Kinh tế

Doanh nghiệp sốc nặng vì mức phí khủng tại cảng Hải Phòng

Quyết định đột ngột về việc thu phí cửa khẩu cảng biển của Hải Phòng đã khiến nhiều doanh nghiệp bất ngờ sửng sốt vì mức thu phí quá cao.

cang hai phong
Theo số liệu của các doanh nghiệp và hiệp hội cung cấp: Ít nhất có khoảng 18,75% doanh nghiệp làm thủ tục ở Hải Phòng sẽ bị lưu kho bãi qua 1 đêm và doanh nghiệp phải gánh chịu thêm tầm 15,2 triệu USD/năm chi phí lưu kho bãi, lãi suất tiền gửi, chi phí thực hiện thủ tục nộp phí...

Đi từ cao tốc ra cảng: Nộp 500 nghìn đồng phí

Theo quyết định thu phí cửa khẩu cảng biển do UBND TP Hải Phòng ban hành ngày 13/12/2016 thì, từ ngày 1/1/2017, tất cả hàng hóa thông qua các cảng biển tại Hải Phòng phải nộp phí dịch vụ hạ tầng cảng cho thành phố với mức thấp dành cho một container 20 feet là 250.000 đồng, hàng rời là 2.000-50.000 đồng/tấn. Riêng hàng thuộc diện tạm nhập tái xuất đóng container là 2,2-2,3 triệu đồng một container 20 feet.

Chia sẻ tại buổi họp nhóm Công tác về quy định công tác thu phí cảng biển Hải Phòng do Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) tổ chức vào chiều 13/2, nhiều doanh nghiệp bức xúc và cảm thấy bị sốc nặng.

Đại diện của Hiệp hội các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam là bà Đào Thị Thu Huyền đã không nén nổi những bức xúc khi nói về quyết định thu phí cảng biển của Hải Phòng bởi chi phí mà doanh nghiệp phải nộp như vậy là quá cao.

Bà Huyền cho biết: “Tất cả chi phí từ đến kho cảng chất hàng, phí vận chuyển ra tận cảng, chi phí đường bộ cảng biển, doanh nghiệp phải chi hết 4 triệu đồng cho một container 400 feet, nhưng riêng đoạn đường ngắn nối từ cao tốc ra đến cảng Hải Phòng phải nộp 500.000 đồng. Các doanh nghiệp Nhật Bản không hiểu điều gì đang diễn ra ở đây".

Theo thông tin bà Huyền cung cấp thi điều tra của Cục xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) cho thấy, 65% doanh nghiệp Nhật Bản rất lo ngại về khi đưa ra quyết định yêu cầu tất cả các hàng hóa thông qua các cảng biển tại Hải Phòng phải nộp thêm phí dịch vụ hạ tầng cảng biển cho thành phố.

“Các khoản phí của Hải Phòng không được minh bạch rõ ràng. Trong khi Hải Phòng chưa làm xong cơ sở hạ tầng đã “đòi” thu phí. Hơn nữa, các khoản thu phí cũng không kê khai rõ ràng là thu cái gì và mức giá thu bao nhiêu… Điều này khiến doanh nghiệp Nhật Bản thấy khó hiểu”, bà Huyền cho hay.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản cũng cho rằng, nếu thật sự cần thiết thu phí phải làm một cuộc điều tra phân tích rõ ràng về cần bao nhiêu chi phí làm những công việc gì và cần thu trong bao nhiêu để bù đắp chi phí cho Hải Phòng.

Theo số liệu các doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp cung cấp: Ít nhất 18,75% doanh nghiệp làm thủ tục ở Hải Phòng sẽ bị lưu kho bãi qua 1 đêm, số còn lại thì mất độ 2 tiếng đồng hồ cho việc nộp phí (gồm cả khâu chuẩn bị). Các thông số về thời gian, chi phí thuê kho bãi do doanh nghiệp cung cấp, kết hợp với chính số liệu hàng hóa dự kiến đi qua cảng biển năm 2017 do Hải Phòng công bố và các số liệu về xuất nhập khẩu qua cảng Hải Phòng do Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) và Cục Hàng Hải (Bộ GTVT) cung cấp, đã được các chuyên gia tính toán nhanh và dự báo: Ngoài phí nộp cho Hải Phòng, doanh nghiệp phải gánh chịu thêm tầm 15,2 triệu USD/năm chi phí lưu kho bãi, lãi suất tiền gửi, chi phí thực hiện thủ tục nộp phí... chưa kể các chi phí không lượng hóa được do chậm đơn hàng bị phạt hợp đồng, mất uy tín...​

Còn ông Nguyễn Sơn, Phó chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, thẳng thắn cho rằng, mục đích thu phí tại các cảng biển của Hải Phòng rất mập mờ, không rõ ràng. Đường cao tốc đã được đầu tư và thu phí, cảng cũng được đầu tư và thu phí, giờ lại làm đường nối để thu phí. Điều này chẳng khác nào phí chồng phí.

Và đánh giá về góc độ tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Tương, Phó chủ tịch Hiệp hội Logistic Việt Nam cho biết: “Hầu hết các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đều ký hợp đồng thuê các công ty Logisstic làm dịch vụ trong đó có dịch vụ thông quan.

Trong khi ngành Hải quan đang hướng đến việc tập trung hiện đại hóa khâu thông qua nhằm rút ngắn thời gian làm thủ tục cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, khâu thông quan vẫn làm thủ công, kéo hết cả nỗ lực của ngành hải quan về hiện đại hoá.

Điều này khiến doanh nghiệp chỉ tập trung làm thủ tục cả ngày vẫn chưa xong. Mà theo quy định, nếu hết ngày làm thủ tục chưa xong thì hàng hóa buộc phải chuyển vào kho để lưu kho để ngày hôm sau đến làm tiếp cho xong để thông quan hàng hóa.

“Thủ tục kéo dài, chi phí tăng kéo theo các loại phí, dịch vụ đều tăng theo. Làm như thế này chẳng khác nào đang gây khó khăn cho doanh nghiệp, mất thời gian của doanh nghiệp. Làm như thế này hỏi tại sao doanh nghiệp lại phản ứng mạnh mẽ bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.”, ông Tương bức xúc nói.

cang hai phong 1
Bảng thống kế so sánh mức phí đối với hàng hóa cập cảng biển Hải Phòng từ năm 2013-2016​ (Nguồn: VPSF)​

Hải Phòng quyết định theo kiểu… tùy hứng?

Sau những lo lắng, bức xúc của đại diện các doanh nghiệp và hiệp hội, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó tổng Thư ký VPSF cho rằng, “mặc dù chưa có đánh giá tác động, chưa lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp nhưng Hải Phòng đã đưa một quyết định hoàn toàn áp đặt khiến doanh nghiệp ở vào thuế hoàn toàn bị động và bất ngờ. Các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam cảm thấy “sợ hãi" trước sự thay đổi thường xuyên, bất ngờ và họ không biết cách nào để thích ứng”.

“Các khoản phí tăng bất ngờ đã khiến doanh nghiệp không thể đàm phán lại giá cả vì hợp đồng đều đã ký kết, ít nhất trong vòng một năm, thậm chí có những hợp đồng có thời hạn từ 3-5 năm. Như vậy, dù chưa tính toán nhưng doanh nghiệp cũng thấy rõ tiến trình lỗ trong năm 2017”. bà Thủy nói.

Không chỉ vậy, bà Thủy còn cho hay, nhiều doanh nghiệp phản ánh rằng, thời gian để các doanh nghiệp nộp các khoản thuế, phí hiện rất thủ công, từ khâu chuẩn bị đến nộp phí xong cũng mất từ 2 - 3 giờ đồng hồ. Thậm chí, có khoảng 20% các doanh nghiệp sau khi thực hiện xong thủ tục đã hết ngày buộc phải thuê thêm kho bãi để chờ sang ngày hôm sau tiếp tục làm thủ tục cho xong. Và doanh nghiệp lại phải thêm chi phí.

“Trong toàn bộ khoảng thời gian hàng lưu kho này, các doanh nghiệp phải chịu lãi suất ngân hàng đối với lô hàng gửi. Theo tính toán của các chuyên gia, ngoài phí nộp cho Hải Phòng, các doanh nghiệp sẽ phải gánh chịu thêm tầm 15,2 triệu USD/năm chi phí lưu kho bãi, lãi suất tiền gửi, chi phí thực hiện thủ tục nộp phí. Chưa kể các chi phí không lượng hóa được do chậm đơn hàng bị phạt họp đồng, mất uy tín... Quyết định này của Hải Phòng đã làm đổ xuống sông xuống biển nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ suốt thời gian qua", bà Phạm Thị Ngọc Thủy nói.

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính-Ngân sách nhà nước năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 do Bộ Tài chính tổ chức ngày 6/1, ông Lê Thanh Sơn, Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng phát biểu: “Từ ngày 1/1/2017, thành phố Hải Phòng triển khai thu phí thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng. Phần thu này nhằm mục tiêu bù đắp chi phí duy tu bảo dưỡng duy trì, phục vụ tái tạo công trình hạ tầng kĩ thuật ở khu vực cửa khẩu. Việc triển khai thu thực hiện khá tốt dù trong những ngày đầu có một số việc cần phải tiếp tục biểu quyết, chúng tôi đề nghị Bộ Tài chính ủng hộ việc thu của TP. Hải Phòng và nhắc các địa phương khác cũng triển khai nhanh việc này để đảm bảo tính đồng bộ, xuyên suốt”.

Tác giả bài viết: Hải Yến/Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP