Giáo dục

Gian nan học chữ ở bản bốn không

Aky là bản hẻo lánh nhất vùng cao Quảng Bình. Cuộc sống ở đây nằm ngoài sự phát triển của thế giới hiện đại khi không có nước sạch, y tế, sóng điện thoại hay điện lưới.

Aky là bản hẻo lánh nhất vùng cao Quảng Bình. Cuộc sống ở đây nằm ngoài sự phát triển của thế giới hiện đại khi không có nước sạch, y tế, sóng điện thoại hay điện lưới.

Aky là bản người dân tộc Ma Coong hẻo lánh, biệt lập nhất của xã vùng cao Thượng Trạch, Quảng Bình. Bản nằm cách đồn biên phòng Cà Ròong hơn hai tiếng đi bộ vào sâu trong núi.

Địa hình hiểm trở khiến điều kiện sống ở Aky rất thiếu thốn, dân trí thấp. 28 hộ dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề đi rừng, làm rẫy. Nhiều trẻ em bỏ học đi làm cùng cha mẹ.

Điểm trường Aky là một trong 10 điểm trường của trường Tiểu học số 2 Thượng Trạch, được thành lập với nhiệm vụ dạy tiếng Kinh và giáo dục tiểu học cho trẻ em trong bản.

Các thầy giáo về đây cắm bản phải trẻ, khỏe mới đủ sức trèo đèo lội suối và đủ lòng nhiệt thành để ở lại. Cuộc sống cô đơn, thiếu tiện nghi khác xa với cuộc sống trước đây của các thầy. Trong ảnh, thầy Cao Đức Duy (áo trắng, 25 tuổi) đang dạy chính tả cho các em lớp 3, 4, 5.

Trong lớp thầy Duy, Ngọc là học sinh khuyết tật duy nhất, em bị câm điếc bẩm sinh nên việc học con chữ khó khăn hơn nhiều so với các bạn. “Ngọc học bằng cách tô viền chữ trong sách, viết được nhưng không thực sự hiểu nghĩa. Dù học chậm, ngày nào em cũng đến lớp đều đặn hai buổi”, thầy Duy chia sẻ.

Cùng cắm bản với thầy Duy, thầy Hoàng Bảo Tăng (25 tuổi) là giáo viên chủ nhiệm các lớp 1, 2. Lớp học của thầy chỉ có 6 học sinh, nhưng rất ít khi các em có mặt đông đủ.

Học sinh thường xuyên nghỉ học nhất trong lớp thầy Tăng là Đinh Duấn (6 tuổi). Duấn bị suy dinh dưỡng và thoát vị rốn khiến sức khỏe em luôn yếu ớt. Mẹ em - chị Y Cươn -vừa sinh đứa con thứ 5 nhưng không nhớ được tuổi của bản thân hay các con. Mới đây, Duấn được các tình nguyện viên của ĐH Quảng Bình giúp đỡ kêu gọi cộng đồng hỗ trợ chữa bệnh.

“Dân trí người dân trong bản thấp, số dân lại ít, họ lấy lẫn anh em họ hàng của mình. Hôn nhân cận huyết là một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ em sinh ra mang những khiếm khuyết cơ thể”, thầy Nguyễn Ngọc Phương - phó hiệu trưởng trường tiểu học số 2 Thượng Trạch - cho biết.

Việc học con chữ không phải là ưu tiên của những đứa trẻ ở đây. Cha mẹ các em luôn mong muốn con ở nhà giúp đỡ mình, thay vì đến lớp. Thầy giáo thường xuyên phải đến từng nhà vận động các em đi học.

Nghỉ học, các em thường theo cha mẹ lên nương làm rẫy, xuống suối bắt ốc làm thức ăn hay ở nhà chăm em. Giữa các buổi học, nhiều em chạy về nhà ngay cạnh trường để xúc cát, dọn phân cho cha mẹ.

Để tạo điều kiện học tập tốt hơn cho học sinh, các thầy giáo thường vận động quyên góp sách vở, áo quần từ dưới xuôi lên ủng hộ. Ngoài ra, giáo viên còn thực hiện những công tác xã hội khác để giúp đỡ dân bản.

Khi trong bản có phụ nữ sinh con, các thầy giáo soạn ra một danh sách tên để người dân chọn đặt. Đồng thời, tên tuổi, ngày tháng năm sinh của các em được ghi lại trên bức vách gỗ trong phòng các thầy, để nhắc nhở người dân làm giấy khai sinh cho con mình.

Đối với bọn trẻ, có được bữa ăn đầy đủ trong ngày đã khó, được một bữa ngon lại còn khó hơn. Món ăn hàng ngày của chúng là một nắm cơm chấm với muối và ớt quả.

Các thầy giáo ở đây thường trêu, những đứa trẻ ở bản Aky cứ dậy thì là lấy chồng, lấy vợ, sinh con rồi đẻ cho đến khi nào không còn trứng để đẻ nữa mới thôi. Vậy nên, nhà nào cũng 5-6 đứa. Chúng lớn lên bên lũ gà, chó, lợn dê… cứ lăn vào cát trộn phân mà nghịch, nhảy xuống suối mà tắm, mò ốc ăn thay cơm.

Tác giả bài viết: Hoàng Như

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP