Giải trí

Điều kỳ diệu khó tin về NSƯT 3 lần suýt mất giọng

Nổi tiếng với cột hơi dài, ít ai biết nghệ sĩ cải lương Phượng Loan đã 3 lần đối diện với nguy cơ mất hoàn toàn giọng hát trời phú của mình.

Sinh ra trong một gia đinh không ai theo nghệ thuật, NSƯT Phượng Loan lớn lên với niềm đam mê cải lương từ nhỏ. Sống trong hoàn cảnh thiếu thốn tình cảm của cha và mẹ, NSƯT Phượng Loan dường như có sự nhạy cảm lớn với những lời ca dạt dào cảm xúc, chân tình của những bài ca cổ.

NSƯT Phượng Loan được biết đến với giọng ca ngọt ngào cùng lối diễn xuất mộc mạc đầy cảm xúc. Với làn hơi rất khỏe, chất giọng truyền cảm, mỗi bài ca chị trình diễn đều có một màu sắc riêng gây ấn tượng nên được khán giả đặc biệt yêu mến. Chị đã đạt được nhiều giải thưởng lớn và 3 năm qua, chị liên tục đạt được Giải cống hiến và giải Nghệ sĩ cải lương được yêu thích nhất của giải thưởng HTV Awards.

Cuộc sống mãn nguyện bên gia đình

Được biết chị đang khá viên mãn bên chồng con, chị có thể chia sẻ thêm về cuộc sống gia đình hiện tại?

- Từ “viên mãn” với tôi nghe nó dữ dằn lắm. Là Phật tử nên khi nói viên mãn với tôi phải là hoàn thiện lắm rồi, đủ đầy lắm rồi. Nhưng cuộc đời biết làm sao là đủ, là thiếu? Nếu mình biết đủ là đã mãn nguyện rồi.

Gia đình nhỏ của tôi có con gái 28 tuổi. Cháu đã có gia đình và cho tôi ẵm cháu ngoại rồi. Kế đến là con trai đang học trung học, bé rất ngoan ngoãn. Còn ông xã trước kia có đi làm nhưng sau này thấy tôi một mình vất vả, anh đã nghỉ làm để làm tài xế đưa đón, cùng tôi chia sẻ công việc. Có một gia đình êm ấm như thế, tôi hoàn toàn mãn nguyện.

NSƯT Phượng Loan.


Anh nghỉ làm để chăm sóc chị, vậy gia đình có gặp khó khăn gì về tài chính không?

- Mọi chuyện rất suôn sẻ, thuận lợi. Có anh luôn bên cạnh chăm chút tôi cũng thấy yên tâm hơn. Về thu nhập, nói thật so với các anh chị em nghệ sĩ khác, tôi không bằng ai đâu. Nhưng Tổ nghiệp cho đến đâu tôi biết ơn đến đấy. Phước đến đâu, hưởng tới đó, đủ hay thiếu là do mình nhìn nhận.

Cuộc sống gia đình không tránh khỏi những cãi vã, mâu thuẫn. Anh chị xử lý vấn đề này như thế nào?

- Ông xã tôi vốn hiền lành, ít nói, hiểu ý vợ. Nói thật chúng tôi chẳng có gì để gây nhau. Ngay cả con cái ổng cũng không la lớn. Đặc biệt, ổng rất tin tưởng, thấu hiểu và cảm thông công việc của vợ. Tôi có đi đêm về hôm ổng cũng không một câu căn vặn.

Ông xã mê cải lương lắm, mà hổng biết ca, nhưng đi nghe tôi ca mãi rồi quen nhau luôn. Có ổng, tôi không phải lo chuyện gì khác cả, chỉ việc tập trung hết mực vào vai diễn.

Có một thời thơ ấu không được may mắn, bù lại hiện giờ chị có một gia đình mãn nguyện. Sự mãn nguyện này đến tự mất mát thuở nhỏ, khiến chị dễ cảm thấy đủ đầy, hay từ những trải nghiệm trong cuộc sống để chị hiểu được đâu là cái “ngưỡng đủ” của mỗi người.

Cũng là câu nói của một Phật tử, tôi nghĩ tôi đang được đền bù. 13 tuổi tôi đã ra đời kiếm sống, một mình cùng đoàn hát ra tới miền Trung. Tôi thấy mình may mắn. Ông trời rất công bằng, lấy của ai cái gì thì trả lại cái đó.

Và cũng chính nhờ những khó khăn, thiếu thốn của tuổi thơ đã giúp tôi rất nhiều trong việc hóa thân vào nhân vật trên sân khấu. Đó chính là những nguyên liệu vô cùng quý giá mà tôi đã bê nguyên xi vào các vở diễn của mình.


Ước ao có con cháu nối nghiệp

Là một trong những gương mặt gạo cội của làng cải lương Việt Nam, sau bao nhiêu năm “chinh chiến” cùng các vai diễn, liệu chị còn giữ lửa nhiệt huyết với nghề cải lương vốn đã trở thành xưa cũ?

- Trời ơi, tôi còn mê cải lương lắm. Giờ tuổi cũng không còn thấp nữa, tôi đang nỗ lực để làm được điều gì đó trong những ngày cuối đời mình. Như giờ tôi vẫn thường xuyên đi chấm thi để truyền lửa cho các em sau này. Tôi chẳng phải là thầy hay gì đâu, tôi chỉ lấy kinh nghiệm đã có để truyền đạt cho các em thật tốt những tinh hoa của cải lương nước nhà.

NSƯT Phượng Loan thể hiện Dòng sông quê ngoại (Phạm Văn Phúc)


Còn đam mê cải lương như vậy, chị có nghĩ đến việc tìm kiếm một hậu duệ của mình?


- Ôi, tôi có mơ ước to lớn là cho con nối nghiệp mình nhưng không được, các cháu rất ngoan ngoãn, chăm chỉ nhưng lại không có năng khiếu ca hát. Tôi hay tưởng tượng ra cảnh khi về già tôi có thể ngồi nghỉ ngơi, xem con mình biểu diễn thì thật tuyệt vời. Vậy mà, thật đáng tiếc.

Tôi đang rất hy vọng vào gen lặn từ cháu ngoại đấy. Còn nhỏ xíu vậy thôi mà bé đã đi múa hát trong trường, còn làm “vedette” nữa cơ.

Việc chị muốn con cháu theo nghề đến từ tâm huyết của chị đối với cải lương hay chị nhìn nhận được giá trị văn hóa, tinh thần mà nghề đem lại? Và theo chị, nếu theo nghề thì liệu thu nhập của con cháu có đảm bảo cuộc sống?

- Tôi rất yêu nghề và luôn nghĩ đây là một nghề cao quý, được vinh danh với thiên hạ. Ai nghĩ đó là “xướng ca vô loài” nhưng tôi lại thấy hãnh diện khi được làm nghề.

Thu nhập thì tất nhiên không bằng với những kĩ sư, bác sĩ, nhưng quả thực, tôi cảm thấy thỏa mãn đam mê của mình. Hơn nữa, người nghệ sĩ thực thụ với tôi đều rất hiền lành, ít đua tranh. Vì vậy, tôi thực sự muốn con cái đi theo nghề này, nối nghiệp cải lương thiêng liêng của mẹ.



Nghệ sĩ trẻ bây giờ đang ngộ nhận

Cải lương có một thời gian bị mai một nhưng gần đây đang được tìm lại, chị nghĩ gì về điều này?

- Cái gì cũng có một thời điểm của nó. Vào thập niên 50, 60 cải lương cũng từng “chết” khi phim Hồng Kong lấn át. Sau giải phóng, những năm 1980 là hoàng kim của cải lương nhưng đến năm 90 kịch lên rồi khoảng năm 2000 kịch lại “chết” và đến hài lên ngôi. Tất cả như thủy triều vậy, có lên rồi xuống.

Cải lương chưa bao giờ chết. Nó vẫn sống trong lòng khán giả như sóng ngầm, luôn ở đó đầy mạnh mẽ. Xuống miền Tây không khi nào tôi không nghe được một câu vọng cổ, cải lương qua chiếc radio thân thiết của từng nhà vào mỗi buổi trưa.

Ngay như ở Sài Gòn, buổi trưa tôi chạy Honda thường thấy mấy chú xe tải nghe ca cổ với chiếc loa được bật lớn, thấy âm ỉ vui.

Chị có niềm tin rất lớn vào cải lương, vậy theo chị, điều gì khiến thu nhập của nghề bị lép vế hơn so với các bộ môn nghệ thuật khác trong khi nghề có giá trị văn hóa, có khán giả của riêng mình?

- Đơn giản là nó đã xưa rồi. Khán giả bây giờ thích cái gì ồn ào lên, nhộn nhịp lên. Cái xưa bao giờ cũng lắng ở dưới nên đối tượng đến với bộ môn này cũng kén đi, chắt lọc hơn. Các sân khấu cải lương cũng vì thế mà ít dần đi, không còn nhiều chỗ cho chúng tôi làm nghề. Và một điều nữa, dù tôi đang là nghệ sĩ cải lương cũng phải thừa nhận là, ở đây không có sự chung tay. Chúng tôi thiếu những kịch bản hay.

Cụ thể là như thế nào, thưa chị?

- Để có một kịch bản hay thỏa mãn khán giả phải có đầy đủ những hỉ, nộ, ái, ố. Giờ chúng ta đang ở trong khuôn khổ về chính trị, rồi phải có cả tính thời sự, thế nên rất khó để có một kịch bản hay, chỉn chu để người nghệ sĩ được thỏa sức sống với từng nhân vật.

Lứa nghệ sĩ cải lương gạo cội đương thời cũng đã lớn tuổi, trong các nghệ sĩ trẻ có gương mặt nào triển vọng đối với chị không?

- Các em bây giờ giỏi lắm. So với tuổi tôi hồi đó, các em giỏi hơn nhiều. Chất giọng có, được học với những đạo diễn nổi tiếng, điều kiện tốt. Nhưng các em không có thời gian diễn lâu dài như chúng tôi trước đó. Hồi xưa một năm 365 ngày thì hát hết hơn 200 ngày rồi.

Giờ các em không có nhiều thời gian tập, một vở cùng lắm tập 1 tháng rồi vội vàng chớp nhoáng lên sân khấu, không kịp cảm thụ nhân vật, tâm lý nhân vật cũng chưa nắm vững, sơ sài.

Chị có thể chia sẻ thêm về điều này?

- Chúng tôi tập 2 tháng lên diễn mới có thể nói là “mở mắt” cho nhân vật. Và mỗi vở thường diễn cả năm trời. Mỗi lần đều vá một chút kẽ hở, riết rồi nhân vật của mình nhuần nhuyễn hoàn toàn không còn gì để vá hết, và khi đó chúng tôi mới xây dựng được thành công của mình, ít ai thay thế được. Từng ánh mắt, bước chân, cái nhìn liếc qua cũng phải mang cái hồn riêng của nó.

Các em bây giờ gấp rút, lời thoại còn chưa thuộc hết làm sao thẩm thấu được nhân vật? Sau đó vở diễn không được diễn lại và thế là mọi thứ trôi tuột đi... Các em không có cơ hội xây dựng nhân vật của riêng mình.

Theo chị nguyên nhân nằm ở quy trình hay thời thế thay đổi?

- Đều là do thời thế. Giờ các em còn lo kiếm tiền. Tôi đi hát 30 năm trời mới có xe hơi chạy, các em năm trước đoạt giải, ba bốn năm sau đã có rồi. Thế nên mọi thứ cứ cuốn các em đi. Chúng tôi chỉ cần được sống trong nhân vật là “sướng” lắm, không phát lương vẫn hát. Các em bây giờ mục tiêu là sắm nhà lầu, mua xe hơi, lo cho gia đình. Quan niệm nó khác rồi.

Có phải vì như vậy nên trong số các gương mặt trẻ rất khó để tìm được một nghệ sĩ cải lương thực thụ như các thế hệ đi trước?

- Mấy em nhỏ hiện giờ dễ bị ngộ nhận. Sau khi đoạt giải ở một chương trình nào đó như Chuông vàng vọng cổ hay Ngân mãi chuông vàng…, các em vào đào chánh rồi thường nghĩ mọi thứ dễ dàng quá, tưởng rằng mình đã “đụng nóc”. Nhưng mỗi ngày là mỗi khác, nhân vật thì luôn thay đổi, không ai dám nhận là mình đã “đụng nóc”, “tới đỉnh” hết. Tôi nói có Tổ nghiệp, hơn 100 vai đã thể hiện, chưa vai nào tôi hoàn toàn hài lòng và dám nói mình đã ở trên đỉnh cao cả.

Chị có lời khuyên nào dành cho lớp trẻ làm nghề?

- Cứ hết lòng với Tổ nghiệp đi, đừng sơ sài, Tổ nghiệp sẽ không phụ. Hãy tin vào điều đó.


Ba lần đối diện nguy cơ mất hoàn toàn khả năng hát

Giọng hát là yếu tố quan trọng đối với người nghệ sĩ cải lương, chị có thể chia sẻ bí quyết giữ giọng của mình?

- Không biết có phải duy tâm không nhưng tôi tin chất giọng này là ông trời ổng cho. Từ nhỏ đến lớn không biết giữ giọng là gì, hát vô độ lắm, tàn phá luôn. Chỉ cần có hứng, làm mười mấy bài tới khan tiếng tôi vẫn bất chấp. Nay hát mai nín họng cũng được luôn. Nhưng 10 năm trở lại đây tôi đã bắt đầu biết lưu tâm hơn, không uống nước đá nữa.

Điều gì khiến chị có thay đổi như vậy?

- Cách đây mười mấy năm, tôi đi đoàn Tây Đô, khi đó có mình tôi hát đào chính, vì nể nang mà lên sân khấu hát khi đang khan tiếng. Hồi đó làm bữa nào ăn bữa nấy, nghỉ là tiếc nên tôi ráng “cày” như vậy suốt mười mấy năm. Đến lúc tôi không nói thành tiếng nữa, giao tiếp phải viết qua giấy mới nghỉ hát.

Vô bệnh viện khám bác sĩ mới nói tôi có hạt polyp trong dây thanh quản. Vì việc cắt hạt polyp khá nguy hiểm, có thể bị méo tiếng nên bác sĩ quyết định không cắt nữa mà cho tôi trị liệu.

Suốt 8 tháng trời tôi phải tập thở như em bé vậy. Sau đó tập nói nhưng hoài hổng được. 6 tháng trời chỉ tập 1 câu “Đêm nay trăng sáng quá” mà mãi không được. May có tổ nghiệp thương, vài tháng sau tôi bình phục. Khi ấy tôi cạch luôn nước đá, lao động lại. Thế nhưng hơi khỏe một chút tôi lại tiếp tục làm quá sức.

Chính vì thế vào năm 2006, khi đang duyệt chương trình cho vở Kim Vương Kiều, tôi bị mất tiếng trở lại. Đây là một vở diễn cực lớn và quan trọng, tập trung 500 chị em nghệ sĩ, tôi được xếp vai là 1 trong 3 cô Hoạn Thư. Khi đó quá gấp không tìm được người thay thế, tôi phải ra ngoài diễn còn Quỳnh Hương hát giúp tôi bên trong. Tôi rầu quá trời, khấn khẩu nghiệp, xin qua được chương trình này rồi ăn chay 3 tháng. Tôi đi trị và uống thuốc, 1 tháng sau trước ngày công diễn thì một cách kì diệu, tôi hát lại được.

Có phải vì vậy mà chị đặt nhiều niềm tin vào Tổ nghiệp?

- Tới 2009, tôi lại gặp 1 trận nữa. Không nói được một tiếng nào, nghề này có cái cổ họng mà như vậy là chết. Tôi vô bệnh viện Chợ Rẫy trình bày hoàn cảnh với ông Phó Giám đốc, xin ổng làm sao cho hát được chứ tôi chưa muốn bỏ nghề.

Lúc ấy, 2 hạt polyp của tôi đã chai, nếu không cắt ngay sẽ chuyển ung thư nên bắt buộc phải phẫu thuật. Nằm trên bàn phẫu thuật mà nước mắt tôi dàn dụa cầu xin Tổ nghiệp. 2 tháng sau phẫu thuật, tôi hồi phục, thậm chí giọng hát còn tốt hơn trước. Tổ nghiệp thực sự ưu ái tôi, không tin không được.

Bước qua tuổi 50 chị vẫn có một vóc dáng trẻ trung, gọn gàng lắm?

- Tôi cũng được nhiều người khen sao gọn gàng quá, nói đừng cười chứ, tôi tự nhận thấy mặt mình không được đẹp, thế nên vóc dáng phải coi được một chút.

Sau 6h tối là tôi không ăn, dù đi diễn về khuya đến như thế nào, có gì sáng hôm sau ăn lại. Và tôi cùng ông xã cũng đã ăn chay trường 10 năm rồi nên cơ thể cũng trong lành.


Chị có thể chia sẻ về kế hoạch sắp tới của mình?

- Tôi đi làm giám khảo ca cổ ở Bình Phước, chấm thi giọng hát hay mỗi tuần, chuẩn bị cho chương trình Tết ở dưới tỉnh rồi sau đó đi Đài Loan diễn.

Những ngày cuối năm càng phải làm lụng nhiều. Nghệ sĩ mà! Lễ Tết mà ở không là buồn lắm đó, thất nghiệp đó. Được cái tôi lại nhiệt tình nữa, ai mời đâu tôi cũng đi.

Tác giả bài viết: Thu Hường. Ảnh: Nhân Phạm

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP