Số hóa

Di động tầm trung thành ‘nồi cơm’ của cửa hàng xách tay

Di động cao cấp có sức tiêu thụ chậm, máy tầm trung trở thành nhóm sản phẩm chính của nhiều cửa hàng di động xách tay.

iPhone 7, 7 Plus về nước khiến nhóm di động xách tay cao cấp sôi động trở lại. Tuy nhiên, di động tầm trung mới là mặt hàng chủ lực của nhiều cửa hàng xách tay giai đoạn hiện tại.

“Khoảng hơn một năm qua, thị trường di động xách tay chứng kiến nhiều thay đổi”, anh Trung Trí – đại diện một hệ thống di động xách tay tại Trần Đăng Ninh (Cầu Giấy, Hà Nội) nhận định.

Theo anh này, sự thay đổi đó chủ yếu xuất phát từ việc nhóm smartphone cao cấp tại Việt Nam bị bão hòa:

“Không còn cảnh cửa hàng đua nhau từng ngày, nhập các sản phẩm di động cao cấp về nước, bán với giá xấp xỉ 20 triệu đồng như trước đây. Thay vào đó, chỉ một số ít tiến hành nhập máy về sớm để làm quảng cáo, quay clip đánh giá. Phần lớn sẽ đợi giá xuống thật thấp, thậm chí bỏ qua chờ đến khi có hàng qua sử dụng mới đem về bán”.

Ngoại trừ iPhone, người dùng không dễ mua được một chiếc di động Android cao cấp đời mới như LG V20, HTC 10, Galaxy S7 và S7 edge có số lượng hạn chế trong khi Xperia XZ hoàn toàn chưa có hàng.

Di động tầm trung là tâm điểm của thị trường xách tay. Ảnh: Thành Duy.

“Bên cạnh việc thị trường cao cấp bão hòa, sự thay đổi trong chính sách bán hàng chính hãng của các nhà sản xuất cũng là nguyên nhân khiến máy xách tay cao cấp đời mới ngày càng vắng bóng trên thị trường”, anh Thanh Tùng – chủ một cửa hàng trên đường Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy, Hà Nội) lý giải.

Anh này cho biết thời gian gần đây, hãng sản xuất có xu hướng đưa smartphone cao cấp về nước sớm, kèm giá bán tốt khiến hàng xách tay khó có đất sống. Chẳng hạn, Galaxy S7, S7 edge chính hãng ra mắt ngày 22/2 và cho đặt trước tại Việt Nam ngày 23/2. Việt Nam cũng là một trong 10 thị trường đầu tiên đón chiếc Galaxy Note 7, trước khi máy bị thu hồi.


Về giá bán, việc Sony bán chiếc Xperia XZ ở mức 14,99 triệu quả thực khiến máy xách tay khó có đất sống. Một cửa hàng chuyên kinh doanh sản phẩm Sony cho biết họ chưa có kế hoạch đưa XZ về nước do giá chính hãng quá thấp.

Dạo qua website của nhiều cửa hàng xách tay, quả thật smartphone cao cấp không còn nằm ở vị trí trang trọng nhất. Vị trí đó giờ đây dành cho những model tầm trung – giá bán 5-8 triệu đồng.

Nếu như nhóm này trước đây mặc định bao gồm những model cao cấp đời cũ giảm giá thì hiện nay, nó sôi động hơn nhiều với hàng loạt máy tầm trung đời mới. Chẳng hạn tháng trước, các cửa hàng xách tay ồ ạt cho nhập về một số smartphone dòng A, dòng C, và dòng J của Samsung.

Một chiếc Samsung Galaxy A7 16 GB xách tay hàng mới được bán với giá 5,5 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với mức 10 triệu của máy chính hãng. Các sản phẩm này hiện có sức bán tốt nhờ mức giá ấn tượng.

Với di động cao cấp đời cũ, các sản phẩm bán chạy nhất vẫn là iPhone, điện thoại Galaxy như S6 edge, Note 5.

Những smartphone hết thời như BlackBerry Passport đang được nhiều người săn đón vì giảm giá mạnh. Ảnh: Khương Nha.


Những ngày gần đây, thị trường di động xách tay tầm trung sôi động hơn hẳn với sự xuất hiện của một số model “hết thời” như BlackBerry Passport hay iPhone 4S chưa kích hoạt. Đây đều là những smartphone thuộc dạng xả hàng, đưa về Việt Nam tiêu thụ.

Passport từ chỗ là một model cao cấp, kén khách vì thiết kế độc, giao diện không phổ thông bỗng được nhiều người săn đón nhờ mức giá 5-6 triệu đồng.

“Di động giá dưới 10 triệu chiếm khoảng 90% doanh thu của hệ thống”, anh Trung Trí ước tính.

So với máy cao cấp, lợi nhuận từ di động tầm trung ít hơn nhưng tiếp cận nhiều khách hàng hơn, dẫn đến doanh số tốt hơn. Tuy nhiên, việc bán nhiều chủng loại máy cũng khiến cửa hàng bận rộn hơn trong việc tư vấn, bảo hành cũng như quảng bá sản phẩm, theo anh này.

Tác giả bài viết: Thành Duy

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP