Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa công bố phương án xử lý khó khăn, vướng mắc của dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3 đoạn Km75-Km100 (QL3) theo hình thức hợp đồng BOT.
Theo hợp đồng đã ký, nhà đầu tư sẽ được thu phí tại 2 trạm là trên QL3 và trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới từ tháng 5/2017. Tuy nhiên, do có sự không đồng thuận của một số người dân, UBND tỉnh Thái Nguyên đề nghị Bộ GTVT cho phép nhà đầu tư thu phí trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới và trên đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên để hoàn vốn.
Để có cơ sở quyết định, Bộ GTVT đã cho phép Nhà đầu tư thu phí tại trạm trên đường Thái Nguyên - Chợ mới từ ngày 25/1/2018. Đồng thời, yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam giám sát chặt chẽ, minh bạch doanh thu sau 3 tháng để có số liệu khoa học nhằm xây dựng phương án thu phí cho dự án phù hợp.
Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tổng doanh thu sau 3 tháng chỉ đạt khoảng 6,7 tỷ đồng (tương đương 12,4% so với doanh thu theo hợp đồng), thiếu hụt so với phương án tài chính tại hợp đồng khoảng 47,5 tỷ đồng (87,6%). Như vậy, nếu chỉ thu phí tại trạm Thái Nguyên - Chợ Mới sẽ không khả thi, phá vỡ phương án tài chính của dự án.
Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới |
Trên cơ sở các phương án đã được Bộ GTVT, UBND tỉnh Thái Nguyên nghiên cứu, đề xuất, các bộ, ngành liên quan đã phân tích ưu, nhược điểm của từng phương án.
Phương án 1- bỏ trạm thu phí trên QL3, cho phép nhà đầu tư thực hiện mở rộng, hoàn thiện tuyến đường Hà Nội - Thái Nguyên đáp ứng tiêu chuẩn cao tốc và đặt trạm thu phí trên đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và đường Thái Nguyên - Chợ Mới. Hoặc có cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho nhà đầu tư với phần doanh thu bị giảm do bỏ trạm thu phí trên QL3.
Tuy nhiên, phương án này được nhận định là không khả thi do việc cải tạo, nâng cấp và đặt trạm thu phí trên đường hiện hữu (tuyến đường Hà Nội - Thái Nguyên) không phù hợp với Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, tại phiên họp Thường trực Chính phủ ngày 23/4/2018, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận “không sử dụng ngân sách bù đắp hoặc mua lại các dự án”.
Phương án 2 - giữ nguyên trạm thu phí trên QL3, thực hiện giảm phí cho các phương tiện và bổ sung nâng câo cải tạo QL37 đoạn từ Đèo Khế đến Bờ Đậu.
Phương án này cũng được nhận định là không khả thi do việc cải tạo, nâng cấp đường hiện hữu (QL37) bằng nguồn vốn BOT không phù hợp với Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phương án 3 - thống nhất lựa chọn phương án giảm tối đa mức phí cho các phương tiện khi đi qua trạm QL3. Cụ thể: Giảm từ 50-100% phí đối với phương tiện của người dân thuộc khu vực lân cận trạm; Giảm 30% phí đối với các phương tiện khác (ngoài khu vực lân cận trạm).
Đối với việc cải tạo, nâng cấp QL37 đoạn từ Đèo Khế đến Bờ Đậu, Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ khẩn trương nghiên cứu phương án triển khai bằng vốn bảo trì.
Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên sớm có văn bản thống nhất về phương án giảm phí tại trạm QL3 gửi Bộ GTVT. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, hướng dẫn các chủ phương tiện kê khai, đăng ký giảm phí theo phương án đã thống nhất.
Tác giả: Châu Như Quỳnh
Nguồn tin: Báo Dân trí