Kinh tế

Giá trị tiền kỹ thuật số nhảy loạn xạ vì các luồng thông tin

Những giờ qua, giá các đồng tiền kỹ thuật số, trong đó có Bitcoin liên tục thay đổi với biên độ ngày càng lớn do nhiều luồng thông tin

Theo dữ liệu từ CoinDesk, sau khi chạm ngưỡng gần 9.200 USD, Bitcoin bất ngờ giảm mạnh xuống ngưỡng 8.800 USD và thậm chí còn tạo đáy ở ngưỡng 8.700 USD.

Thị trường tiền kỹ thuật số biến động mạnh ở biên độ lớn do nhiều luồng thông tin. (Ảnh: KT).

So với ngày hôm qua, giá Bitcoin hôm nay giảm nhẹ 0,6% và dừng ở 8.900 USD. Tổng giá trị trao đổi trong ngày suy yếu nhẹ, đạt 6 tỷ USD. Vốn hóa thị trường của Bitcoin và thị phần trong thế giới tiền ảo không thay đổi đáng kể, lần lượt ở mức 150 tỷ USD và 43,8%,

Thị trường tiền kỹ thuật số biến động không đồng đều những giờ qua với sự đan xen sắc đỏ, xanh, tốc độ chủ yếu dưới một chữ số. Nguyên nhân do nhiều luồng thông tin từ các cơ quan quản lý tài chính lớn như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và sự thừa nhận của các nước thành viên G20.

Các nước trong khối G20 gỡ nút thắt cho tiền kỹ thuật số với tuyên bố, các đồng tiền kỹ thuật số là tài sản: "Thiếu những đặc tính của các đồng tiền được phát hành bởi quốc gia chủ quyền" và "ở vào một thời điểm nào đó tiền kỹ thuật số có thể có ảnh hưởng đến sự ổn định của hệ thống tài chính".

Theo ông John Spallanzani, nhà quản lý danh mục đầu tư của Miller Value Partners, trong bối cảnh lo sợ cuộc gặp mặt của G20 sẽ càng tạo ra áp lực cho tiền ảo, các nhà giao dịch giờ đây có thể thở phào nhẹ nhõm vì bộ trưởng các quốc gia có nền kinh tế lớn nhất không kêu gọi một sự kiểm soát chặt chẽ hơn.

Tuy nhiên, Bitcoin vẫn phải đang đối mặt với rất nhiều vấn đề. Trong đó, các sàn giao dịch tiền ảo đang là "con mồi" béo bở cho nạn tin tặc tấn công, nhằm ăn cắp đồng tiền kỹ thuật số.

Bên cạnh đó, OECD mới đây đã kêu gọi một thỏa thuận về khuôn khổ mới đối với việc đánh thuế các công nghệ mới nổi như tiền ảo.

Trong báo cáo gửi tới các bộ trưởng tài chính và các nhà quản lý ngân hàng trung ương của các nước thành viên G20 vào hôm thứ Ba, OECD cho biết họ đang tìm cách phát triển các công cụ thực tiễn cũng như hợp tác trong việc "kiểm tra các hậu quả về thuế đối với công nghệ mới", chẳng hạn như tiền ảo hay công nghệ phân tán.

OECD cho biết nỗ lực mới này sẽ bắt đầu ngay lập tức và là một phần trong khuôn khổ rộng lớn hơn mà tổ chức này đang phát triển. Dự định trong năm sau, khuôn khổ này sẽ được cập nhật một lần nữa trước khi chính thức phát hành năm 2020.

Mặc dù hiện tại không có một tiêu chuẩn toàn cầu để xác định liệu lợi nhuận thu được từ kinh doanh tiền ảo có phải chịu thuế hay không nhưng một số nước, như Mỹ hay Nhật Bản đã bắt đầu áp dụng các luật thuế hiện hành đối với công nghệ mới ra đời.

Các chuyên gia kinh tế thế giới lo ngại về "vụ nổ bong bong thế kỷ". Morgan Stanley khẳng định diễn biến của Bitcoin rất giống chỉ số Nasdaq thời kỳ bong bóng dotcom cách đây gần 20 năm, nhưng nhanh hơn nhiều.

Có cùng nhận định trên, một tổ chức tài chính khác là Goldman Sachs cho rằng, nếu bong bóng này vỡ sẽ làm ảnh hưởng đến khoảng 1% GDP toàn cầu./.

Tác giả: Thanh Giang

Nguồn tin: BÁO ĐIỆN TỬ VOV

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP