Giới trẻ

Đừng dại dột mong chị Thảo Bún Chửi thay đổi!

Hãy chấp nhận chị Thảo như một màu khác của cuộc sống, dù hơi dị biệt, nhưng nói thật là vui. Chứ chị ấy mà thay đổi, mệt đấy!

Bạn muốn làm "Thượng đế"? Tôi bênh chị Thảo "Bún chửi"
Bún chửi” phố cổ xuất hiện trên truyền hình Mỹ: "Tôi chỉ thấy xấu hổ"
Nhà báo Trương Anh Ngọc: Tự hào gì khi bún chửi Hà Nội lên CNN?

Chị Thảo ngoan hiền, bạn còn vui không?

Tôi không nghĩ rằng, những người đến với quán "chị Thảo bún chửi" là những người vô tư đến mức không "nghe danh" bà chủ.

Cách đây mấy năm, tôi dẫn người bạn đến quán "chửi" trứ danh này. Tôi có cảnh báo người bạn là "cẩn thận củi lửa" nếu đưa ra những yêu cầu hơi quá ngay tại quán này.

Quán đông. Nhưng chia ra hai phái rõ rệt: phái thứ nhất là ngồi ăn uống ngoan hiền. Đến và đợi khá văn minh. Ăn trong nhẹ nhàng và trả tiền rồi đi. Chẳng ai chửi họ cả.

Phái thứ hai có vẻ thích khiêu chiến. "Bà chủ ơi, sao "nại" có con "duồi" trong bát bún thế "lày"?. Bà chủ lanh lảnh: "Ruồi chứ có phải bọ hung đâu mà hét lên như cha chết mẹ chết thế".

"Này, trà đá gì mà nhìn như nước đái trâu thế này?", "Thế thì đi uống nước đái trâu đi, uống trà đá làm gì cho khổ"

Đốp đi chát lại, chẳng bên nào vừa bên nào. Nhưng âm mưu thì thấy rõ: Đám kia muốn chọc cho bà chủ chửi và họ có vẻ sung sướng khi nhận được sự chửi bới ấy. Gần như, ngoài việc ăn bún thì nhu cầu được nghe chửi của họ là có thật.

Nhiều ngày nay người ta không ngừng bàn luận về "bún chửi" của bà chủ Thảo. (Ảnh: Thể thao văn hóa)


Tôi không thể bênh vực nổi việc chửi bới trong làm dịch vụ nhưng phải công nhận là, không ít người đến đây chỉ vì muốn được chửi, họ tìm niềm vui trong những lời chửi thô tục một cách…bài bản và cũng không kém phần hồn nhiên của bà chủ.

Thế đấy, bên chửi và bên nghe chửi đều "cho" và "nhận" một cách vô tư, hồn nhiên cười đùa. Đôi khi cơn say chửi của bà chủ vượt quá ngưỡng nên bà "thăng hoa" thực sự, chửi có vần có điệu lắm.

Nên, nếu bạn lấy văn minh, lấy văn hoá áp vào trong trường hợp này e rằng hơi lệch pha. Người chửi cũng không có khái niệm rằng mình đang "ngồi xổm" lên văn hoá và kẻ bị chửi cũng chẳng thấy tổn thương gì đâu.

Họ cùng cộng sinh với nhau và tìm khoái lạc trong những điều dị biệt và họ thấy điều đó quá đỗi bình thường. Chỉ có một số bạn không cùng gu, hoặc sống trong một văn hoá dịch vụ khác thì sẽ thấy ngạc nhiên.

Tác giả Hoàng Nguyên Vũ


Họ muốn nghe chửi, thì bạn than khóc nỗi gì?

Bạn đừng ngạc nhiên hay tỏ thái độ với chuyện này và bạn cũng đừng mong rằng chị Thảo đó nhờ thái độ của bạn mà trở nên nhu mì.

Không có đâu. Chị Thảo sinh ra là để…chửi, là để trở thành thứ "lệch lệch" giữa Hà Nội mà người ta thường tự vỗ ngực cho rằng mình thẳng thớm.

(Trong khi họ, có những người ăn học đàng hoàng, vẫn chửi thề văng tục như một thói quen, thậm chí mỗi câu có đến vài từ chửi thề văng tục)

Cũng đừng mong ước dại dột thế, vì nếu một ngày chị Thảo trở nên nhu mì thì khối kẻ đến đây chẳng biết lấy gì làm vui.
Và khuôn mặt ấy, ánh mắt ấy, cái miệng ấy của chị Thảo, một ngày nào đó mà ngoan hiền, thì bạn sẽ nổi da gà đấy!
Miền nào chả có gam màu này!

Vào Sài Gòn định cư, đôi lúc tôi gặp lại hình ảnh "lệch lệch" ấy ở một số quầy bán đồ Bắc. Nhưng chẳng sao cả, tôi chẳng chọc họ và họ cũng chẳng có lý gì chửi tôi.

Mà đôi khi tung hứng, thấy tôi mua chả Ước Lễ nhiều thì bà chủ hàng bớt cho tôi vài chục nghìn. Tôi lên xe đi, thấy vui vui. Bản thân cuộc sống đã quá thừa những đề phòng, những ngọt nhạt giả dối, nên cứ vui được với những thứ hồn nhiên, cứ vui đi đã!

Biết rằng xứ Bắc bán hàng khó hơn những nơi khác, dữ hơn những nơi khác; nhất là những khu tiểu thương, nói thách cũng trên trời, không mua thì cũng dễ bị ăn chửi, nhẹ hơn thì được hoá vàng mã ngay trước mặt…,

Thế nhưng bạn vẫn gặp lại điều đó ở chợ Bến Thành của Sài Gòn hay chợ Đông Ba của xứ Huế. Bạn vẫn bị nói thách. Bạn vẫn bị chửi như thường. Thậm chí bạn bị đem ra bình phẩm và chế giễu.

Tôi và cô đồng nghiệp đến một quán nước vỉa hè trên đường Tôn Thất Thiệp, quận 1, gọi mãi không thấy ai đưa nước.

Hỏi sao lâu thế, bà chủ người Nam cũng xổ nguyên một tràng rằng muốn uống thì ngồi đó chờ thế này đợi thế kia.
Tôi nói với cô bạn hôm nay chắc không phải ngày đẹp của bà chủ quán, nên cũng chẳng cần tỏ thái độ. Chúng tôi đứng dậy đi và chắc chắn sẽ không bao giờ quay lại...

Vậy đấy, chúng ta không thể lấy đạo đức và văn hoá áp dụng cho một số không gian nó đã thành "hàng độc". Cũng đừng dại dột mong sự thay đổi nào ở đó.

Chúng ta đâu thay đổi được mà cũng chẳng cần thay đổi. Họ chẳng phạm luật và chúng ta cũng chẳng bị tổn hại gì ghê gớm.

Cuộc sống thực tế rất nhiều gam màu, đừng trầm trọng hóa các vấn đề lên như thế. (Ảnh minh họa)


Hãy tập suy nghĩ tích cực, giống như cả hai đều vui khi đến quán chị Thảo, hoặc cho rằng là một ngày không ổn của bà chủ quán nước.

Bạn có thể không ăn quán của chị Thảo bún kia nhưng chắc chắn quán đó vẫn đông vì có nhiều người thích ăn và có nhiều người thích nghe chửi.

Chúng ta chẳng thay đổi được ai cả khi mà chúng ta chưa hiểu vấn đề nằm ở đâu. Nhưng tôi chắc rằng, khi chúng ta hiêủ vấn đề nằm ở đâu, chúng ta lại không mong thay đổi kẻ đó nữa. Cách hay nhất là thay đổi suy nghĩ của mình.

Cuộc sống nó muôn màu. Người này gam màu nóng, người kia gam màu lạnh. Chứ cuộc sống mà một màu, chẳng phải quá chán sao?

Tác giả bài viết: Hoàng Nguyên Vũ

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP