Xe

Đi xe máy không chính chủ: Chỉ phạm luật, tai nạn mới lo

Từ 1/1/2017, những người không sang tên xe môtô, xe gắn máy chính chủ sẽ bị cảnh sát giao thông phạt theo quy định. Điều này khiến không ít người lo lắng, bởi trên thực tế, một lượng lớn xe được mua bán nhưng chưa sang tên, đổi chủ.

Từ 2017, người đi xe máy không sang tên đổi chủ sẽ bị phạt
Sử dụng chung xe máy không bị phạt vì lỗi 'sang tên đổi chủ'
CSGT sẽ không phạt những phương tiện chưa "sang tên đổi chủ" sau đây

Nhiều điểm bất hợp lý


Có rất nhiều ý kiến thắc mắc xung quanh việc đi xe mà giấy tờ không phải là chính chủ.

Chẳng hạn, có người chất vấn: Gia đình tôi chưa có điều kiện mua thêm xe máy, mà nhu cầu công việc thì ai cũng cần. Vì nhà chỉ có một xe, nên phải phân bổ đều: Sáng mẹ lấy xe đi chợ, trưa và chiều bố lấy xe đi làm, tối tôi đi làm ca ở công ty cách nhà hơn chục cây số. Vậy gia đình phải làm sao để không bị phạt?

Với quy định phạt người sử dụng xe không có giấy tờ chính chủ, việc thuê xe có bị ảnh hưởng?

Hay, chúng tôi mới cưới nhau, vì hoàn cảnh nên chỉ sắm chung 1 chiếc xe máy, đứng tên vợ. Bây giờ đi đâu không lẽ tôi cũng phải chở vợ theo, hay phải mang theo cả giấy đăng ký kết hôn để chứng minh tôi là chồng của vợ tôi. Điều đó có hợp lý không?

Bản thân một số luật sư cũng đặt câu hỏi: xe của người thân, xe mượn bạn bè không bị xử phạt, nhưng làm cách nào để chứng minh đó là xe mượn? Nghĩa vụ chứng minh thuộc về ai? Đi xe không chính chủ, nếu vi phạm luật bị CSGT dừng xe kiểm tra, xử phạt, có xử phạt cả lỗi xe không chính chủ không?

Chủ một cơ sở kinh doanh cho thuê xe máy tại Hà Nội cũng thắc mắc: “Gia đình tôi làm dịch vụ cho thuê xe máy, chủ yếu cho khách du lịch, đang kinh doanh ổn định. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phát triển mở rộng kinh doanh. Với quy định phạt người sử dụng xe không có giấy tờ chính chủ, liệu dịch vụ thuê xe có bị ảnh hưởng?”.

Ý kiến khác cho rằng, việc cho nhau mượn phương tiện giao thông là điều rất bình thường và bất cứ gia đình nào cũng có lúc các thành viên phải sử dụng phương tiện giao thông của nhau, do vậy quy định trên không khả thi và nếu thực hiện nghiêm thì sẽ gây nhiều hệ lụy và rắc rối.

Người điều khiển xe chỉ cần có bằng lái phù hợp và đăng ký bảo hiểm là đủ. Còn nếu CSGT yêu cầu người lái xe phải đi xe có đăng ký tên mình là không bao giờ thực hiện được.

Ngoài ra, có ý kiến cho biết, CSGT phạt hành chính đối với việc không sang tên chính chủ khi chuyển nhượng phương tiện giao thông là không đúng quy định pháp luật. Việc chuyển nhượng tài sản là phương tiện giao thông thuộc lĩnh vực dân sự, cũng giống như chuyển nhượng nhà cửa, tài sản khác, nếu vi phạm mà bị phạt, thì nó phải được thực thi bởi cơ quan khác, chứ không thể là lực lượng CSGT.

Chỉ phạt khi gây tai nạn

Ủy Ban ATGT Quốc gia cho rằng: Mục tiêu chính của việc xử phạt hành vi không sang tên phương tiện là hướng đến xử phạt nguội qua hình ảnh của camera. Muốn xử phạt vi phạm hành chính qua camera thì phải xác định phương tiện đó là của ai, chứ không quan tâm đến người điều khiển phương tiện đó là ai.

Xe máy chỉ bị kiểm tra giầy tờ xe khi vi phạm luật giao thông

Khi phạt nguội, CSGT có thể tra ngay phương tiện đó của ai. Khi người chạy xe vi phạm giao thông, giấy phạt sẽ gửi về chủ xe và chủ xe không tìm ra người đã dùng xe mình đứng tên vi phạm, sẽ bị phạt tiền vi phạm.

Phương tiện giao thông cá nhân khi mua bán, phải sang tên đổi chủ là đúng theo quy định của pháp luật. Khi đưa quy định xử phạt đối tượng không sang tên phương tiện đã kèm theo rất nhiều điều kiện để những chiếc xe mua bán qua nhiều đời chủ mà không có chứng từ chuyển nhượng, hoặc chứng từ chuyển nhượng đã quá lâu, sẽ được cấp đăng ký lại. Người sử dụng xe chỉ cần có giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe (theo mẫu) và viết cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về xe làm thủ tục đăng ký, có xác nhận của công an nơi người đang sử dụng xe thường trú cấp.

Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng việc xử phạt hành vi không sang tên phương tiện trước đây đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Sau mấy lần lùi, đến nay các điều kiện đã chín muồi để thực hiện.

Về đối tượng xử phạt hành vi này, chỉ giới hạn khi người điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông nghiêm trọng, phải giữ phương tiện để điều tra làm rõ.

CSGT không được dừng xe lại kiểm tra giấy tờ chính chủ khi đang lưu hành. Vì vậy, đi xe không chính chủ sẽ không bị phạt khi không gây tai nạn cho người khác, đem theo giấy đăng ký, giấy phép lái xe lái, bảo hiểm xe và đội mũ bảo hiểm, đi đúng tốc độ, đúng làn đường quy định,...

Tuy nhiên, như vậy lại có vấn đề đặt ra: nếu người sử dụng xe gây tai nạn và bỏ chạy, không tìm ra, chiếc xe gây tai nạn cũng chưa được sang tên đổi chủ, thì chỉ người có giấy chính chủ phải gánh chịu, vậy người vi phạm giao thông sẽ thoát tội?

Tác giả bài viết: Trần Thủy

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP