Số hóa

Đừng để sập bẫy 5 mánh lừa đảo trong ngày Black Friday

Black Friday được biết tới như ngày hội mua sắm đồ công nghệ nhộn nhịp nhất thế giới, nhưng đừng vì thế mà sập bẫy 5 mánh lừa đảo này.

Đừng để sập bẫy 5 mánh lừa đảo ngày Black Friday. Ảnh: AFP

Thu thập thông tin cá nhân

Bên cạnh hình thức giảm giá trực tiếp lên một mặt hàng công nghệ nhất định, nhiều cửa hàng còn tung chiêu “đăng nhập Facebook”, “điền số tài khoản cá nhân”, hoặc “hoàn thành survey này để được nhận giảm giá tới 90%”, nhằm thu hút người tiêu dùng.

Về cơ bản, hình thức giảm giá này không mới. Thực tế cũng chứng minh, các cửa hàng cũng thu lợi rất nhiều từ việc giảm giá cho người dùng cung cấp thông tin như: sở thích, độ tuổi, nơi cư trú… Bởi đây là con đường ngắn nhất giúp họ tiếp cận với khách hàng.

Sau này, hình thức giảm giá trên lại bị nhiều người lợi dụng, giả mạo các nhãn hàng lớn, từ đó chuộc lợi cho bản thân. Do đó, để tránh sập bẫy lừa đảo, người tiêu dùng chỉ nên truy cập vào các trang bán lẻ chính thức, tuyệt đối không cung cấp thông tin cho các trang trung gian, các trang rao vặt trên mạng.

Câu like, câu share trên mạng xã hội

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng nên cảnh giá với hình thức câu like, câu share trên mạng xã hội để nhận giảm giá. Bẫy lừa đảo ở đây là kẻ gian sẽ lập ra một trang/fanpage Facebook gần giống với trang thật, sau đó yêu cầu người dùng like, chia sẻ và bình luận để nhận được sản phẩm may mắn.

Hình thức lừa đảo này tuy không mới, nhưng nó lại vô tình khiến thông tin trên Facebook trở nên thiếu minh bạch. Người dùng tuy chẳng mất gì, nhưng kẻ lừa đảo lại chuộc lợi vô số từ việc thành lập các trang/fanpage ảo, làm giàu dựa trên sự cả tin của người khác.

Email, quảng cáo là những bẫy thông dụng ngày Black Friday. Ảnh: AFP

Lợi dụng tình trạng quá tải

Dịp mua sắm Black Friday thường đón lượng giao dịch, truy cập online cực lớn. Điều này vô tình khiến các đơn hàng gặp phải tình trạng chuyển phát trậm trễ. Lợi dụng tâm lý muốn mua nhanh, hàng tới ngay, hacker có thể giả mạo đơn hàng, yêu cầu người dùng click vào link này để nhận hàng sớm hơn.

Nhưng ngờ đâu, đường link đó đã bị gắn mã độc, virus có thể ăn cắp thông tin, và thậm chí là chiếm quyền điều khiển máy tính từ xa. Do đó, hãy thận trọng với những email dạng này, tránh trường hợp tiền mất, tật mang.

Quảng cáo sốc qua email

Hình thức lừa đảo này vốn rất phổ biến, nhưng không phải ai cũng tỉnh táo tránh được. Chiêu trò của kẻ lừa đảo là gửi email tới hàng loạt khách hàng của mình dịch vụ nào đó, đưa ra chương trình khuyến mãi sốc, yêu cầu họ click vào file đính kèm, hoặc quảng cáo có sẵn.

Mã độc, virus chính là thứ “vũ khí” ẩn chứa bên trong những quảng cáo sốc như vậy. Kinh nghiệm khi gặp quảng cáo hấp dẫn trên email chính là tự mình truy cập vào trang chủ/fanpage chính thức của nhãn hàng. Tuyệt đối không nên bấm vào hay tải về các tập tin trong email quảng cáo.

Nâng rồi lại hạ giá

Tình trạng này xuất hiện ở nhiều thị trường, bao gồm cả Việt Nam. Ví dụ, với một chiếc iPhone vốn chỉ có giá 18 triệu đồng – là hàng chính hãng, sẽ bị hô giá lên tới 30 triệu đồng, sau đó cửa hàng sẽ giảm giá tới 50%. Nghĩa là chỉ còn 15 triệu đồng.

Về cơ bản, mức giá này rẻ hơn rất nhiều so với sản phẩm chính hãng. Nhưng tới khi nhận máy về, người dùng mới ngã ngửa. Bởi đây thực chất là hàng xách tay, không phải iPhone chính hãng. Do đó, mức giá đã mua là hoàn không rẻ, đi ngược lại với chính sách giảm giá ban đầu.

Tác giả bài viết: Tuấn Hưng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP