Du lịch

Độc đáo cây cầu hình chữ S ở vùng thác Bản Giốc

Thác Bản Giốc nằm ở xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng). Vẻ đẹp của dòng thác tạo cho khung cảnh nơi đây trở nên hùng vĩ, tựa như một bức tranh sơn thủy hữu tình. Vẻ đẹp thi vị ấy cũng đã đi vào những ý thơ say đắm lòng người: “Đây trời nghiêng sóng trào nước đổ/Đây mưa phun khói tỏa ngày đêm/Đây bảy sắc cầu vồng bay múa/Khi ngày về núi đỡ mặt trời lên”.

Chiếc cầu hình chữ S được ông Lai đắp năm 1995


Mục sở thị thác Bản Giốc

Trong chuyến đi công tác về các huyện vùng biên Cao Bằng và đến thăm thác Bản Giốc, điều mà chúng tôi tự hào chính là những con người nơi đây, ai cũng thể hiện tình yêu quê hương đất nước theo cách của mình.

Địa danh thác Bản Giốc nằm tiếp giáp với đường vành đai biên giới, cảnh sắc nơi đây thể hiện sự hài hòa giữa thiên nhiên và đất trời. Do thác Bản Giốc giáp ranh với nước Trung Quốc nên con người nơi đây cũng đã có sự giao lưu, gắn kết, cùng quảng bá và phát triển ngành du lịch cộng đồng.

Đồng bào nơi đây chủ yếu là người dân tộc Tày, Nùng, họ sống hiền hậu, hài hòa với cảnh sắc thiên nhiên, đất trời. Theo ông Nông Đình Lai (80 tuổi), từ nhỏ ông đã đi chăn trâu, thả vịt, tắm giặt ở dòng sông Quây Sơn này rồi. Cảnh sắc và thiên nhiên nơi đây cũng đã ngấm vào từng nếp nghĩ, gắn liền với bao kỷ niệm.

Ông Lai bảo: “Do là dòng thác nằm ở khu vực biên giới, nên trong làng này ai cũng có ý thức giữ vững an ninh trật tự, ít khi có sự mâu thuẫn với nước Trung Quốc. Chúng tôi quen sống với cảnh sắc thiên nhiên nên không ai muốn gây mâu thuẫn. Dù bất cứ kẻ thù nào nếu xúc phạm đến lòng tự tôn của dân tộc, chúng tôi nhất quyết đổ máu”.

Theo chân ông Lai, chúng tôi được nghe giới thiệu về cảnh quan, sự hùng vĩ của dòng thác. Mặc dù không phải là hướng dẫn viên du lịch, nhưng có lẽ với bản thân mình, ông đã dành trọn niềm tin cho quê hương đất nước. Không riêng gì ông Lai mà tất cả những con người nơi đây họ cũng đều tự hào vì điều đó.

Bất kể du khách quen hay lạ, nếu hỏi về thác Bản Giốc, ông Lai đều chỉ trỏ và giới thiệu rất say sưa, nhất là vẻ đẹp của thác và con người nơi đây. Ông Lai bảo: “Ở bên kia sông Quây Sơn là xóm Đức Thiên, xã Thạch Long Giang, huyện Đại Tân, tỉnh Quảng Tây. Do hai xóm ở gần nhau nên bên nào cũng có ý thức bảo vệ, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ”.

Theo ông Lai, thác Bản Giốc có rất nhiều các dòng chảy, nó tựa như một dải lụa mềm đổ xuống dòng sông Quây Sơn. Nhiều người còn ví rằng, dòng thác này chưa phô trương hết vẻ đẹp, bởi cứ vào mùa nước tháng bảy tháng tám, từng tia nước đổ xuống tạo thành một dải sương mù, không khác gì đang ở chốn bồng lai tiên cảnh. Khi có ánh mặt trời chiếu, vô tình những dải sương này tạo thành bảy sắc cầu vòng. Chính vì sự kỳ vĩ đó khiến cho khách du lịch đổ về thác khá lớn, nhất là mùa hè.

Khách du lịch họ đổ về đây có cả nhà văn, nhà thơ, nhà báo, đông nhất vẫn là các nhà nhiếp ảnh, ai cũng chọn cho mình một lát cắt để cảm nhận. Để ghi lại những khoảnh khắc bảy sắc cầu vòng, cảnh hoàng hôn, bình minh, các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp họ phải đứng đợi cả ngày. Đối với chúng tôi, những người thích phượt và khám phá cảnh sắc thiên nhiên, cho dù đứng ở bất kỳ thời điểm và góc độ nào, chạm được trái tim, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của dòng thác là đã mãn nguyện rồi.

Lão nông kiêu hãnh chụp ảnh bên cột mốc phân định chủ quyền lãnh thổ của đất nước


Cảm động lão nông tự bỏ tiền xây cầu hình chữ S

Dẫn chúng tôi đi tìm hiểu và giới thiệu về dòng thác một hồi, ông Lai cũng bật mí về chiếc cầu hình chữ S của mình. Theo ông Lai, ý tưởng đắp chiếc cầu hình chữ S này là từ năm 1994, nhưng mãi đến năm 1995 chiếc cầu này mới hoàn thành. Ngày trước khi thác Bản Giốc đang còn hoang sơ, nhiều du khách muốn vào để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của dòng thác toàn phải lội nước.

Thấy vậy nên ông Lai đã nảy ra ý định đắp một chiếc cầu hình chữ S, hình bản đồ của nước Việt Nam. Từ đó cho đến nay người dân đi lại thêm phần dễ dàng hơn. Cũng có nhiều du khách hỏi vì sao ông lại có ý tưởng đắp chiếc cầu này, nhưng ông không nói. Còn đối với chúng tôi, chắc chắn chiếc cầu này sẽ là một thông điệp về chủ quyền của quê hương, đất nước.

Bao đời nay cuộc sống của người dân Bản Giốc chỉ dựa vào nương đá để trồng ngô. Trong thời kỳ chiến tranh biên giới tháng 2/1979, dù có đói nghèo nhưng ai cũng sôi sục ý chí bảo vệ lãnh thổ. Thời kỳ đó cả làng đều phải sơ tán vào hang, tuy nhiên với những người khỏe mạnh như ông Lai, họ vẫn kiên cường, bám làng giữ đất, cùng với bộ đội bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Trong thời bình người dân ở Bản Giốc vẫn tiếp bước các lớp ông cha, một lòng bảo vệ vùng biên giới.

Kể từ những năm chiến tranh biên giới, lòng yêu quê hương của người dân trên khắp các vùng biên càng trở nên mãnh liệt, họ đoàn kết một lòng cùng kết hợp với bộ đội biên phòng giữ vững an ninh trật tự nơi biên giới. Và cũng từ những suy nghĩ đó, nhiều đêm ông Lai nằm trăn trở muốn làm một điều gì đó cho quê hương, làng bản.

Một góc của thác Bản Giốc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh


Năm 1995 ông Lai tự mang cuốc, xẻng, một mình kè từng viên đá, biến những gò đất mấp mô thành một chiếc cầu hình chữ S. Từ khi chiếc cầu có hình dáng đất nước, mọi người đến thăm ai cũng trầm trồ khen ngợi. Có nhiều người gặp rồi hỏi ông nhưng ông không nói và chiếc cầu hình chữ S vẫn tồn tại vững bền cho đến ngày nay.

Từ đó cho đến nay, tuổi đời của chiếc cầu đã là hơn 20 năm, và nó sẽ là niềm tự hào cho ông Lai cùng người dân Bản Giốc và du khách thập phương. Dù chiếc cầu chỉ là những viên đá sơ sài được gắn kết, nhưng mỗi khi có các đoàn khách đi qua sẽ giúp họ trở nên vững chân hơn. Vào mùa nước, khung cảnh của thác Bản Giốc tựa như chốn bồng lai tiên cảnh. Đứng trên cầu, du khách có thể chụp ảnh, ngắm thác Bản Giốc từ xa, xuyên qua màn sương mây. Những ai đến đây, họ đều có cảm giác như đang lạc vào cõi thần tiên, mọi lo âu buồn phiền dường như cũng tan theo làn khói sương.

Ông Lai nói: “Qua ngọn núi này là đường cao tốc của Trung Quốc rồi. Đường cao tốc của họ từ 5 đến 6 làn xe. Tôi cũng đã đi đến thành phố Nam Ninh, đến Quảng Đông rồi, mình sang đó nói chuyện bình thường, chỉ sợ vào thành phố của họ thôi”. Do ông Lai là người dân tộc thuộc vùng biên giới nên ngôn ngữ chung cũng trở nên quen thuộc. Hiện nay ngay ở đường vành đai biên giới cũng có một cái chợ nhỏ, sự giao lưu buôn bán hàng hóa giữa hai bản làng và du khách rất náo nhiệt.

Chia tay ông Lai cùng cảnh sắc nơi đây, chúng tôi hẹn sẽ trở lại thác Bản Giốc vào một ngày gần nhất. Bởi cảnh sắc nơi đây luôn là nơi cần được khám phá, và chiếc cầu hình chữ S này cũng chính là thông điệp mang ý nghĩa nhân văn về chủ quyền biên giới. Chúng tôi cũng tin rằng có rất nhiều người như ông Lai sẽ góp phần cùng với chính quyền địa phương trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biên giới.

Tác giả bài viết: Minh Phượng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP