Kinh tế

Giám sát chặt các giao dịch ngân hàng trực tuyến

Cục trưởng Cục Công nghệ tin học, Ngân hàng Nhà nước Lê Mạnh Hùng cho biết đã yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai giải pháp hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến an toàn, bảo mật và giám sát chặt chẽ để kịp thời phát hiện các giao dịch đáng ngờ, gian lận…

Theo ông Lê Mạnh Hùng, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các tổ chức trung gian thanh toán tăng cường việc an toàn, bảo mật cho các dịch vụ thanh toán.

Trong dịch vụ NH điện tử, bên cạnh những mục tiêu phát triển, NHNN cũng nhận thấy những rủi ro tiềm ẩn từ việc cung cấp dịch vụ qua mạng. Để đảm bảo an toàn cho các hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ và nhất là cho khách hàng, NHNN đã nghiên cứu, ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các đơn vị liên quan triển khai dịch vụ NH điện tử đảm bảo an toàn.

NHNN cũng là đầu mối thường xuyên tiếp nhận các cảnh báo về lỗ hổng bảo mật, nguy cơ mất an toàn của hệ thống công nghệ thông tin từ các tổ chức để phân tích, cảnh báo, chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành kiểm tra, rà soát và có giải pháp kịp thời, tránh không để xảy ra các hiện tượng mất an toàn.

giamsatchatcacgiaodichnganhang
Chủ thẻ tuyệt đối không nên cung cấp thông tin tên, mật khẩu cho bất cứ ai

Liên quan đến những vụ việc gần đây khi các chủ thẻ, chủ tài khoản bị lộ thông tin khi giao dịch trực tuyến, không giao dịch vẫn mất tiền và tội phạm an ninh mạng có dấu hiệu gia tăng, ông Lê Mạnh Hùng cho biết NHNN đã có văn bản cảnh báo về tình hình tội phạm tấn công các hệ thống công nghệ thông tin và yêu cầu đảm bảo an toàn, bảo mật cho các dịch vụ thanh toán trực tuyến.

Theo đó, các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các tổ chức trung gian thanh toán tập trung phải kiểm tra, rà soát lại mạng lưới ATM; chủ động theo dõi, thông tin kịp thời các phản ánh của dư luận về những vấn đề phát sinh đối với hoạt động ATM của đơn vị mình. Có giải pháp hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ NH trực tuyến an toàn, bảo mật. Giám sát chặt chẽ các giao dịch để kịp thời phát hiện giao dịch đáng ngờ, gian lận dựa vào việc xác định thời gian, vị trí địa lý, tần suất giao dịch, số tiền giao dịch, số lần xác thực sai quy định… để chủ động ngăn chặn, cảnh báo cho khách hàng.

NHNN yêu cầu các đơn vị phân công cán bộ trực 24/7 giám sát, theo dõi hoạt động và nhật ký của các hệ thống công nghệ thông tin quan trọng để kịp thời phát hiện và xử lý các lỗ hổng bảo mật, các truy nhập trái phép, các cuộc tấn công (nếu có).

Lãnh đạo Cục công nghệ tin học cũng cho rằng dịch vụ NH điện tử đã và sẽ là xu hướng phát triển của dịch vụ NH trong tương lai. Và để sử dụng dịch vụ NH điện tử an toàn, khách hàng cần bảo mật thông tin về tên, mật khẩu đăng nhập các dịch vụ NH điện tử. Không cung cấp các thông tin trên cho bất kỳ đối tượng nào (kể cả nhân viên NH) qua điện thoại, email, mạng xã hội…

Bảo vệ điện thoại hoặc thiết bị di động của mình khi sử dụng các thiết bị này cho các dịch vụ NH trực tuyến như: cài đặt phần mềm phòng chống mã độc hại; thiết lập tính năng xác thực khi truy cập bằng mật mã hoặc vân tay…

VIB xóa tên chủ thẻ khỏi danh sách nợ

NH TMCP Quốc tế (VIB) vừa cho biết sau buổi làm việc trực tiếp với ông P.D.C, chủ thẻ tín dụng MasterCard VIB được cho là đã phát sinh giao dịch hơn 1.500 USD và bị NH tính cả tiền lãi lũy kế từ năm 2014 đến nay gần 88 triệu đồng.

Theo đó, VIB và khách hàng C., đã thống nhất được phương án giải quyết dứt điểm vụ việc trên tinh thần hợp tác, VIB quyết định sẽ không ghi nhận nợ đối với khách hàng cho các giao dịch qua thẻ trong vụ việc này và xóa lịch sử tín dụng liên quan trên hệ thống thông tin tín dụng (CIC).

Liên quan đến vụ việc, NH và khách hàng có nhiều cuộc trao đổi, chia sẻ trách nhiệm để đi đến thống nhất chung trong việc giải quyết vụ việc. Trong thời gian chưa thống nhất được cách giải quyết, VIB chưa thực hiện thu đối với các giao dịch tra soát.

Tác giả bài viết: T.Phương

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP