Tin địa phương

Gian nan bậc học mầm non ở Dân Hóa

Đến với Trường Mầm non Dân Hóa (xã Dân Hóa, huyện vùng cao Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình), chúng tôi thực sự xúc động khi chứng kiến những giáo viên phải sinh sống trong những nhà kho chật chội, chạy xe máy hàng chục cây số vượt đường đồi núi để đến lớp chăm sóc, giáo dục trẻ.

Còn trẻ mầm non nơi đây phải học trong các ngôi nhà tạm, nhà sinh hoạt cộng đồng hết sức khó khăn, thiếu thốn.

Trường lớp tạm bợ

Trường MN Dân Hóa hiện có 10 điểm trường, với 22 phòng học và 384 học sinh. Trong đó có 4 điểm trường phải học tạm trong nhà sinh hoạt cộng đồng ở các bản Ka Vàng, Tà Leeng, Ka Định và Cha Lo; 9 phòng học là những căn nhà tạm và 9 phòng còn lại thuộc loại bán kiến cố.

Hầu hết các điểm trường đều chưa có sân chơi cho các trẻ, ngoại trừ điểm trung tâm có sân nhưng lại quá chật chội so với nhu cầu. Toàn trường có 35 thầy cô giáo đứng chân dạy học, chăm sóc trẻ tại 10 điểm trường phân tán trên địa bàn dân cư khá rộng, với điều kiện sinh hoạt, đi lại còn hết sức khó khăn.

Trực tiếp đến thăm các thầy cô, các trẻ mầm non tại các điểm trường, chúng tôi mới thấu hiểu được những khó khăn, vất vả mà thầy cô, trẻ mầm non nơi đây đang ngày ngày phải đối mặt. Tại điểm trường Ka Định chỉ có một phòng học duy nhất được mượn tạm từ nhà sinh hoạt cộng đồng.

Điểm trường chỉ có một mình cô giáo Cao Thị Thanh Huyền phụ trách. Lớp có 23 cháu từ 3 - 5 tuổi, tất cả cùng học chung trong ngôi nhà chật chội lại lên xuống bằng cầu thang. Tất cả mọi sinh hoạt, học tập, cất giữ đồ dùng, bàn ghế, vui chơi của bản và các cháu chỉ gói gọn trong căn phòng nhỏ khoảng 20m2.

Cô Huyền chia sẻ: “Mọi hoạt động của cô trò đều gói gọn trong phạm vi lớp học nhỏ bé này. Muốn tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài trời cho trẻ nhưng không thể tổ chức được vì thiếu sân chơi, bãi tập. Thấy các con học hành trong lớp học tạm, thiếu thốn nhiều thứ, chúng em thương lắm, nhưng cũng không làm gì được hơn!”.

Giống như tình cảnh điểm trường Ka Định, điểm trường ở bản Cha Lo cũng chỉ có một phòng học cho các cháu ở lớp bé, lớp nhỡ và lớp lớn. Lớp học là căn phòng sinh hoạt cộng đồng. Căn phòng cũng rất tạm bợ, được làm bằng nhà gỗ, chỉ có diện tích chừng 10m2.

Căn phòng sinh hoạt cộng đồng bản Cha Lo xây dựng đã lâu, hệ thống điện sáng, cửa sổ đã xuống cấp nhưng hàng ngày cô và trò của điểm trường vẫn cố gắng dạy học. Phòng quá nhỏ đến nỗi 11 trẻ phải ngồi nhồi nhét vào để học.

Cô giáo Cao Thị Hồng Xanh, giáo viên đứng lớp nói: “Vì lớp học quá chật chội nên tôi phải xếp bàn theo hình chữ U cho các cháu học. Còn khi tổ chức học múa, tập thể dục hay trò chơi vận động thì phải ra mượn sân của điểm trường tiểu học bên cạnh. Cực nhất là khi mưa gió, lụt bão hoặc trong bản có hội họp, thì cô trò đành nghỉ học giữa chừng”.

Nhà kho thành… nhà ở

Trong khi học sinh phải “học nhờ, học tạm” tại căn nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn, bản, thì hàng chục giáo viên nơi đây lại sinh sống trong các ngôi nhà tạm hoặc nhà kho đựng đồ của trẻ. Thiếu phòng ở nên có những nơi giáo viên phải chạy xe máy vượt hàng chục cây số để về nhà, có cô phải ở nhờ phòng các trường khác.

Tại điểm trung tâm ở bản Y Leeng có hàng chục giáo viên đang công tác nhưng không có nhà công vụ. Cùng với 4 giáo viên khác sống trong căn phòng chật chội chừng 10m2, cô giáo Đinh Thị Kim Giang, bày tỏ: “Do phòng quá chật chội, lại phải chứa đồ của học sinh nên chúng tôi không thể đặt giường ngủ mà phải trải chiếu dưới nền nhà ngủ nghỉ. Còn muốn nấu ăn, thì phải dọn đồ ra ngoài hành lang và khi học sinh về nhà thì cô cầm sổ sách ra phòng học để soạn bài”.

Ở Trường MN Dân Hóa, hầu hết các điểm đều thiếu chỗ ở cho giáo viên nên các cô dạy xong điểm này phải đến điểm khác để ở. Riêng tại điểm trường Bãi Dinh, các cô phải ở tạm trong căn nhà bếp tạm bợ đang xuống cấp. Do thiếu chỗ ở nên nhiều giáo viên dạy xong phải chạy xe máy hàng chục cây số để về lại nhà trong ngày.

Giọng buồn buồn, cô giáo Phan Thị Chiêm, một giáo viên quê ở xã Hóa Sơn, nói: “Tôi đang có con nhỏ nhưng không có chỗ ở nội trú nên ngày nào cũng phải về lại nhà trong ngày. Biết là vất vả, nhưng vì công việc nên cũng phải cố gắng đến lớp chứ biết làm sao được. Mong các cấp chính quyền quan tâm, xây dựng nhà ở công vụ cho giáo viên ở xa nhà như chúng tôi”.

Cô giáo Cao Thị Bình - Phó Hiệu trưởng Trường MN Dân Hoá, cho hay: Nhà cô Chiêm cách trường khoảng 50km nhưng cô vẫn sáng đi chiều về với tổng quãng đường khoảng 100km. Ở trường, không chỉ có riêng cô Chiêm, mà còn rất nhiều giáo viên khác phải đi về lại trong ngày.

“Hiện nay, Trường MN Dân Hóa vẫn còn thiếu ít nhất 8 phòng học và hàng chục phòng ở cho giáo viên. Việc thiếu thốn phòng học, phòng ở cho giáo viên đã không chỉ làm ảnh hưởng đến công tác chăm sóc, giáo dục, mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt đời thường của giáo viên, trẻ mầm non. Đó là những thiệt thòi khó có gì mà bù đắp được, bởi vậy rất mong nhận được sự quan tâm, chia sẻ của các cấp chính quyền và toàn xã hội… để hoạt động dạy học, cuộc sống của những giáo viên nơi vùng núi cao này vơi đi những nhọc nhằn”, cô Bình bày tỏ.

Tác giả: Đại Khải – Xuân Vương

Nguồn tin: Báo Giáo dục và Thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP