Trong nước

Gặp lại cậu bé thoát chết nhờ lọt đường ray tàu hỏa

7 năm sau vụ tai nạn đường sắt kinh hoàng khiến bố mẹ tử vong, bé Tuấn Anh giờ đã là cậu học sinh ngoan ngoãn, học giỏi.


Bé Tuấn Anh 7 năm sau vụ tai nạn đã trở thành cậu học trò ngoan ngoãn, học giỏi.

7 năm sau vụ tai nạn đường sắt kinh hoàng khiến bố mẹ tử vong, bé Tuấn Anh, cậu bé lọt thỏm xuống đường ray khi đoàn tàu chạy qua giờ đã là cậu học sinh ngoan ngoãn, học giỏi.

Sống sót thần kì

Chiều 14/12, trong ngôi nhà nhỏ tại xóm Đồng Mương, xã Cát Nê, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, ông Nguyễn Văn Thìn (ông nội bé Nguyễn Tuấn Anh) đang lúi húi sửa lại chiếc chuồng gà ọp ẹp. Cạnh đó, cụ Phạm Thị Ngũ (85 tuổi) lom khom cho gà ăn ngoài vườn.

Thấy khách đến, ông Thìn vội rửa tay pha mời trà khách. Chỉ tay vào những bức ảnh và bằng khen của cháu nội treo kín tường nhà, ông Thìn vui vẻ nói: “Tuấn Anh đi học lát nữa mới về, cháu học giỏi, ngoan lắm”.

Ông Thìn cho biết, do không tìm được việc ở quê nhà (Thái Nguyên), anh Nguyễn Văn Năng (SN 1976, bố bé Tuấn Anh) phải ra Bắc Ninh xin làm công nhân tại khu công nghiệp Từ Sơn. Tại đây, anh gặp và kết hôn với chị Nguyễn Thị Hợp (SN 1988, quê ở Bắc Ninh). Thu nhập thấp, cuộc sống khó khăn, 1 năm sau, bé Tuấn Anh ra đời, anh Năng, chị Hợp vẫn phải tá túc nhờ gia đình ngoại, ít có dịp về quê thăm nhà.

Khoảng 8h sáng ngày 30/4/2009, trên đường đưa vợ con từ Bắc Ninh về quê nội chơi, xe máy do anh Năng điều khiển đã va chạm với tàu hỏa. Anh Năng chị Hợp bị hất tung, bắn ra xa, tử vong tại chỗ, cơ thể không còn nguyên vẹn. Tàu hỏa chạy qua, một thanh niên đứng gần đó bỗng phát hiện bé Tuấn Anh lúc đó 2 tuổi nằm sấp, lọt thỏm giữa hai thanh ray đường sắt, vẫn đang khóc. Mọi người vội vã bế Tuấn Anh vào bệnh viện gần đó để cấp cứu.

Do vết thương quá nặng, ngày 1/5, bé Tuấn Anh được chuyển lên Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) phẫu thuật cấp cứu trong tình trạng mê man, với chẩn đoán gãy xương đùi phải, dập lá lách và một số chấn thương phần mềm.

“Để tránh nhiễm trùng, các bác sĩ khoa Phẫu thuật Nhi đã phải cắt đi 1/3 lá lách của cháu, phần xương gãy ở đùi được bó bột. Do di chứng của vụ TNGT, thể trạng của cháu khá yếu, hồi nhỏ cháu thường xuyên sốt cao và giật mình khóc thét mỗi đêm. Đến giờ, cháu vẫn có những lúc ngồi bần thần, buồn bã hàng giờ”, ông Thìn kể.

Tự lập, học giỏi

Bố mẹ mất, bé Tuấn Anh được ông bà ngoại chăm sóc suốt thời gian điều trị tại bệnh viện và đến năm 2011, ông bà nội mới đón cháu về Thái Nguyên. Khi đó, Tuấn Anh đã đi lại nhanh nhẹn, biết chơi ghép hình, tập đếm, đánh vần chữ cái và hát một số bài hát thiếu nhi.

Anh Nguyễn Văn Thắng (con rể ông Thìn) cho biết, thời điểm đón Tuấn Anh về chăm sóc, vì cháu còn nhỏ nên gia đình giấu, mỗi lần cháu hỏi đều nói bố mẹ đi làm xa chưa về. “Đi học tiểu học, cô giáo giao bài tả về bố mẹ, cháu về mếu máo nói con chưa thấy mặt bố mẹ thì biết tả như nào; nhiều lần thấy các bạn được bố mẹ đón đưa, cháu cũng tủi thân. Rồi không biết nghe ai nói bố mẹ cháu mất, cả ngày hôm đó đi học về cháu nằm khóc một mình”, anh Thắng kể.

Nói về mơ ước của mình, Tuấn Anh cho hay, em sẽ học thật giỏi để được đứng trong hàng ngũ quân đội như ông nội năm xưa.

Mất đi con trai duy nhất và con dâu, bà nội bé Tuấn Anh gần như suy sụp. Khi Tuấn Anh chuyển về ở cùng, bà có vui hơn nhưng đến năm 2015, bà nội Tuấn Anh phát hiện bị ung thư. Tháng 5/2016 vừa qua, bệnh tình đột ngột chuyển xấu, bà đã mãi ra đi. Từ đó, Tuấn Anh sống cùng ông nội, cụ nội cũng đều đã già yếu. Cụ Ngũ bị ung thư trực tràng, ông Thìn thì mắc bệnh huyết áp cao nhiều năm nay, kinh tế gia đình giờ chỉ trông vào chút lương hưu và trợ cấp ít ỏi của 3 người.

“Tôi tuổi già, sức yếu, không biết có thể sống với cháu bao lâu nên từ nhỏ đã rèn cháu tính tự lập. Giờ con có thể tự giặt quần áo, thu dọn nhà cửa, nấu cơm, còn học hành thì cháu rất tự lập, học giỏi. Tôi dạy cháu chơi cờ vua, chỉ đến lần thứ 3, cháu đã biết chơi, đến giờ thì chơi giỏi hơn ông”, ông Thìn tự hào kể.

Hoạt bát, nhanh nhẹn, hòa đồng, thường tham gia các phong trào văn nghệ, cuộc thi do trường, huyện Đội tổ chức nên Tuấn Anh được thầy cô, bạn bè quý mến. Nhiều năm liền được giấy khen Cháu ngoan Bác Hồ, giải Nhất thi văn nghệ cùng bạn ở trường. Năm ngoái, Tuấn Anh được chọn đi thi cờ vua ở huyện. Tuấn Anh năm nay học lớp 4 trường tiểu học xã Cát Nê, từ lớp 2 đến giờ luôn được bầu làm lớp trưởng. “Đầu năm 2015, cháu phải đi mổ ruột thừa may không gặp nguy hiểm, cháu vẫn khỏe mạnh, 9 tuổi nhưng cháu nặng 40kg, so với các bạn thì to cao hơn”, ông Thìn xoa đầu cậu cháu nội khôi ngô, âu yếm nói.

Dẫn tôi vào căn phòng nhỏ, nơi đặt chiếc bàn học và giá sách bằng gỗ, Tuấn Anh nhanh nhảu cho biết, chiếc bàn này do em tự thiết kế có 3 ngăn để sách, để đồ chơi và sữa được hai cô ở Hà Nội gửi về cho. Cạnh đó là chiếc giường nhỏ được trải đệm, “giờ cháu vẫn ngủ với ông, khi nào lớn hơn cháu mới ngủ một mình”, Tuấn Anh nói.

Biết ông nội già yếu, khó khăn, chưa bao giờ em đòi hỏi bất cứ thứ gì từ quần áo, giày dép đến đồ chơi. Sau khi mất bố mẹ, lại thêm mất bà nội, dường như lo sợ một ngày nào đó ông lại rời xa mình, đêm ngủ, lúc nào em cũng ôm chặt ông, nhỏ nhẹ nói, “ông ở cạnh cháu mãi nhé”.

Tác giả bài viết: Yến Chi
Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP