Thể thao

Fair play bằng cách ‘chém’ đội bóng nhà

Hình ảnh sân Thống Nhất chiều 19-2 xét cho cùng cũng giống hình ảnh đội Quân khu Thủ đô ngày nào tự đá bóng vào lưới nhà để loại Cảng Sài Gòn.

Thời bóng đá bao cấp, năm 1985 bóng đá Việt Nam từng chứng kiến một nghịch cảnh oái oăm: Đó là cầu thủ ba lần sút thủng lưới nhà.

Toan tính đá bẩn từ điều lệ không cho đá hòa

Trận Cảng Sài Gòn - Quân khu Thủ đô năm đấy diễn ra trên sân Gò Đậu (nay là sân Bình Dương) với tình thế Cảng Sài Gòn nếu thắng Quân khu Thủ đô với cách biệt từ hai bàn trở lên sẽ ra Hà Nội đá chung kết với Công an Hà Nội. Ngược lại, nếu Quân khu Thủ đô thắng hoặc thua Cảng Sài Gòn với cách biệt một bàn thì CLB Quân đội sẽ đá chung kết với Công an Hà Nội.

Điều lệ và thể thức thi đấu hồi đấy rất lạ đời, đó là quy định không có trận hòa và nếu sau 90 phút bất phân thắng bại thì sẽ phải đá thêm hai hiệp phụ và nếu tiếp tục hòa sẽ đá luân lưu.

Sân Gò Đậu năm đấy chỉ có một khán đài A bằng gỗ, còn lại quanh sân là dây thừng căng ngang. Người hâm mộ Cảng Sài Gòn lũ lượt từ TP.HCM xuống Sông Bé (khi đấy chưa tách tỉnh) ủng hộ đội nhà.

Suốt 89 phút của trận đấu các cầu thủ Quân khu Thủ đô tử thủ, không cho Cảng Sài Gòn ghi bàn. Thời gian cạn dần nhưng nếu vẫn là 0-0 thì hai đội sẽ phải thi đấu thêm 30 phút của hai hiệp phụ. Lúc bấy giờ chính các cầu thủ Quân khu Thủ đô đã bàn nhau sút thủng lưới nhà để trận đấu kết thúc với tỉ số 1-0 và như thế thì Cảng Sài Gòn bị loại và hai đội dự chung kết tại Hà Nội sẽ là Công an Hà Nội và CLB Quân đội.

Trong tình huống phá bóng lên, thủ môn Bùi Hữu Nam chuyền bóng cho đội trưởng Đào Hòa Bình và Hòa Bình đã quay lại sút vào lưới nhà. Trọng tài chính khi đấy là Nguyễn Văn Mùi (nay là trưởng Ban Trọng tài Việt Nam) không công nhận bàn thắng vì bóng chưa ra hết vạch 16,5 m.

Pha bóng trên được thực hiện lại và lần này lưới lại rung lên nhưng cũng giống như trước, trung vệ của Quân khu Thủ đô vì quá hấp tấp kết liễu đội nhà nên pha đốt lưới nhà đấy không hợp lệ. Trọng tài Mùi lại bắt đá lại trước sự ngạc nhiên của các cầu thủ Cảng Sài Gòn lúc đó vẫn “chậm tiêu”, không hiểu đối thủ làm thế để làm gì.

Đến lần thứ ba đốt lưới nhà thì pha bóng mới hợp lệ và trọng tài Mùi công nhận bàn thắng. Và lúc này thì các cầu thủ Cảng Sài Gòn hiểu ra rằng nếu tỉ số này giữ nguyên thì mình sẽ mất quyền ra Hà Nội đá chung kết.

Đội Cảng Sài Gòn những năm 1980.
Một trận đấu bóng đá thời bao cấp luôn đông nghịt khán giả. Ảnh: TƯ LIỆU

Đơn vị chủ quản xin kéo hai đội bóng về xử lý nặng

Điều bi hài khi đấy là các cầu thủ Quân khu Thủ đô khi giao bóng thì lập tức chia ra làm hai nhóm: Một nhóm không cho cầu thủ Cảng Sài Gòn đá vào lưới nhà (hòa 1-1 thì sẽ đá thêm hai hiệp phụ và lúc đấy chắc chắn sẽ thua đậm do các cầu thủ Quân khu Thủ đô đã cạn kiệt sức); một nhóm bảo vệ cầu môn nhà để không bị thua 0-2.

Kết thúc trận đấu, Cảng Sài Gòn chỉ thắng 1-0 cũng đồng nghĩa với việc mất cơ hội ra Hà Nội đá chung kết. Toàn bộ khán giả bất bình tràn vào sân đòi xử các cầu thủ Quân khu Thủ đô thi đấu phản thể thao để loại Cảng Sài Gòn cho CLB Quân đội vào đá chung kết nhưng lực lượng bảo vệ đông nghịt đã can thiệp kịp.

Sau trận đấu trên, Cục Quân huấn quản lý hai đội bóng Quân khu Thủ đô và CLB Quân đội đã xin Tổng cục TDTT cho rút hai đội bóng trực thuộc mình quản lý, không cho tiếp tục tham dự giải và cũng không cho CLB Quân đội tham dự trận chung kết để về xử lý nội bộ.

Kết quả là Cục Quân huấn đã ra quyết định kỷ luật nặng toàn bộ hai đội bóng dưới quyền mình vì không chấp nhận thi đấu thể thao mà xem thường khán giả và phản tinh thần thể thao.

Đến nay thì hành động của Cục Quân huấn trong thời điểm đó được xem là fair play khi xử lý ngay đội bóng dưới quyền mình với một hình thức kỷ luật mà nếu ban tổ chức có ra quyết định thì cũng không thể nặng hơn được.

Đấy cũng là hành động kịp thời gỡ rối cho những nhà tổ chức và cho bóng đá Việt Nam, góp phần chấn chỉnh cầu thủ nhà phải thi đấu trung thực, tôn trọng khán giả với tinh thần fair play.

Tác giả bài viết: Nguyễn Huy

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP