuyên.

“Đi lại khó khăn nên giao thương buôn bán của người dân cũng không phát triển, anh em, bạn bè khi nào có việc cần thiết lắm thì mới đi qua đường này thôi, chứ cũng ít khi thăm hỏi, gặp gỡ nhau được” - anh Mai Anh Tuấn ở thôn Sơn Thủy cho biết.

Đường làm giang dở

Để khắc phục về giao thông đi lại, năm 2010 Nhà nước hỗ trợ vốn làm đường kiên cố qua đèo Cao Mã. Năm 2011, UBND huyện Tuyên Hóa đã có quyết định phê duyệt dự toán công trình với tổng mức đầu tư gần 60 tỉ đồng.

Mái taluy âm bị sạt lở, rất nguy hiểm

Đường cứu hộ, cứu nạn Châu Hóa – Cao Quảng dài gần 10km, do Tập đoàn Đặng Đại thi công. Đường được thiết kế rộng 3,5m, dày bê tông 22cm, và mác bê tông 300. Công trình hoàn thành sau 450 ngày khi nhận mặt bằng thi công.

Nhiều năm trôi qua, nhà thầu Đặng Đại mới thi công được 1,6km đường bê tông, và san ủi nền được thêm vài km nữa rồi thu hồi máy móc. Những hạng mục cống thoát nước đã bị sạt lở, bồi lấp. Mái taluy âm đất đá bị mưa lũ xói trôi. Nước từ núi chảy xuống tràn trên mặt đường hình thành những rãnh sâu theo dọc tuyến. Đất bị xói mòn, trơ đá cuội thành từng đám gồ ghề.

Để khắc phục những đoạn đường dốc khó đi, UBND xã trích kinh phí 60 triệu và xin huyện được 30 triệu để làm đường bê tông rộng 1m với tổng chiều dài 1km, đủ cho xe máy qua lại. Tuy nhiên, những đoạn mới làm này cũng bị mưa lũ làm xói lở, bong tróc, vỡ vụn.

Xã phải trích kinh phí làm đường nhỏ 1m cho xe máy qua lại, nhưng cũng bị mưa làm hư hỏng.

Ông Mai Xuân Tuyên - Bí thư kiêm chủ tịch xã cho biết, đường cứu hộ, cứu nạn Châu Hóa-Cao Quảng cho nhân dân trong vùng bão lũ tỉnh giao UBND huyện làm chủ đầu tư, nay được thông báo dừng vì không có vốn. Khi dự án triển khai, nhân dân Cao Quảng rất phấn khởi; bởi không chỉ cứu hộ, cứu nạn, nó còn kích thích địa phương phát triển kinh tế – xã hội. Mở ra hướng phát triển kinh tế vườn, trồng rừng, cao su tiểu điền, chăn nuôi cho người dân, nhằm giúp thoát nghèo”.

“Xã có gần 4 nghìn dân thì đang còn đến 40% hộ nghèo và 26% hộ cận nghèo, hằng ngày vẫn mong chờ hoàn thành con đường, để từng bước thúc đẩy bộ mặt kinh tế-xã hội. Nhưng dự án dừng, không biết bao giờ được bố trí vốn để làm tiếp. Chúng tôi mong muốn sự quan tâm của các cấp để con đường sớm hoàn thành, cho dân đỡ cơ cực” - ông Tuyên mong muốn.

Người dân mong được hoàn thành con đường để thuận tiện giao thương, phát triển kinh tế-xã hội

Người dân xã miền núi Cao Quảng hằng ngày phải vượt qua con đường hiểm trở này để mưu sinh, và họ mong chờ con đường sớm được làm xong để thuận tiện để giao lưu bôn bán phát triển kinh tế-xã hội để thoát nghèo.

Tác giả: Thanh Hà

Nguồn tin: Infonet

  Từ khóa: Gian nan vào miền núi

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP