Vietnamnet được các em chọn là nơi trút vơi nỗi lòng.
Các bạn trẻ TP.HCM (Nhân vật trong ảnh không liên quan tới bài viết)
Ảnh Đinh Quang Tuấn
Nỗi niềm ai tỏ?
Hoàng Uyên, học sinh lớp chuyên Sinh tại một trường chuyên ở một tỉnh nhỏ, năm nay là học sinh lớp 11.
“Đầu năm lớp 11 này em vô cùng hoang mang vì biết phương án thi sẽ thay đổi. Em nhớ rằng đầu năm lớp 10 khi vào lớp chính thầy cô tụi em cũng đã nói rằng "Các em thi vào lớp chuyên chứng tỏ các em đã định hướng cho mình thi vào ngành nào, khối nào. Các em đã thi vào lớp chuyên Sinh thì các em đã định hướng cho mình vào ngành y hoặc dược tức là khối B. Vậy nên các em hãy chú trọng các môn cần thiết, đừng nên học quá nhiều vào các môn khác để tránh học lệch” – em lo ngại.
“Sức học của mỗi người đều không giống nhau, chúng em không phải sinh ra đã là thần đồng mà có thể tiếp thu hàng loạt kiến thức”.
Bạn gaomung@... năm nay 17 tuổi, là học sinh cuối cấp và sắp phải đối mặt với cuộc thi THPT quốc gia 2017 sắp tới.
“Bọn em học từ sáng sớm đến chiều tà, tối thì về nhà ôm đống bài tập, bài viết, bài tự luyện, bài học ngày mai…Tất cả đều ôm trọn trong khoảng thời gian từ 19h đến sáng ngày mai.
Các bạn thông minh thì làm xong sớm sẽ được ngủ sớm, còn những đứa học trò khá như em thì có đêm nào ngủ trước 12h đâu.
Sáng ra thức dậy, mắt lờ đờ, mặt thì bơ phờ, gà gật. Mỗi ngày em đều vác bộ mặt đó đến trường đấy ạ”.
Bạn trẻ này cho biết “Ban đầu em chỉ nghĩ là chắc tại do mình thôi, nhưng dần dần sau này, các bạn xung quanh em, không khác gì em, phiên bản nhân đôi ngày càng nhiều. Em hỏi các bạn sao lại bị như vậy? Thì chẳng đứa nào khác hoàn cảnh của em".
"Khi đi học em cũng được giải trí cùng bạn bè, nhưng hoạt động của trường ngày càng ít, cho đến bây giờ là hoàn toàn không có luôn.
Khai giảng năm nay của em không khác gì tiết chào cờ mỗi tuần, lễ trung thu năm nay nộp lồng đèn rồi phát thưởng cho lớp đạt giải. Thử hỏi xem, sau này em 30, 40 tuổi, có con có cháu như các cô chú hiện giờ, có gì để kể lại cho tụi nhỏ nó nghe? Hay là lại nói "Con lo mà học đi, học hành mới là quan trọng", như câu nói ba mẹ em hay nói với em hằng ngày?”.
Với một học sinh khác có địa chỉ email purplestar6996@... thì “Em ghét những buổi sáng chưa kịp nhìn thấy ánh bình minh đã phải tất bật chuẩn bị đi học, thậm chí là chưa kịp ngồi vào bàn để ăn một bữa sáng đàng hoàng.
Mỗi sáng, thứ em quen thuộc nhất chính là những cái bánh khô khốc. Em phải vừa nhai vừa cầm đề cương để ôn lại trước những buổi kiểm tra miệng trên lớp.
Em phải ngồi hàng giờ liền trên ghế, vội vàng chép lại những lời thầy cô đọc, mà còn chưa kịp hiểu. Giờ ra chơi, em cũng không thể làm gì, ngoài việc chăm chú ôn lại bài của môn tiếp theo...
Nhìn sự kì vọng của ba mẹ, nhìn sự trông đợi của thầy cô, em cảm thấy áp lực, rất áp lực. Nhưng em không dám nói ra vì em sợ. Chỉ vì mẹ em và thầy cô nói rằng: "Học mới có tương lai"”.
Ảnh minh họa (Nhân vật trong ảnh không liên quan tới bài viết)
Ảnh Đinh Quang Tuấn
Thương Nguyễn thì tâm sự “Hàng ngày mẹ của mình luôn tự hỏi rằng tại sao con lại luôn hoàn thành bài tập về nhà xong muộn đến thế? Hay là con học chưa đúng khoa học?
Nhưng mẹ có biết rằng trước những giờ con đã mệt mỏi thế nào không? Học thêm học nếm đủ các môn. Nhiều lúc con không hiểu con đã học gì trên lớp mà sao phải đi học thêm?
Bố mẹ đi làm về mà còn phải đi làm thêm bố mẹ có mệt không? Nếu vậy thì vì sao mẹ không nghĩ thế cho con?
Mẹ bảo mẹ không cần con thành siêu sao mà sao bắt con đi học nhiều thế? Nhiều hôm không đi học chiều, về đến nhà mặt con trông phờ phạc sao làm sao ai có biết?
Càng ngày con càng mệt thì con sẽ càng ngày càng khó tính thì mẹ lại bảo con khó tính, khó chiều”...
Em mong chúng em có thể thở
Em Nguyễn Thị Ngọc than thở “Chúng em cũng cố gắng học rồi mà, mọi người cũng phải hiểu chứ. Chúng em đâu phải là một con rô bốt hay là phần mềm google, hỏi bất cứ điều gì cũng trả lời được.
Đôi lúc chúng em thấy đấy như là một gánh nặng trên vai.Và đôi lúc, dù học nhiều nhưng kiến thức cũng không vào đầu được, để rồi chúng em run sợ khi các thầy cô kiểm tra "Nếu như mình bị điểm kém thì sao?"”.
Qua đây, Ngọc muốn nói mọi người làm cha, làm mẹ, làm thầy, làm cô “Hãy quan tâm tới tâm lý và cảm nhận của con cái, của học sinh. Chúng em cần những tình cảm của gia đình và thầy cô chứ không phải là những ngày chiến đấu với việc học.
Hãy để việc học là một thứ gì đó khiến học sinh thích thú, và hãy biến nó thành những giờ học vui vẻ. Chúng em cần thêm những giờ học ngoại khoá, nơi mà nhà trường tổ chức dạy về những gì thiết yếu trong cuộc sống”.
Phạm Quỳnh Anh, 14 tuổi, thật sự thấy mệt mỏi vừa khai giảng xong là lao đầu vào học tập.
Em thực sự thấy sợ khi vào mỗi buổi sáng tỉnh dậy trong tâm trí cứ tự nhủ rằng “Hôm nay cô giáo khảo bài cũ”. Chúng em bị đè nén bởi sách vở tuổi thơ chúng cháu cứ phai nhạt dần. Xung quanh đầu chúng em chỉ có “học”.
“Người lớn làm ơn đừng bắt ép chúng em học qua điểm số nữa. Hãy để chúng em có tuổi thơ” – Quỳnh Anh bày tỏ nguyện vọng.
Bạn Duy Tân thì nhận xét “Chính việc học đã ngăn cách học sinh chúng ta ra với thế giới bên ngoài, với gia đình ta rất nhiều. Hồi nhỏ thì hay nói cho ba mẹ nghe ước mơ của mình nghe và cách để thực hiện hoá nó, còn bây giờ thì sao?”.
“Ước mơ bây giờ chỉ là làm sao để kiếm được một chỗ học thêm tốt và rẻ mà thôi!” – em chua chát.
Purplestar6996@... cho biết em thật sự rất muốn nói: "Em mong mình có thể thoải mái học một cách vui vẻ. Em mong có thể viết những bài văn, làm những bài thơ của riêng mình. Em mong rằng mình có thể tạo ra một sắc màu riêng chứ không phải bị màu xám tẻ nhạt che lấp…".
“Em mong có thể học những bài học một cách thực tế, có thể học một cách sáng tạo, không phải học máy móc. Em thấy cần được trang bị kĩ hơn về môn đạo đức - học bằng cách liên hệ thực tế, và môn giáo dục giới tính - chúng em dù lớn nhưng đối với nó vẫn còn rất mù mờ nên thường mắc những sai lầm, ảnh hưởng không tốt...
Em mong chương trình học sẽ nhẹ hơn, để chúng em có thể thở”.
Tác giả bài viết: Ngân Anh