Một loạt nhà máy DAP của Vinachem đang trong tình cảnh thua lỗ. |
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) vừa công bố bản tham vấn lấy ý kiến các bên liên quan tới vụ việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với phân bón DAP và MAP nhập khẩu do Công ty cổ phần DAP - Vinachem và Công ty cổ phần DAP số 2 - Vinachem (Tập đoàn Công nghiệp hóa chất Việt Nam) đề nghị.
Đóng góp ý kiến tại bản tham vấn này, Công ty tư vấn WTL cho rằng, việc áp dụng biện pháp tự vệ là phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam và Hiệp định Tự vệ của WTO. Ngành sản xuất phân bón DAP trong nước trong những năm gần đây và đặc biệt là trong năm 2016 đã chịu thiệt hại nghiêm trọng và tình trạng này cũng đang tiếp diễn trong 8 tháng đầu năm 2017.
"Biện pháp tự vệ là sự hỗ trợ mang tính cấp bách để cứu ngành sản xuất phân bón DAP trong nước khỏi nguy cơ bị xóa sổ do sức ép của hàng hóa nhập khẩu. Điều này sẽ giúp ngành sản xuất DAP trong nước duy trì, phát triển, và cuối cùng đem lại lợi ích lâu dài cho người nông dân, tránh sự lệ thuộc hoàn toàn vào hàng hóa nhập khẩu", phía Công ty tư vấn WTL cho biết.
Tuy nhiên, nhóm các doanh nghiệp nhập khẩu, trong đó có đại diện Công ty Baconco cho rằng, lý do chính cho việc sản phẩm DAP, MAP sản xuất trong nước từ các nhà máy như Lào Cai, Đình Vũ hay Đức Giang hiện chưa có kết quả kinh doanh tốt không liên quan đến giá nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài mà chủ yếu do chất lượng không phù hợp thói quen tiêu dùng của người sử dụng như các sản phẩm có khả năng hòa tan tốt và hiệu ứng xanh tươi nhanh chóng trên cây trồng của các sản phẩm DAP nhập khẩu.
"Các sản phẩm nhập khẩu đang bán chạy tốt trong khi các mặt hàng nội địa đang gặp khó khăn, rõ ràng cho thấy giá cả không phải là vấn đề. Chất lượng sản phẩm DAP trong nước không đảm bảo do sự hòa tan thấp. Tình trạng khó khăn của ngành sản xuất DAP là tình trạng chung trên thế giới không chỉ có mỗi ngành DAP của Việt Nam", Công ty Baconco cho biết..
Theo đại diện công ty này, người nông dân Việt Nam sẽ là người phải chi trả thuế phòng vệ này, làm tăng chi phí sản xuất và giảm khả năng cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam. Do mức thuế này chỉ áp dụng cho sản phẩm DAP nhập khẩu chứ không áp dụng cho thành phẩm phân phức hợp NPK, điều này sẽ tạo nên lợi thế bất công bằng cho các mặt hàng NPK nhập và đặt các công ty sản xuất NPK ở Việt Nam sẽ tăng lên khoảng 12% do chi phí nhập khẩu DAP nguyên liệu tăng.
Phía Công ty phân bón Việt Nhật cũng cho rằng, việc áp dụng các biện pháp tự vệ đối với phân bón DAP nhập khẩu sẽ tạo nên tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam.
"Khi so sánh tương quan giữa lượng sản xuất DAP trên thế giới với lượng sản xuất DAP trong nước, lượng sản xuất DAP hàng năm trên thế giới khoảng 40 triệu tấn trong khi lượng sản xuất DAP trong nước hàng năm của cả hai nhà máy DAP của Vinachem nếu sử dụng hết công suất thiết kế chỉ 0,66 triệu tấn. Điều này cho thấy lượng sản xuất DAP trong nước chiếm một tỷ lệ nhỏ và Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất nhập khẩu DAP và lượng nhập khẩu cũng không nhiều bằng các nước khác", công ty này cho biết.
Đồng quan điểm, Công ty PhosAgro cũng cho rằng, sử dụng biện pháp tự vệ trong trường hợp này là chưa thỏa đáng và trái với cam kết quốc tế của Việt Nam. Biện pháp tự vệ, bản chất không được xem là biện pháp khắc phục tình trạng thương mại không công bằng. Tự vệ thương mại chỉ được xem là ngoại lệ được áp dụng trong các trường hợp khẩn cấp. Do đây là một biện pháp ngoại lệ nên được sử dụng một cách cẩn trọng và hạn chế.
"Vụ việc hiện tại có thể dẫn đến hành vi trả đũa thương mại từ các thành viên bị ảnh hưởng. Trong vụ việc này, Cơ quan điều tra cần xem xét thận trọng, không đi ngược lại vấn đề về lợi ích kinh tế, xã hội. Đặc biệt, đối tượng chịu thiệt hại nhất trong vụ việc này người nông dân, vì vậy đề nghị Cơ quan điều tra cần xem xét thận trọng", Công ty PhosAgro cho biết.
Trong vụ việc này, Cục Cứu tế thương mại Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng, việc áp dụng biện pháp tự vệ có điều kiện nghiêm ngặt, vì vậy cần được xem xét cẩn thận. Không có chứng cứ đầy đủ để chứng minh việc tồn tại “sự diễn biến không lường trước được”, cần phải phân tích tổng quát chứ không phải là một hiện tượng cụ thể. Không có chứng cứ đầy đủ để chứng minh tồn tại “số lượng nhập khẩu tăng đột biến”. Không có chứng cứ đầy đủ để chứng minh quan hệ nhân quả.
Về phía cơ quan quản lý của Việt Nam, Cục Phòng vệ Thương mại cho biết sẽ hoàn thành kết luận điều tra cuối cùng và gửi dự thảo để các bên liên quan đóng góp ý kiến.
"Cục Phòng vệ Thương mại sẽ xem xét một cách thỏa đáng và khách quan quan điểm của các bên nêu ra trong Phiên tham vấn, đồng thời đảm bảo quy trình điều tra được tiến hành theo đúng quy định pháp luật của Việt Nam và Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên", cơ quan này cho biết.
Tác giả: Phương Dung
Nguồn tin: Báo Dân trí