Pháp luật

Giả danh công an gọi điện thoại lừa hơn 7 tỷ đồng

Tự xưng là cán bộ Công an đang “làm án” với những thông tin chi tiết của người dân, các đối tượng lừa đảo đã dễ dàng khiến cho số người này “sập bẫy”. Sau khi rút hàng tỷ đồng, các đối tượng cao chạy xa bay...

Đường dây lừa đảo này có sự liên thủ giữa các đối tượng trong và ngoài nước. Số tiền chúng yêu cầu nạn nhân chuyển vào tài khoản đều được nhanh chóng rút ra và biến mất trước khi bị hại nhận thấy đó là một kịch bản lừa.

Những cú điện thoại tiền tỷ

Đầu tháng 5 vừa qua, một số người dân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã đến Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lạng Sơn để tố cáo bản thân bị các đối tượng lừa đảo chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng rồi trốn sạch. Thủ đoạn của các đối tượng là giả danh cán bộ điều tra của Bộ Công an, đang thụ lý những vụ án liên quan đến số người này và đe dọa nếu không chuyển tiền vào tài khoản của chúng thì sẽ gặp phiền phức.

Nhiều đối tượng còn yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản để phục vụ quá trình điều tra vụ án. Chẳng biết có phải vì “có tật giật mình” hay “thần hồn nát thần tính” mà hầu hết những người nghe điện thoại đều răm rắp làm theo yêu cầu của các đối tượng này.

Các đối tượng Kiên, Quang, Minh

Trước tính chất phức tạp và nghiêm trọng của vụ án, lãnh đạo Công an tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo Văn Phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lạng Sơn khẩn trương điều tra xác minh, truy bắt các đối tượng gây án. Sau một thời gian triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, nhận thấy thời cơ đã chín muồi, Ban chuyên án quyết định phá án.

Ngày 5-6, lực lượng Công an đã triển khai lực lượng mật phục và bắt giữ nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi chúng đang tập trung tại một khách sạn ở thành phố Bắc Ninh. Cơ quan điều tra đã làm rõ đối tượng chủ mưu cầm đầu nhóm tội phạm chuyên sử dụng công nghệ cao lừa đảo là người nước ngoài, điều hành hoạt động lừa đảo chủ yếu qua mạng internet, điện thoại di động có đầu số nước ngoài ở CuBa, Philippin.

Trợ giúp đắc lực cho hoạt động lừa đảo xuyên quốc gia là đối tượng Lương Đức Quan (tức A Lẻng - SN 1975, thường trú tại thị trấn Thượng Thạch, thị xã Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) và các đối tượng Nguyễn Văn Quyền (SN 1986), Nguyễn Khắc Kiên (SN 1990) cùng trú tại xã Đại Đồng, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn); Hoàng Trường Minh (SN 1988, ở thôn Mai Thành, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn).

Đối tượng Quan đã sang Việt Nam trực tiếp giám sát việc rút tiền và chuyển tiền ra nước ngoài qua dịch vụ đổi tiền. Các đối tượng Quyền, Minh, Kiên trực tiếp tìm và thuê người ở Việt Nam đứng ra mở tài khoản.

Người dân cần nâng cao cảnh giác

Đấu tranh tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận: Với thủ đoạn giả danh cán bộ điều tra của Bộ Công an đang điều tra vụ án liên quan đến tài khoản của nạn nhân, chúng gọi điện yêu cầu các bị hại này chuyển toàn bộ số tiền trong tài khoản của mình sang tài khoản chúng yêu cầu để điều tra, nhưng thực chất để chiếm đoạt. Đối tượng cầm đầu chủ mưu ở nước ngoài chỉ đạo các đối tượng ở Việt Nam thuê người khác mở nhiều tài khoản tại các ngân hàng khác nhau. Khi các nạn nhân chuyển tiền, những đối tượng ở Việt Nam rút tiền và đưa cho một đối tượng trung gian để chuyển ra nước ngoài. Mỗi lần giao dịch thành công, đối tượng mở tài khoản sẽ được nhận 200 đến 300.000 đồng.

Đối tượng Quyền bị bắt giữ

Đáng chú ý là một số thanh niên ở nông thôn ra thành phố để tìm việc làm, khi bị đối tượng lừa đảo rủ rê, lôi kéo trở thành đồng phạm tiếp tay cho hoạt động phạm tội. Những đối tượng này đã mở nhiều tài khoản tại các ngân hàng khác nhau, thậm chí cả khi biết rõ tiền vào tài khoản của mình là tiền lừa đảo mà có song vẫn tham gia. Một số thanh niên khác khi được nhờ mở tài khoản tham gia chỉ vì hám lợi vài trăm ngàn đồng tiền công mà không cần biết nguồn gốc số tiền do đâu mà có.

Mở rộng điều tra, Công an tỉnh Lạng Sơn xác định, không chỉ có người dân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, nhiều người ở các tỉnh như Hải Phòng, Hà Nội, Thái Bình, Thanh Hóa, Bình Định, Phú Yên cũng trở thành nạn nhân của đường dây lừa đảo này. Tổng số tiền đến thời điểm hiện tại cơ quan CSĐT xác định được các đối tượng đã chiếm đoạt lên tới 7,2 tỷ đồng. Riêng tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn, số tiền nạn nhân bị lừa chuyển tiền qua các ngân hàng gần 5,2 tỷ đồng, trong đó các đối tượng đã rút tiền mặt để chuyển ra nước ngoài hơn 4,6 tỷ đồng. Công an Lạng Sơn phong tỏa số tiền còn lại gần 600 triệu đồng.

Một số tang vật liên quan đến chuyên án

Trước câu hỏi đặt ra là tại sao nhóm tội phạm trên thực hiện hoạt động lừa đảo dễ dàng như vậy, đại diện Cơ quan CSĐT khẳng định: Trước hết do chính các nạn nhân mất cảnh giác, để lộ lọt thông tin cá nhân. Khi tội phạm nắm được thông tin này chúng đã lập kế hoạch hăm dọa, khiến nạn nhân hoang mang, hoảng sợ và răm rắp làm theo yêu cầu của các đối tượng.

Bên cạnh đó, chúng còn có sự tiếp tay tích cực của một số đối tượng ở trong nước. Công tác điều tra với tội phạm lừa đảo công nghệ cao gặp rất nhiều khó khăn. Đối tượng cầm đầu ở nước ngoài, những đối tượng khác chỉ biết thực hiện theo chỉ đạo từ xa để nhận tiền công, hầu hết đều không biết nguồn gốc tiền chuyển khoản từ đâu. Tiền của các nạn nhân khi chuyển tài khoản theo yêu cầu của đối tượng lập tức được rút ngay và chuyển ra nước ngoài qua dịch vụ đổi tiền, không thể thu hồi.

Ngày 16-6, Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh cho biết: Đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 5 bị can về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hiện Ban chuyên án đang tiếp tục điều tra mở rộng để truy bắt những đối tượng liên quan. Cơ quan CSĐT cũng đề nghị người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, chú ý bảo mật thông tin cá nhân, khi có các cuộc gọi lạ hãy trình báo cơ quan công an.

Tác giả: Phong Thái Linh

Nguồn tin: Báo An ninh Thủ đô

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP