Kinh tế

Giải cứu thịt lợn: 100.000 tỷ đồng và nền nông nghiệp 'chạy rông'

Câu chuyện giải cứu nông sản, sản phẩm chăn nuôi đã không còn là câu chuyện cũ, cũng không còn là câu chuyện tình thế nữa mà nó đang có nguy cơ trở thành "đại dịch" của sản xuất nông nghiệp.

Rất nhiều đơn vị, ngành nghề đã được huy động để cứu giá thịt lợn trong nước. Những ngày đầu của cuộc giải cứu đã có những tín hiệu tích cực khi ngày 01/5 thịt lợn hơi đã rục rịch tăng giá lên 3.000 đồng/kg. Những tín hiệu mừng này đem đến hi vọng cho những người chăn nuôi, hiện họ chỉ mong “cắt lỗ” chứ không mong hòa hãy lãi nữa.

Thật cám cảnh cho tình trạng mà nền nông nghiệp nước ta đang gặp phải. Mỗi lần thị trường lên “cơn sốt” cũng là lúc nông sản điêu đứng và cộng đồng lại đôn đáo giải cứu. Sau cuộc giải cứu, người ta lại rút ra rất nhiều bài học nhưng học hoài chẳng ai thuộc. Việc tìm câu trả lời cho câu hỏi "trồng cây gì, nuôi con gì" đã có từ rất nhiều năm nhưng chưa có câu trả lời.

Mặc dù, đã có những mô hình nông dân liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo quy trình và yêu cầu của nhà nhập khẩu, song số đó còn quá ít bởi tâm lý làm ăn theo kiểu manh mún và "a dua" đám đông. Đã vậy, hầu hết sản phẩm nông sản của Việt Nam được xuất khẩu thô, từ ruộng từ chuồng ra thẳng thị trường.

Lợn xuất chuồng lên thẳng xe đi Trung Quốc, chuối, dưa từ ruộng lên xe cũng lại đi Trung Quốc. Khi Trung Quốc ngừng nhập là nông sản lại lao đao. Mỗi lần như vậy là lại có một cuộc “giải cứu”…

Nông dân Việt có theo hướng công nghệ cao được không nếu cộng đồng liên tục phải "giải cứu"?

Thật khôi hài nếu nhìn vào những cuộc giải cứu vẫn đang diễn ra rầm rộ trong bối cảnh Chính phủ đang ra sức thực thi chiến lược tổng lực phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao với số vốn huy động lên đến 100.000 tỷ đồng.

Đã từ rất lâu khái niệm “Việt Nam là một nước nông nghiệp” đã ăn sâu trong tiềm thức đa phần người Việt, chính vì thế chiến lược phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao được đánh giá là bước đi đúng hướng và phù hợp với điều kiện hoàn cảnh nước ta.

Số vốn lớn như vậy đã cho thấy ý chí mạnh mẽ xóa bỏ nền nông nghiệp lạc hậu của các ban ngành cơ quan chức năng. Tuy nhiên, đó là một chính sách lớn, lâu dài để nông nghiệp Việt Nam có thể vươn lên. Điều cần thiết bây giờ là phải hạn chế được những cuộc giải cứu phong trào như hiện nay.

Nền nông nghiệp Việt Nam đang tồn tại một nghịch lý đáng buồn, sản phẩm nông nghiệp Việt đang thất bại trên "sân nhà", người Việt dường như chỉ để ý đến sản phẩm của những người nông dân khi có kêu gọi “giải cứu”. Các chuyên gia kinh tế đều thống nhất rằng những cuộc giải cứu một cách khiên cưỡng như vậy là một hệ quả của một nền nông nghiệp thiếu chiến lược, thiếu quy hoạch, thiếu tổ chức sản xuất bài bản, chuyên nghiệp.

Nói như chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, chủ tịch hiệp hội siêu thị Hà Nội thì, người nông dân đang đứng trước vận hội mới khi ưu tiên của Chính phủ phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao. Số vốn 100.000 tỷ đồng sẽ tạo ra những cơ hội mới. Thế nhưng, để nắm bắt được vận hội mới, điều thiết thực nhất phải thay đổi được tư duy trong sản xuất nông nghiệp mới có thể đem lại hi vọng. Câu hỏi “nuôi con gì, trồng con gì” nông dân không thể trả lời được, “nuôi như thế nào và bán cho ai”, nông dân cũng không trả lời được mà đây là việc làm của các cơ quan chức năng.

Trước khi nền nông nghiệp công nghệ cao đi vào đời sống thực, người nông dân cần những giải pháp tổng thể từ nhà nước, chính quyền từ trung ương đến địa phương và thậm chí cần nâng cao năng lực cho cán bộ nông nghiệp cấp cơ sở. Cán bộ cấp cơ sở phải biết “cầm tay, chỉ việc” cho người nông dân, phải ăn cùng, ở cùng họ để thay đổi ý thức trong quy trình sản xuất nông nghiệp. Các khâu từ dự báo thị trường, quy hoạch sản xuất để tránh phụ thuộc vào một thị trường như hiện nay mới là điều quan trọng.

Tác giả: Trần Phương

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP