Xe

Doanh nghiệp nhập ôtô căng biểu ngữ trước cổng Bộ xin bỏ Thông tư 20

Nhóm các doanh nghiệp nhập khẩu xe ôtô bị tác động xấu bởi Thông tư 20 cũng cho biết đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng với mong muốn xoá bỏ quy định này.

Trao đổi với VnExpress, lãnh đạo một số doanh nghiệp nhập khẩu ôtô cho biết sau cuộc họp ngày 21/7 của Bộ Công Thương bàn về các quy định đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc sau khi Thông tư 20/2011 hết hiều lực, các đơn vị này đã treo biểu ngữ trước trụ sở Bộ trên phố Hai Bà Trưng (Hà Nội) với nội dung ủng hộ bãi bỏ các quy định trong văn bản nêu trên. Theo các doanh nghiệp, đây là việc làm cần thiết để đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
o to 1450 1469251862
Doanh nghiệp treo biểu ngữ kiến nghị bỏ Thông tư 20.

"Rất đông các nhà nhập khẩu xe bị ảnh hưởng bởi Thông tư 20 đã đến tham dự cuộc họp nhưng Bộ Công Thương từ chối cho vào. Chúng tôi không được lên tiếng nên đã dùng cách căng biểu ngữ yêu cầu bãi bỏ Thông tư 20 ngay tại cổng Bộ", Giám đốc một doanh nghiệp cho biết và khẳng định các đơn vị này sẽ tiếp tục dùng nhiều biện pháp để đấu tranh.

Theo con đường chính thức, đại diện các doanh nghiệp cũng cho biết đã gửi văn bản lên Bộ Công Thương, cũng như tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với kiến nghị bãi bỏ Thông tư 20.

"Cuộc vận động chính sách này là cuộc chơi không hề cân sức giữa một nhóm các nhà sản xuất, nhập khẩu ôtô nước ngoài chuyên nghiệp, bài bản, tổ chức tốt và một nhóm nhỏ các nhà nhập khẩu xe ôtô tư nhân trong nước, thậm chí chưa hề có hiệp hội. Không cân sức ngay cả trong các cuộc họp ngày 21/7 khi các doanh nghiệp đang được hưởng lợi từ Thông tư 20 có hàng chục đại diện, trong khi phía nhập khẩu ôtô không chính ngạch chỉ 3 người. Những doanh nghiệp khác xin vào dự đều bị ban tổ chức từ chối", một nguồn tin tham dự cuộc họp cho biết.

Với số đông đại diện, Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội Các nhà nhập khẩu ôtô (VIVA) có sự thống nhất cao về việc giữ các quy định của Thông tư 20. Các doanh nghiệp này cho rằng kiểm soát chặt sẽ giúp chống thất thu thuế, ổn định thị trường ôtô trong nước, chất lượng xe phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam… Trong khi đó, người tiêu dùng cũng được hưởng lợi ở chế độ bảo dưỡng, bảo hành chính hãng.

VAMA phân tích rằng ôtô là một sản phẩm phức tạp, tích hợp nhiều công nghệ cao, có ảnh hướng đến tính mạng nhiều người tham gia giao thông. Vì vậy, kinh doanh ôtô yêu cầu phải có dịch vụ chuyên nghiệp, phải có uỷ quyền từ nhà sản xuất để có hỗ trợ cần thiết về kỹ thuật, bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi xe.

"Chúng tôi lo ngại chất lượng xe, dịch vụ cho khách hàng sẽ không được đảm bảo, xuất hiện nhiều nhà nhập khẩu trốn thuế bằng việc mua bán xe với giá thấp hơn thực tế và thanh toán bất hợp pháp ra nước ngoài, ảnh hưởng đến thu ngân sách", VAMA nêu. Trong khi đó, VIVA cũng cho rằng các nhà nhập khẩu xe không chính ngạch luôn khai giá trị xe nhập thấp nhằm phục vụ mục đích trốn thuế.

oto 1 7482 1469251862
Sự tồn tại của Thông tư 20 được nhận định là chỉ có giá trị trong bối cảnh nhất định.

Tham dự các cuộc họp về Thông tư 20, Trưởng ban Pháp chế VCCI – Đậu Anh Tuấn cho rằng quy định trong văn bản nêu trên có tính chất như một điều kiện kinh doanh, vì trao quyền cho một số doanh nghiệp nhất định đủ điều kiện được làm, còn các doanh nghiệp khác thì không.

Bên cạnh đó, vị này chỉ ra rằng điều kiện kinh doanh như vậy cũng không hợp pháp. Cụ thể là thủ tục hành chính về nhập khẩu vốn đã được quy định tại Nghị định 12/2006 và 187/2013 về mua bán hàng hoá quốc tế. Nội dung 2 văn bản này không có điều kiện nào mà Thông tư 20 đề nghị doanh nghiệp phải có. "Giả sử giấy uỷ quyền của nhà sản xuất là một thành phần hồ sơ thì chứng minh cho điều kiện nào? Nghị định187 không hề quy định điều kiện. Do vậy, việc cung cấp hồ sơ hoàn toàn không cần thiết và không hợp pháp", ông Tuấn nói.

Vị này cũng phân tích thêm rằng ngành nghề nhập khẩu ôtô dưới 9 chỗ không phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Phụ lục 4 của Luật Đầu tư. "Do vậy có thể kết luận rằng sự tồn tại của Thông tư 20 chỉ một bối cảnh nhất định và hiện hoàn toàn không phù hợp và hợp pháp", chuyên gia của VCCI nhận định.

Việc VAMA, VIVA cho rằng các doanh nghiệp không chính ngạch đang gian lận thuế cũng được ông Tuấn nhìn nhận là không phù hợp bởi đây là vi phạm pháp luật, cần sử dụng các công cụ pháp luật để xử lý. "Thông tư 20 của Bộ Công Thương không nên gánh thêm sứ mệnh chống trốn thuế này", vị này chia sẻ.

Về vấn đề tiêu chuẩn, chất lượng xe, ông Tuấn nhận định điều này nên để thị trường lựa chọn và quyết định. Nhà nước chỉ nên quan tâm đến tiêu chuẩn tối thiểu, còn tiêu chuẩn cao hơn cần để thị trường tự định đoạt. Thêm vào đó, do ôtô là tài sản lớn nên người tiêu dùng sẽ có động lực và tự lựa chọn sản phẩm kèm theo dịch vụ. Luật không thể buộc người dân phải vào siêu thị mua sắm vì chất lượng thực phẩm trong siêu thị cao hơn. Người tiêu dùng có thể mua ở tạp hoá, cửa hàng tiện lợi gần nhà...

"Thông tư 20 có tác động rất lớn đối với việc phát triển một cộng đồng doanh nghiệp tư nhân trong nước. Nên trao cho họ cơ hội, đừng ngăn cản. Nên để các doanh nghiệp tư nhân trong nước nhỏ, vừa phát triển mạnh mẽ rồi mới tạo thành nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn", ông Tuấn nói và khẳng định từ khi thông tư này ra đời, hàng trăm nhà nhập khẩu xe tư nhân Việt đã bị loại ra khỏi cuộc chơi, một số ít đang sống lay lắt. Thị trường xe Việt Nam hiện chỉ dành cho các doanh nghiệp nước ngoài và một số rất ít ông lớn trong nước.

Tổng cục Hải quan vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương và đề nghị Bộ này sớm trả lời về việc Thông tư 20 hiện còn hiệu lực hay không để có cơ sở hướng dẫn hải quan các địa phương thống nhất thực hiện chính sách hải quan cho các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô từ tháng 7/2016.
Sau hơn 5 năm thực hiện, Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương quy định về việc nhập khẩu ôtô chưa qua sử dụng vào Việt Nam vừa hết hiệu lực từ 1/7 vừa qua. Tuy nhiên, hiện cơ quan quản lý mới đang trình Chính phủ đề xuất các quy định mới thay thế văn bản này. Khoảng trống về pháp lý cũng như thời gian chờ đợi quy định mới đang khiến nhiều doanh nghiệp lúng túng, đồng thời nảy sinh những tranh cãi quyết liệt.

Theo thông tư 20, doanh nghiệp muốn nhập khẩu ôtô dưới 9 chỗ ngồi vào Việt Nam phải có hai chứng từ. Một là giấy chỉ định (giấy uỷ quyền) nhập khẩu, phân phối của chính hãng sản xuất hoặc có hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ôtô đó, đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hoá theo quy định. Hai là giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô do Bộ Giao thông Vận tải cấp.

Tác giả bài viết: Bạch Dương

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP