Kinh tế

Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của Agribank hơn 665.000 tỷ đồng

Trong 30 năm hoạt động và phát triển, Agribank kiên định với chính sách phục vụ nông nghiệp của một ngân hàng "tam nông".

Theo công bố của đại diện Agribank, tính đến thời điểm ngày 30/4/2018, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Agribank là 665.361 tỷ đồng, tăng 19.994 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2017, chiếm 73,8% trên tổng dư nợ cho vay.

Lãnh đạo ngân hàng cho biết, trong mọi giai đoạn phát triển, Agribank luôn dành trên 70% tổng dư nợ đầu tư cho lĩnh vực này. Tại thời điểm 31/7/2017, tỷ trọng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn của Agribank đạt 73,5% trên tổng dư nợ, chiếm 53% thị phần tín dụng của ngành ngân hàng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.

Kết quả này có được cùng thời điểm Agribank vừa kỷ niệm 30 năm thành lập, cho thấy sự nhất quán của ngân hàng tam nông, lấy đầu tư chủ lực vào nông nghiệp, nông thôn làm kim chỉ nam ngay từ những ngày đầu hoạt động.

Việt Nam là đất nước nông nghiệp với 70% lực lượng lao động làm nghề nông, 80% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn. Hoạt động trong lĩnh vực đóng vai trò chủ đạo của nền kinh tế đặt ra thách thức, đồng thời là động lực để Agribank không ngừng đổi mới. Ở những thời điểm lịch sử khi kinh tế, chính trị, xã hội Việt Nam có những bước chuyển mình, Agribank là lá cờ tiên phong trong việc hiện thực hóa, triển khai các chính sách mới của chính phủ, chứng kiến sự đổi mới bộ mặt nông thôn qua từng thời kỳ.

Ngân hàng luôn dành trên 70% tổng dư nợ đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp.

Ra đời năm 1988 - thời điểm chuyển đổi sang cơ chế thị trường, Agribank xác định nông dân là chủ thể quan trọng trong nền kinh tế. Ngân hàng bắt tay vào nhiệm vụ trọng tâm là huy động và cho vay vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, thông qua các chương trình cho vay trực tiếp đến từng hộ nông dân, hộ sản xuất, thành lập các tổ liên danh vay vốn tại thôn, bản.

Từ những ngày hàng vạn cán bộ đến từng hang cùng ngõ hẻm, vùng sâu, vùng xa, miền núi hải đảo…gom từng đồng vốn huy động để cho vay tới từng hộ nông dân, đến nay, Agribank đã phủ sóng khắp cả nước, với 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch, gần 40.000 cán bộ, là ngân hàng thương mại duy nhất đang có mặt tại 9 huyện đảo trên cả nước.

Tuy trọng tâm là lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, nhưng xóa đói giảm nghèo cho nông dân cũng là nhiệm vụ mà Agribank chú trọng. Ngân hàng đã triển khai nhiều gói lãi suất ở mức ưu đãi, thậm chí còn thấp hơn mức phí điều vốn nội bộ, nỗ lực tiết giảm chi phí thông qua đơn giản hóa quy trình cho vay, triển khai mô hình ngân hàng lưu động đưa vốn đến tận tay người nông dân.

Theo nhận xét của nhiều chuyên gia, nếu tín dụng nông thôn là yếu tố góp phần tạo nên thành công của nông nghiệp Việt Nam, thì Agribank được coi là đơn vị đặt nên nền móng ấy.

Trong giai đoạn đổi mới và hội nhập quốc tế, bắt kịp cách mạng công nghiệp 4.0, nông nghiệp Việt Nam đứng trước yêu cầu tất yếu là chuyển dịch sang nền nông nghiệp hữu cơ bền vững và ứng dụng công nghệ thông minh. Hơn hết, Agribank nhận thức rõ rệt về những khó khăn, thách thức của nông nghiệp Việt Nam trong quá trình chuyển dịch mang tính thời đại này. Ngân hàng tiếp tục thực hiện nhất quán chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, hướng tới mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp an toàn, phát triển bền vững.

Năm 2011, Agribank đầu tư cho "Tam nông" đạt mốc 300.000 tỷ đồng, dẫn đầu các tổ chức tín dụng trong việc cho vay thí điểm xây dựng nông thôn mới, qua đó góp phần vào thành công bước đầu của Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 của Chính phủ.

Ngày 1/11/2016, Agribank triển khai chương trình tín dụng ưu đãi quy mô tối thiểu 50.000 tỷ đồng phục vụ sản xuất "Nông nghiệp sạch". Chương trình dành cho đối tượng vay vốn là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại… tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn, với lãi suất cho vay ưu đãi.

Các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch vay vốn từ Agribank tiêu biểu kể đến như cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ); chăn nuôi (Bắc Ninh, Lào Cai, Hà Nam); đầu tư máy móc thiết bị cho nông nghiệp (Tiền Giang, Long An); nuôi tôm giống (Kiên Giang, Ninh Thuận, Bình Thuận); thanh long theo tiêu chuẩn VietGap (Bình Thuận)…

Ngày 17/4/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 57 khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Xác định doanh nghiệp là một trong các chủ thể quan trọng phát triển nông nghiệp Việt Nam, Agribank tiếp tục có thêm nhiều chính sách, chương trình cải tiến mới nhằm xóa bỏ các rào cản vay vốn của đối tượng khách hàng này. Như đơn giản hóa thủ tục vay vốn của khách hàng doanh nghiệp, ưu đãi lãi suất cho vay đối với các dự án phát triển nông nghiệp nông thôn…

Sau 30 năm hoạt động, Agribank hiện có tổng tài sản đạt gần 1 triệu 200 ngàn tỷ đồng; nguồn vốn huy động đạt 1 triệu 100 ngàn tỷ đồng; quy mô tín dụng và đầu tư đạt 1.120.000 tỷ đồng. Ngân hàng tham vọng đến năm 2020 trở thành 150 ngân hàng lớn nhất châu Á về quy mô tài sản.

Tác giả: Phạm Vân

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP