Kinh tế

ĐHĐCĐ SCB: Kỳ vọng sớm hoàn nhập 6.500 tỷ đồng dự phòng nợ xấu

“Hiện tại Ngân hàng có 6.500 tỷ đồng dự phòng cho xử lý nợ, tất cả đều có tài sản đảm bảo và chắc chắc sẽ thu hồi về được 100%. Khi xử lý xong nợ sẽ hoàn lại toàn bộ phần trích lập dự phòng rủi ro vào lợi nhuận. Chúng ta cố gắng chịu đựng để giá trị này sẽ phát huy trong một ngày không xa”, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB cho biết.

Lãnh đạo SCB cho rằng khoản dự phòng 6.500 tỷ là "của để dành" lớn cho SCB, là tích tụ tài chính tốt cho ngân hàng sau giai đoạn tái cơ cấu

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017. Tại đại hội, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc SCB cho biết, tính đến 31/12/2017, SCB có tổng tài sản 444.031 tỷ đồng, tăng 22,8% so với năm 2017.

Huy động vốn và cho vay khách hàng của SCB trong năm qua tiếp tục duy trì mức tăng trưởng hai con số, cụ thể: huy động vốn thị trường 1 tăng 17,1% lên 353.327 tỷ đồng và dư nợ cho vay tăng 20% lên mức 264.151 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2017, dư nợ cho vay của SCB đạt 266.501 tỷ đồng, tăng 44.318 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng 19,95% so với đầu năm. Chốt năm 2017, nợ quá hạn của SCB chiếm 0,63% tổng dư nợ; nợ xấu chiếm 0,45% tổng dư nợ.

Tổng Giám đốc SCB cũng cho biết năm 2017, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của Ngân hàng đạt 871 tỷ đồng, chiếm 1/5 tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh của SCB và có mức tăng trưởng 54% so với năm 2016.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của SCB năm 2017 đạt 164 tỷ đồng, tăng 20,6% so với năm 2016. “Mức lợi nhuận còn khiêm tốn chủ yếu do SCB vẫn đang trong quá trình củng cố nền tảng tài chính, các chi phí tái cơ cấu phát sinh trong năm tương đối cao (đặc biệt là chi phí thoái thu lãi do xử lý nợ xấu) và SCB phải tập trung nguồn lực để trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro tín dụng, dự phòng trái phiếu VAMC theo đúng quy định”, ông Văn cho hay.

Sang năm 2018, SCB đặt mục tiêu đạt lợi nhuận trước thuế 224 tỷ đồng, tăng 36,8% so với năm 2017; tổng tài sản tăng 9,7% đạt 487.043 tỷ đồng; huy động tăng 18,4% đạt 418.278 tỷ đồng; cho vay khách hàng tăng 17,8% đạt 311.204 tỷ đồng.

Trong năm nay, SCB cũng sẽ tiếp tục lộ trình tăng vốn điều lệ thêm 1.705 tỷ đồng đã trình Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Đồng thời tăng vốn từ quỹ dự trữ và lợi nhuận giữ lại khoảng 600 tỷ đồng thông qua phát hành 60 triệu cổ phiếu thưởng. Qua đó, tổng vốn điều lệ SCB tăng thêm là 2.305 tỷ, lên 16.600 tỷ đồng. Tổng Giám đốc SCB cho biết việc tăng vốn nhằm tăng năng lực tài chính của SCB.

Kỳ vọng sớm hoàn nhập 6.500 tỷ đồng dự phòng nợ xấu

Về thù lao HĐQT, ông Võ Tấn Hoàng Văn cho biết Ngân hàng tính thù lao HĐQT trên cơ sở số cố định và không phát sinh thêm. Mức bình quân mỗi thành viên HĐQT là hơn 100 triệu đồng/tháng. Theo cá nhân ông Văn số tiền này là không nhiều so với nỗ lực của các thành viên HĐQT năm qua, đây còn là bộ mặt của SCB.

Mặt khác theo ông Văn, mức thù lao cao cũng là do chi phí công tác, đi lại của các thành viên khá tốn kém. Ông dẫn chứng việc một năm có thành viên HĐQT đi công tác Hà Nội 20 lần trong khi chi phí đi lại bình quân của mỗi lần là 8 triệu đồng. Một số thành viên HĐQT không nhận thù lao này, họ đóng góp vào quỹ chung sức hỗ trợ cho một số cán bộ SCB gặp khó khăn.

Về dự phòng rủi ro, ông Văn cho hay: “Hiện tại Ngân hàng có 6.500 tỷ đồng dự phòng cho xử lý nợ, tất cả đều có tài sản đảm bảo và chắc chắc sẽ thu hồi về được 100%. Khi xử lý xong nợ sẽ hoàn lại toàn bộ phần trích lập dự phòng rủi ro vào lợi nhuận. Chúng ta cố gắng chịu đựng để giá trị này sẽ phát huy trong một ngày không xa”.

"Khoản dự phòng nói trên có thể xem là của để dành lớn cho SCB, là tích tụ tài chính tốt cho ngân hàng sau giai đoạn tái cơ cấu. Do vậy, cổ đông có thể tin tưởng vào sự bứt phá của SCB sau năm 2019”, ông Văn nói thêm.

Tại đại hội, HĐQT cũng trình cổ đông việc miễn nhiệm bà Nguyễn Thị Phương Loan chức danh thành viên HĐQT vì lý do sức khỏe và bầu bổ sung người mới cho nhiệm kỳ 2017-2022.

Theo đó, ông Nguyễn Văn Thanh Hải (sinh năm 1966, tại Long An), Phó Tổng giám đốc SCB thay thế bà Loan. Ông Nguyễn Văn Thanh Hải là cử nhân kinh tế ngành tài chính ngân hàng. Ông từng là nhân viên tín dụng ngân hàng Đại Nam, chuyên viên xử lý nợ Nam Đô trực thuộc BIDV, Phó giám đốc chi nhánh Nhà Rồng SCB, Phó giám đốc chi nhánh Long An SCB và Giám đốc chi nhánh Gia Định SCB trước khi là Phó Tổng giám đốc SCB.

Trả lời câu hỏi của cổ đông, ông Võ Tấn Hoàng Văn cho biết về cổ tức, mỗi năm SCB đều có kế hoạch và phải được NHNN chấp thuận.

Đến cuối năm 2017, SCB có số dư lợi nhuận trên 600 tỷ và xin cổ đông cho phép dùng tiền này để tăng vốn. Do đó, năm 2018, cổ đông sẽ được chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn này.

Tác giả: Bảo Duy

Nguồn tin: vietnamfinance.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP