Thế giới

Động thái “xuống thang” bất ngờ của ông Kim Jong-un

Các chuyên gia cho rằng Triều Tiên có thể đang tính toán những động cơ ngầm khi đưa ra đề xuất đối thoại với Hàn Quốc ngay trong ngày đầu tiên của năm mới 2018.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)

Trong bài phát biểu nhân dịp năm mới 2018, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho biết ông sẵn sàng cử một phái đoàn Triều Tiên tới tham dự Thế vận hội mùa đông do Hàn Quốc tổ chức vào tháng tới, đồng thời tuyên bố hai nước cần “gấp rút gặp mặt” để đối thoại. Động thái này đánh dấu phản ứng đầu tiên của Bình Nhưỡng sau lời mời của Seoul về việc cử phái đoàn tham gia sự kiện thể thao tầm cỡ thế giới, đồng thời mở ra hy vọng về khả năng hòa hợp giữa hai quốc gia láng giềng sau thời gian dài căng thẳng.

Tuy nhiên, ông Kim Jong-un không từ bỏ lập trường đối đầu với Mỹ. Nhà lãnh đạo Triều Tiên cảnh báo nút bấm hạt nhân luôn nằm sẵn trên bàn làm việc của ông và tuyên bố toàn bộ lãnh thổ Mỹ nằm trong tầm ngắm của các vũ khí hạt nhân Bình Nhưỡng.

Theo giới phân tích, động thái “xuống thang” bất ngờ của Triều Tiên có thể nhằm mục đích tạo ra sự chia rẽ giữa Hàn Quốc và đồng minh thân cận là Mỹ. Ngoài ra, đây có thể là cách để Bình Nhưỡng “câu giờ” trong khi vẫn tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.

Tiến sĩ Graham Ong-Webb, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, nhận định cách tiếp cận hai mặt của Triều Tiên là một “động thái thông minh” với sự tính toán kỹ lưỡng.

“Ông Kim Jong-un đang tìm cách thể hiện sự thiện chí và lòng tin ngoại giao trong bối cảnh căng thẳng lên cao như hiện tại. Triều Tiên hiểu rằng vị thế chính trị của nước này đang là con số 0, và bất kỳ vụ thử nghiệm nào cũng có thể dẫn đến nguy cơ tấn công quân sự phủ đầu từ Mỹ”, chuyên gia Graham nói với Straitstimes.

“Việc đưa phái đoàn tới dự Thế vận hội và tham gia các cuộc đối thoại với Hàn Quốc sẽ làm gia tăng vị thế chính trị và giảm thiểu căng thẳng, đồng thời cho Bình Nhưỡng thêm không gian để tiến hành thử hạt nhân”, ông Graham nhận định.

Các chuyên gia cho rằng, việc Hàn Quốc chấp thuận đề xuất đối thoại của Triều Tiên quá nhanh chóng có thể đặt nước này vào tình thế “dở khóc dở cười” nếu Mỹ và Nhật Bản kiên quyết không thay đổi lập trường trong việc cô lập Bình Nhưỡng. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc có thể sẵn sàng thúc đẩy mối quan hệ hòa hoãn giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.

Mục đích thực sự của Triều Tiên

2 máy bay ném bom B-1B của Mỹ tập trận cùng 2 máy bay F-15 của Hàn Quốc (Ảnh: Reuters)

Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham kêu gọi Washington tẩy chay Thế vận hội nếu Triều Tiên cử phái đoàn tham gia.

“Việc cho phép Triều Tiên tham gia Thế vận hội mùa đông sẽ trao tính chính đáng cho một chính quyền không chính đáng nhất hành tinh”, ông Lindsey viết trên Twitter.

Theo Tiến sĩ Cheong Seong Chang tại Viện nghiên cứu Sejong, ngay cả khi quan hệ Triều Tiên - Hàn Quốc được cải thiện trong giai đoạn Bình Nhưỡng tham gia Thế vận hội, vẫn còn nhiều khó khăn đang chờ đợi họ ở phía trước, đặc biệt trong bối cảnh Triều Tiên yêu cầu Mỹ và Hàn Quốc dừng các cuộc tập trận quân sự.

“Hàn Quốc sẽ phải cân nhắc rất kỹ về việc làm thế nào để cân bằng giữa việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên với việc cải thiện quan hệ liên Triều”, Tiến sĩ Cheong cho biết.

Theo Rodger Baker, phó giám đốc phụ trách phân tích chiến lược tại hãng tình báo Stratfor, nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể đang “lợi dụng tâm lý bất an của Hàn Quốc” và chia rẽ mối quan hệ giữa hai đồng minh lâu năm.

“Bằng cách đề xuất cử phái đoàn tới dự Thế vận hội, Triều Tiên có thể tiếp thêm động lực cho Hàn Quốc để nước này đề xuất hoãn các cuộc tập trận phòng vệ chung với Mỹ, đồng thời tạo thêm sự mâu thuẫn giữa Mỹ và Hàn Quốc liên quan tới chính sách về Triều Tiên”, ông Baker nói, đề cập tới việc Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in từng đề xuất dừng tập trận quân sự chung với Mỹ trong thời gian tổ chức Thế vận hội.

Theo Tiến sĩ Graham, Triều Tiên có thể sử dụng cách tiếp cận thân thiện với Hàn Quốc để khẳng định rằng cộng đồng quốc tế rốt cuộc cũng phải chấp nhận thực tế Triều Tiên là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Trong trường hợp Mỹ không ủng hộ Hàn - Triều hòa thuận, Bình Nhưỡng càng có cớ để biện minh cho việc nước này bắt buộc phải thử tên lửa nhằm vào Mỹ, do Washington không chịu từ bỏ lập trường đối đầu.

Chuyên gia Tong Zhao tại Trung tâm Carnegie-Tsinghua cho rằng Triều Tiên “không muốn tỏ thái độ đe dọa hay khiêu khích”.

“Ông Kim Jong-un muốn thuyết phục cộng đồng quốc tế rằng chương trình hạt nhân của ông ấy chỉ đơn thuần mang tính phòng vệ, đồng thời mong muốn một giải pháp đàm phán với Mỹ trên cơ sở tiếp tục duy trì năng lực răn đe hạt nhân”, ông Tong nói.

“Sau khi đạt được năng lực răn đe chiến lược bước đầu, Triều Tiên có thể muốn hạ nhiệt căng thẳng và xem Thế vận hội mùa đông là cơ hội vàng để làm điều đó. Thế vận hội có thể là cơ hội để Washington và Seoul đáp ứng yêu cầu từ phía Bình Nhưỡng, rằng hai nước cần kiềm chế (đe dọa Triều Tiên) bằng cách điều chỉnh các cuộc tập trận quân sự, mà không bị mất mặt hay bị xem là yếu đuối trước Bình Nhưỡng”, chuyên gia Tong nhận định.

Tác giả: Thành Đạt

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP