Kinh tế

Điều gì ẩn sau con số lợi nhuận 'khủng' của các ngân hàng?

Tốc độ tăng chi phí của các nhà băng đang cao hơn so với tốc độ tăng trưởng hoạt động, khiến cần phải xem lại tính hiệu quả trong kinh doanh của không ít ngân hàng.

Chi phí tăng cao hơn lợi nhuận

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2016 của Vietcombank, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng năm 2016 là 6.845 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 5.332 tỷ đồng năm 2015, nhưng chi phí hoạt động còn tăng nhiều hơn, đạt gần 9.980 tỷ đồng (tăng gần 1.700 tỷ đồng so với năm trước đó).

Thuyết minh báo cáo tài chính của Vietcombank cho biết chi phí cho nhân viên bao gồm chi lương và phụ cấp, khoản chi đóng góp theo lương, trợ cấp thôi việc, mất việc là hơn 5.361 tỷ đồng, tăng mạnh so với năm 2015 (là gần 4.284 tỷ đồng).

Ngân hàng có 15.615 nhân viên tính đến cuối năm 2016. Cùng với đó, các khoản chi cho hoạt động quản lý công vụ, khấu hao tài sản cố định đều tăng.

Cũng có diễn biến tương tự, báo cáo tài chính của MBB cho biết, chi phí hoạt động của Ngân hàng lũy kế từ đầu năm 2016 đến cuối quý IV/2016 là 4.175 tỷ đồng, tăng mạnh so với năm 2015 là 3.449 tỷ đồng.

Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế năm 2016 là gần 2.884 tỷ đồng, tăng không nhiều so với mức 2.512 tỷ đồng năm 2015. Tính đến ngày 31/12/2016, Ngân hàng và các công ty con có 10.656 nhân viên.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính của MBB, chi phí lương và phụ cấp là phần chi lớn nhất với 2.072 tỷ đồng năm 2016, trong khi năm 2015 là 1.535 tỷ đồng. Tiếp theo là chi phí khác với 1.774 tỷ đồng, so với 1.617 tỷ đồng năm 2015.

Tại một ngân hàng, nếu chi phí hoạt động cao hơn nhiều so với sự tăng trưởng của các tài sản sinh lời và tài sản nợ, thì ngân hàng đó hoạt động không hiệu quả.

Tại ACB, chi phí hoạt động của Ngân hàng lũy kế từ đầu năm 2016 đến cuối quý IV/2016 là hơn 4.677 tỷ đồng. Con số này năm 2015 là 4.021 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế tính đến ngày 31/12/2016 là khoảng 1.325 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2015 là 1.028 tỷ đồng. Tổng số nhân viên chính thức của Ngân hàng và các công ty con đến ngày 31/12/2016 là 9.822 người.

Đối với ngân hàng này, phần chi phí lớn nhất cũng là chi cho nhân viên, bao gồm lương, phụ cấp, các khoản đóng góp theo lương, với giá trị khoảng 2.309 tỷ đồng, trong khi năm 2015 là 1.998 tỷ đồng. Các khoản chi cho hoạt động quản lý công vụ, chi về tài sản cũng có diễn biến tăng.

Một trường hợp đặc biệt là BIDV, khi chi phí hoạt động tăng gần gấp đôi từ năm 2013 đến năm 2016, khi từ 7.436 tỷ đồng lên 13.521 tỷ đồng. Riêng trong quý IV/2016, chi phí hoạt động của BIDV là 4.653 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước là 3.600 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận của Ngân hàng giảm so với năm 2015. Tổng số cán bộ công nhân viên của Ngân hàng và các công ty con tại ngày 31/12/2016 là 25.088 người.

Phần thuyết minh báo cáo tài chính của BIDV cho thấy, mọi chi phí cho nhân viên, hoạt động quản lý công vụ, khấu hao tài sản cố định đều gia tăng nhanh chóng.

ngan hang
Chi phí tại nhiều ngân hàng đang tăng nhanh hơn mức tăng trưởng lợi nhuận.

Hiệu quả giảm dần

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, mức tăng chi phí hoạt động phải phù hợp với sự tăng trưởng các hoạt động của ngân hàng, bao gồm chủ yếu là hoạt động tín dụng, huy động, đầu tư và dịch vụ. Tính bình quân, tỷ lệ tăng trưởng chi phí hoạt động nên tương đương với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng, huy động, tài sản đầu tư và thu nhập từ dịch vụ.

Điều này có nghĩa là tại một ngân hàng, nếu chi phí hoạt động cao hơn nhiều so với sự tăng trưởng của các tài sản sinh lời và tài sản nợ, thì ngân hàng đó hoạt động không hiệu quả, có thể dẫn đến sự sụt giảm ROA, ROE và ngược lại.

Nhìn chung ngành ngân hàng trong năm 2016, chi phí hoạt động của các nhà băng tăng mạnh với tỷ trọng lớn nhất thuộc về chi phí nhân sự, chi phí khấu hao cho đầu tư hạ tầng cơ sở và đầu tư công nghệ thông tin, dự phòng rủi ro cho nợ xấu, trong khi tỷ lệ lãi cận biên (NIM - net interest margin), thể hiện việc quản lý tài sản để tạo ra lợi nhuận của toàn ngành tương đối thấp, thực tế chỉ khoảng 2,5%. Điều này dẫn đến lợi nhuận ròng trước thuế (sau chi phí hoạt động và dự phòng nợ xấu) không cao.

“Trong năm 2017, nếu các ngân hàng có thể kiểm soát được những chi phí trên, bức tranh lợi nhuận có thể sẽ tốt hơn”, ông Hiếu nhận định.

Tác giả bài viết: Theo Nhuệ Mẫn/Báo Đầu Tư

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP