Thế giới

Đội quân hơn nửa triệu lính Hàn Quốc sẵn sàng đối đầu Triều Tiên

Hàn Quốc duy trì lực lượng lục quân đông đảo với nhiều vũ khí trang bị hiện đại để đối phó mối đe dọa từ Triều Tiên.

Lục quân Hàn Quốc tham gia tập trận. Ảnh: Bộ Quốc phòng Hàn Quốc.

Gần 70 năm sau ngày thành lập, lục quân Hàn Quốc đã phát triển từ lực lượng cảnh vệ nhỏ yếu thành một trong những đội quân lớn, mạnh và trang bị hiện đại nhất thế giới. Đội quân này được phát triển nhanh chóng và luôn duy trì cảnh giác cao để đề phòng nguy cơ nổ ra cuộc chiến quy mô lớn với Triều Tiên trong tương lai, theo National Interest.

Lực lượng tiền thân của lục quân Hàn Quốc được thành lập năm 1945, sau khi Mỹ kiểm soát nửa phía nam bán đảo Triều Tiên. Năm 1946, lực lượng này gồm 9 trung đoàn an ninh quốc gia với trang bị hạng nhẹ và tổng quân số 25.000 người. Khi quan hệ Mỹ - Liên Xô trở nên căng thẳng, Hàn Quốc tăng quân số lực lượng an ninh quốc gia lên 50.000 người.

Tuy nhiên, lực lượng này bộc lộ sự yếu kém trong khả năng tác chiến khi quân đội Triều Tiên tràn qua biên giới tháng 6/1950. Không có vũ khí chống tăng để chặn đà tiến quân của đối phương, lực lượng Hàn Quốc nhanh chóng bị Triều Tiên dồn ép đến thành phố cảng Busan, trước khi được Mỹ và liên quân giải cứu.

Sau chiến tranh, Mỹ tiến hành nỗ lực huấn luyện và xây dựng lực lượng lục quân Hàn Quốc đúng nghĩa trong nhiều năm tiếp theo. Đến nay, lục quân Hàn Quốc có khoảng 600.000 binh sĩ, được tổ chức thành 41 sư đoàn và 15 lữ đoàn độc lập thuộc 11 quân đoàn. Họ sở hữu 2.360 xe tăng, 2.400 xe thiết giáp chở quân và xe chiến đấu bộ binh, cùng 5.180 khẩu pháo.

Lục quân Hàn Quốc được tổ chức theo mô hình lục quân Mỹ, với ba sư đoàn và các lữ đoàn pháo binh, công binh và thông tin độc lập phối thuộc cho từng quân đoàn. Các quân đoàn được tổ chức thành ba tập đoàn quân, bên cạnh đó là Bộ tư lệnh Phòng vệ Thủ đô với nhiệm vụ biến Seoul thành một pháo đài.

Lục quân Hàn Quốc sở hữu các vũ khí, trang bị mạnh và hiện đại hơn rất nhiều so với Triều Tiên. Xe tăng K-2 Black Panther, xe chiến đấu bộ binh K-21 và pháo tự hành K-9 Thunder là bộ ba nòng cốt trong đội quân cơ giới hóa ngày càng cao của Hàn Quốc.

K2 Black Panther là một trong những xe tăng mạnh nhất thế giới. Ảnh: Wikipedia.

Tuy nhiên, lục quân Hàn Quốc chỉ được tổ chức tối ưu cho hoạt động phòng thủ, không có các sư đoàn thiết giáp thường trực, chỉ có 4 lữ đoàn thiết giáp biên chế cho các quân đoàn để tổ chức phản công tại chỗ. Nòng cốt của lục quân Hàn Quốc là 6 sư đoàn bộ binh cơ giới và 16 sư đoàn bộ binh thông thường. Hai lữ đoàn cơ giới khác đóng vai trò lực lượng cơ động dự bị phối thuộc cho Sư đoàn bộ binh số 2 của Mỹ đồn trú tại nước này.

Seoul cũng chú trọng đến lực lượng đặc nhiệm. Tiểu đoàn đặc nhiệm số 707 được cho là có nhiệm vụ tương tự như đặc nhiệm Delta Mỹ. Hàn Quốc cũng triển khai 4 lữ đoàn đặc nhiệm và 6 trung đoàn tấn công đặc biệt, có nhiệm vụ yểm trợ cho các đơn vị lớn cấp quân đoàn. Bên cạnh đó là ba lữ đoàn đặc nhiệm chuyên tiến hành chiến tranh đặc biệt nhờ kỹ năng đột kích trên bộ, trên biển và trên không, cùng hai lữ đoàn chống xâm nhập chuyên săn lùng lính Triều Tiên xâm nhập qua biên giới.

Tương quan sức mạnh quân sự Triều Tiên với các cường quốc

Đối mặt với nguy cơ bị tấn công trong hàng chục năm qua, Hàn Quốc duy trì lực lượng dự bị đông đảo với 7 sư đoàn dự bị sẵn sàng chi viện cho các đơn vị thường trực. Seoul còn có 12 sư đoàn dân quân địa phương trên khắp lãnh thổ để bảo đảm an ninh hậu phương, đối phó điệp viên và đặc nhiệm Triều Tiên xâm nhập.

Với lực lượng bộ binh quy mô lớn và mạnh như vậy, Hàn Quốc có thể đủ sức bảo vệ tuyến biên giới trước bất cứ hành động tấn công quy mô lớn nào trong tương lai, chuyên gia Mizokami nhận định.

Tác giả: Duy Sơn

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP