Kinh tế

Điểm tựa để phụ nữ vùng giáo, vùng biển thoát nghèo

Huyện Nghi Lộc hiện có 21/30 xã vùng giáo và 6 xã vùng biển. Qua 3 năm triển khai thực hiện Đề án 2059 của UBND tỉnh Nghệ An về "Tuyên truyền vận động và hỗ trợ phụ nữ vùng giáo, vùng biển tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững", đã nâng cao kiến thức, kỹ năng để vươn lên thoát nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững.

Với đặc thù là một xã vùng biển, sau khi được Hội phụ nữ huyện chọn thực hiện đề án, Hội LHPN xã Phúc Thọ đã tham mưu với Đảng ủy xây dựng tổ hợp tác mây tre đan xuất khẩu; Phối hợp, liên kết với Công Ty Đức Phong bao tiêu sản phẩm cho hội viên. Tại đây, các chị em được học nghề, nhận làm hàng mây tre đan xuất khẩu như: đèn ngủ, gió đựng hoa quả, mỹ phẩm, hàng trang trí… Không hạn chế số lượng, mà tùy theo đơn đặt hàng của Công ty Đức Phong, các chị em có thể nhận bao nhiều tùy với khá năng sản xuất. Từ chỗ có 10 hội viên sản xuất, đến nay đã thu hút trên 50 hội viên theo nghề này.
thoat ngheo
Chị em hội viên phụ nữ xã vùng biển Phúc Thọ nhận hàng mây tre đan sản xuất tại nhà

Nhờ hiệu quả của chương trình ý nghĩa này, nhiều chị em ở Phúc Thọ có việc làm thêm ổn định, cuộc sống xóm làng ở vùng biển này sôi động, đầm ấm hơn trước, những người phụ nữ không còn ngồi trông đợi những chuyến tàu của chồng con từ biển, mà họ chủ động cùng nhau phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bền vững.

Chị Nguyễn Thị Lan - chi hội 17 xã Phúc Thọ chia sẻ: Từ khi được hội tạo điều kiện tham gia vào tổ liên kết nghề mây tre đan, mỗi tháng gia đình tôi thu về hơn 3 triệu đồng. Tôi rất phấn khởi, bởi nghề này có thể tranh thủ làm mọi lúc, mọi nơi, nắng cũng như mưa, cứ đến đầu tuần tôi nhận nguyên liệu về cuối tuần mang sản phẩm đi nhập cho Công ty lấy tiền về và cứ đều đặn có việc làm thêm nên đời sống chị em chúng tôi đỡ vất vả hơn trước.

thoat ngheo 1
Mô hình nuôi lợn theo quy trình an toàn sinh học của giáo dân Lê Thị Hằng - xóm 15B - xã Nghi Kiều

Đối với các xã vùng giáo, BTV Hội LHPN huyện tổ chức phối hợp với linh mục quản xứ và Hội đồng mục vụ giáo xứ về chương trình hoạt động của Hội và việc tổ chức thực hiện Đề án tại địa phương. Các cơ sở hội cụ thể hóa Kế hoạch của Tỉnh, huyện để triển khai phù hợp với thực tiễn. Tiến hành rà soát, nắm bắt số liệu hộ nghèo là phụ nữ, phân tích các nguyên nhân nghèo đói để có biện pháp giúp đỡ cụ thể.

Ngoài ra, một số đơn vị còn sáng tạo tổ chức lồng ghép triển khai nội dung Đề án như: xây dựng hệ thống câu hỏi liên quan đến nội dung của Đề án, tổ chức giao lưu hái hoa dân chủ nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, ngày thành lập Hội 20/10 qua đó nhằm chuyển tải những kiến thức mới trong sản xuất, chăn nuôi, phát triển ngành nghề dịch vụ.

Ngoài ra, nhân dịp lễ Giáng sinh, Hội LHPN huyện trực tiếp tặng quà cho các linh mục tại các Giáo xứ Làng Nam (Nghi Trung), Xã đoài (Nghi Diên), Ngọc Liễn (Thị trấn Quán Hành), Thượng Lộc (Nghi Vạn), Lập Thạch (Nghi Thạch), Hội Yên (Nghi Văn), Nhân Hòa (Nghi Thuận), Lộc Mỹ (Nghi Quang) mỗi suất quà trị giá 1 triệu đồng. Tổ chức tặng 230 suất quà cho cán bộ Hội, hội viên cốt cán vùng giáo, trẻ em khuyết tật với tổng số tiền 3,6 triệu đồng.

thoat ngheo 2
Mô hình nuôi cá của chị Đinh Thị Diễm ở xã Nghi Trung

Đối với xã Nghi Trung, Hội tập trung tuyền truyền chị em phát huy nghề truyền thống để nâng cao thu nhập. Chị Trần Thị Hương Giang chủ tịch Hội LHPN xã Nghi Trung cho biết: ‘Sau khi được thụ hưởng đề án 2059 của UBND Tỉnh, Hội đã tham mưu với Đảng ủy, UBND xã tổ chức tập huấn, phối hợp ngân hàng CSXH hỗ trợ về nguồn vốn tạo điều kiện cho hội viên đầu tư sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế. Đặc biệt, vận động hội viên tập trung khai thác tối đa nhóm nghề truyền thống làm cốm và quạt giấy , nhờ đó, đời sống chị em ấm no hơn trước.
thoat ngheo 3
Mô hình trồng dưa hấu cho thu nhập cao của phụ nữ xã Nghi Trung

Trong quá trình triển khai dự án, Nghi Lộc được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ trên 97 triệu đồng, phối hợp với Ngân hàng chính sách huyện hỗ trợ cho các xã vùng giáo, vùng biển phát triển kinh tế 4.7 tỷ đồng. Ngoài các hoạt động trực tiếp, Hội LHPN huyện còn hỗ trợ cho các đơn vị tổ chức điểm một năm 3 triệu đồng. Phối hợp với Trường Trung cấp nghề Nghi Lộc mở 27 lớp đào tạo nghề cho 528 lượt học viên về: chăn nuôi thú y, kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật trồng hoa cây cảnh; Phối hợp với Hội nông dân hỗ trợ 56 con bò sinh sản trị giá 560 triệu đồng cho 56 gia đình là hộ nghèo; Tổ chức ra mắt Câu lạc bộ “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế” và tổ hợp tác chăn nuôi gà cỏ tại xã Nghi Văn.

Thông qua Đề án 2059, chất lượng hoạt động Hội từ huyện đến cơ sở được nâng lên rõ rệt, kỹ năng tổ chức điều hành của cán bộ, nhất là cán bộ chi hội chững chạc hơn, việc tập hợp thu hút hội viên tham gia sinh hoạt tăng từ 80 lên 84%, tỷ lệ hội viên nòng cốt toàn huyện đạt 22%. Đặc biệt, 100% hộ phụ nữ nghèo làm chủ được Hội giúp đỡ dưới mọi hình thức, góp phần hỗ trợ 1.376 hộ phụ nữ làm chủ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 4,22%.

Bà Lê Thùy Dương – Phó Chủ tịch Hội LHPN Huyện Nghi Lộc cho biết thêm: Trong thời gian tới, Hội LHPN huyện tiếp tục phối hợp với hội đồng mục vụ giáo xứ tại các xã vùng giáo để góp phần thực hiện tốt các nội dung của đề án. Mặt khác, hội tập trung đổi mới , đa dạng hình thức hoạt động nhằm khai thác tối đa thế mạnh, phù hợp với thực tiến tại địa phương.

Tác giả bài viết: Thu Hiền - Đài Nghi Lộc

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP