Giáo dục

Gặp cụ ông 84 tuổi học cao học: Đừng gọi tôi bằng bác!

'Thầy cô, bạn bè đừng gọi tôi bằng bác', là nguyện vọng của cụ Lê Phước Thiệt (84 tuổi) khi theo học cao học tại Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng).

Cụ Lê Phước Thiệt đã hoàn thành năm học cao học đầu tiên ở tuổi 84 ẢNH: NGUYỄN HÀ


Ở cái tuổi 84, cụ Lê Phước Thiệt (Đại Lộc, Quảng Nam), được xét tuyển thẳng vào lớp cao học ngành quản trị kinh doanh năm học 2015-2016, đã hoàn thành năm học đầu của khóa cao học khóa 12 của ĐH Duy Tân (Đà Nẵng).

“Thầy cô, bạn bè đừng gọi tôi bằng bác”

Nguyện vọng của cụ ông khiến mọi người tại lớp cười òa, ai cũng vui vẻ chấp nhận; và trong suốt quá trình học, không ai gọi ông bằng bác, mà xem ông như một bạn học trẻ tuổi.

Khi vào học, ông còn có nguyện vọng được ở ký túc xá cùng “bạn bè” nhưng vì học cao học không cần tập trung như đại học, nên ông xin nhường phòng học cho các sinh viên khác. Vậy là mỗi khi có tiết học, ông nhờ cháu chở gần 60 km để đến trường.

Với trang phục trẻ trung, cụ Thiệt luôn muốn hòa mình cùng các bạn đồng môn ẢNH: NGUYỄN HÀ


Đặc biệt, ông không bỏ buổi học nào. “Cảm giác được trở lại làm sinh viên thật sự khiến tôi rất xúc động. Tôi quá yêu thích việc học tập này”, cụ Thiệt vui vẻ tâm sự sau những giờ học dài. Những buổi học không hề mệt mỏi mà với ông, nó giúp cho tinh thần của ông thêm minh mẫn, trí nhớ được duy trì...

Để sức khỏe tốt theo đuổi việc học, mỗi ngày ông đều tập thể thao. Phòng học ở trường không có thang máy dành cho sinh viên. Dù có ưu tiên thang máy nội bộ cho học viên đặc biệt nhưng ông đều tự leo thang bộ 7-8 tầng cho... giống sinh viên. “Tôi có sức khỏe, khi nào mệt thì xin đi thang máy”, ông cười hào sảng.

Cụ đã xuất sắc hoàn thành năm học đầu tiên ẢNH: NGUYỄN HÀ


Ngưỡng mộ tinh thần học tập

Việc học mà ông theo đuổi, nghe nhiều người thuật lại, vô cùng đáng ngưỡng mộ. Ông sang Mỹ từ nhỏ. Gia đình nghèo, sau đó ông lập gia đình có đến 7 người con. Thời tuổi trẻ của ông không có cơ hội đến trường. Ông hoàn toàn tự học để lấy bằng THPT. Rồi khi 65 tuổi, khi con cái đã yên bề, công việc ổn định, ông bắt đầu đi học tiếp, và lấy bằng tốt nghiệp ĐH ở tuổi 69. Đối với ông, phương châm sống là “Never too late” (không bao giờ là quá trễ - PV). Vậy nên, sau khi tốt nghiệp, năm 2000 ông đi đi lại lại giữa Mỹ và Việt Nam. Đến năm 2013, ông quyết định ổn định cuộc sống ở Việt Nam và bắt đầu tìm trường để tiếp tục học cao học. Sau đó, ông đã chọn nộp hồ sơ dự tuyển vào ĐH Duy Tân, ngành quản trị kinh doanh. Sau đó, ngưỡng mộ tinh thần học tập của ông, ĐH Duy Tân đã làm tờ trình xin với Bộ GD-ĐT được đặc cách cho ông trúng tuyển vào khóa cao học của trường.

Thấy ông đã cao tuổi, nhưng vẫn ngày ngày cắp cặp đi học, nhiều người quen thấy cũng kỳ kỳ. Nhưng với ông, không có gì lạ lùng khi đi học ở cái tuổi gần đất xa trời này. Thậm chí, ông còn động viên những người cháu đã về hưu cùng đi học với ông.

Ông Nguyễn Đình Ba, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ (Đại Lộc, Quảng Nam), người cháu đưa đón ông đến Trường ĐH Duy Tân Đà Nẵng mỗi khi có tiết học, chia sẻ: “Tôi rất ngưỡng mộ sự học của cậu mình. Cậu giúp chúng tôi nhận ra mình còn rất nhiều tuổi để tiếp tục cống hiến cho xã hội, cho cuộc sống... ”.

Trong suốt 1 năm học đầu tiên của khóa cao học, cụ Lê Phước Thiệt luôn là một học viên gương mẫu. Có những hôm trở trời đau ốm, không thể đến lớp, cụ vẫn trực tiếp liên hệ với giảng viên để hỏi những điều chưa hiểu. Có tháng cụ bị mắc bệnh phổi mạn tính, điều trị tại bệnh viện huyện Đại Lộc, Quảng Nam nhưng cụ vẫn tối đến vượt mấy chục cây số từ Quảng Nam ra Đà Nẵng đi học, rồi về lại bệnh viện.

Ông Nguyễn Đình Ba cho hay, không chỉ học tập để làm gương, ở quê nhà, cụ Thiệt cũng lập ra nhiều hội khuyến học. Gần đây nhất, sau khi nhận quyết định trúng tuyển cao học và được miễn học phí toàn bộ, cụ Thiệt đã tổ chức trao học bổng cho 100 học sinh nghèo, hiếu học của huyện Đại Lộc để động viên các em tiếp tục theo đuổi việc học, vì tương lai mai sau...

“Học là để con cháu noi gương. Kiến thức là một biển trời rộng lớn, luôn có những điều cần hiểu biết, cần tiếp thu thêm! Chỉ có học hành mới giúp cho con người trở thành hữu ích và tiến bộ. Mình ở tuổi này mà vẫn còn đi học, nhất định cháu chắt sẽ không thể lơ là việc học hành”, cụ ông Lê Phước Thiệt chia sẻ.

Tác giả bài viết: Diệu Hiền

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP