Số hóa

Facebook cố ý thiết kế mạng xã hội gây nghiện người dùng

Các mạng xã hội như Facebook, Snapchat, Twitter luôn tìm kiếm những công thức, thủ thuật để người dùng không dứt ra được khỏi màn hình.

Những người trong cuộc tại thung lũng Silicon (Mỹ) đã tiết lộ trên chương trình Panorama của BBC.

"Như thể họ tạo ra một chất cocaine và rải nó khắp giao diện, khiến bạn cứ phải mở đi mở lại", Aza Raskin, cựu nhân viên của Mozilla và Jawbone, chia sẻ. "Phía sau màn hình điện thoại của bạn là hàng nghìn kỹ sư đang nỗ lực thiết kế mạng xã hội có thể gây nghiện tối đa".

Năm 2006, Raskin tạo tính năng cuộn bất tận và được rất nhiều ứng dụng triển khai như một cách tuyệt vời để hình thành thói quen của người dùng. Với việc cuộn xuống kéo dài vô tận để xem nội dung, người dùng không còn có nhu cầu kết thúc một phiên duyệt web để bấm vào một trang mới. Sáng kiến này giữ người dùng nhìn vào điện thoại của họ lâu hơn rất nhiều.

Raskin cho hay, ông không hề có ý định viết ra tính năng này để gây nghiện cho người duyệt web và giờ cảm thấy có lỗi. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia thiết kế khác đang được khuyến khích tạo những tính năng gây nghiện bởi các công ty thuê họ.

"Để có thể thu hút vốn đầu tư, để tăng giá cổ phiếu, thời gian người dùng dành cho ứng dụng của bạn buộc phải tăng lên. Vì thế, bạn sẽ cố tìm những cách mới để giữ chân người dùng", Raskin giải thích.

Những nội dung vô tận trên Facebook khiến nhiều người không thể rời khỏi màn hình. Ảnh: WeForum

"Mạng xã hội hoạt động tương tự máy điện tử xèng", Sandy Parakilas, cựu nhân viên Facebook cho hay. Nó cuốn mọi người vào những nội dung đa dạng, không có hồi kết khiến họ không thể dứt ra được. Parakilas đã cố ngừng sử dụng dịch vụ sau khi ông rời Facebook vào năm 2012 và mô tả "cảm giác giống như là cai thuốc lá vậy".

Theo Parakilas, Facebook được thiết kế để níu chân và khiến các thành viên tiêu tốn càng nhiều thời gian trên đó, từ đó bán thông tin về hành vi, thói quen và các mối quan tâm của thành viên cho nhà quảng cáo.

Một trong những yếu tố lôi kéo người dùng chính là các nút tương tác, như nút Like, thả tim... Leah Pearlman, đồng phát minh ra nút Facebook Like, thừa nhận bà bị cuốn vào Facebook sau khi bắt đầu tự cảm nhận giá trị của mình bằng số lượng "like" mà bà nhận được.

"Khi thấy cô đơn, tôi mở điện thoại. Khi thấy bất an, tôi mở điện thoại. Tôi bỗng nhận ra rằng tôi nghiện theo dõi những phản hồi", Pearlman cho hay đã cố dừng sử dụng Facebook sau khi rời công ty.

Năm ngoái, đồng sáng lập Facebook Sean Parker từng tiết lộ một trong những mục tiêu của Facebook là ngốn càng nhiều thời gian của người dùng càng tốt.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng có mối liên kết giữa việc sử dụng mạng xã hội quá đà với những cảm xúc tiêu cực như trầm cảm, cô đơn... Tại Anh, thanh thiếu niên sử dụng trung bình 18 giờ mỗi tuần trên điện thoại, chủ yếu là để vào mạng xã hội.

Trong khi đó, phát ngôn viên của Facebook trả lời Business Insider: "Thông tin trong chương trình Panorama của BBC không chính xác. Facebook và Instagram được thiết kế để đưa mọi người tới gần hơn với bạn bè, gia đình và những thứ mà họ quan tâm, để kết nối với những người mà bạn yêu quý nhưng đang ở xa, hay tham gia một cộng đồng có cùng mối quan tâm. Điều này đóng vai trò trung tâm trong mọi quyết định mà chúng tôi đưa ra và không hề muốn bất cứ yếu tố gây nghiện nào xuất hiện trong quá trình đó".

Tác giả: Minh Minh

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP