Tuy vậy, sau một năm nỗ lực của doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh, cùng với trợ lực kịp thời của các ngành chức năng, TMDV của thành phố đã có những tín hiệu vui trở lại...
Hướng đến xây dựng thành phố du lịch, Đồng Hới xác định TMDV là ngành kinh tế mũi nhọn, vừa góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và tăng thu ngân sách địa phương, vừa là động lực quan trọng để các ngành kinh tế khác cùng phát triển.
Vì vậy, TP. Đồng Hới đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt có trọng tâm, trọng điểm và khai thác, phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Dự án khu nhà ở thương mại Vincom đem đến một diện mạo mới cho thành phố Đồng Hới. |
Đặc biệt, để thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hàng hóa, tăng dần tỷ trọng các ngành TMDV, thành phố đã xây dựng và triển khai sâu rộng cơ chế chính sách phù hợp, tạo sự thông thoáng trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, chính sách vốn vay, quỹ đất, quy hoạch khu phát triển TMDV... khuyến khích các tổ chức, cá nhân trên địa bàn mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh.
Chính nhờ đó, sau một năm xảy ra sự cố môi trường biển, hoạt động TMDV ở thành phố đã có những chuyển biến rõ nét, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn thành phố năm 2017 ước đạt gần 8.400 tỷ đồng (tăng 10,8% so với năm 2016).
Để tạo sự đột phá này, trước hết Đồng Hới dựa vào điều kiện thực tế ở từng xã, phường để xây dựng kế hoạch phát triển TMDV, trong đó chú trọng phát triển TMDV ở các phường trung tâm như: Hải Đình, Đồng Phú, Hải Thành, Nam Lý, Bắc Lý... Thành phố cũng đã nhanh nhạy, năng động và kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các thành phần tham gia phát triển mạng lưới thương mại, dịch vụ đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân...
Trong năm qua, hầu hết các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố đều có sự tăng trưởng so với năm 2016, tiêu biểu như: kinh tế Nhà nước đạt 365 tỷ đồng, tăng 31,3%; kinh tế tập thể đạt 1,9 tỷ đồng, tăng 2,8%; kinh tế cá thể đạt 3.500 tỷ, tăng 9,2% và kinh tế tư nhân đạt 3.252 tỷ đồng, tăng 9,8%.
Thành phố cũng quan tâm đầu tư, nâng cấp xây dựng hệ thống chợ đầu mối, chợ trung tâm nên hiện hầu hết các xã, phường đều có chợ phục vụ cho nhu cầu giao lưu, trao đổi và mua bán hàng hóa của nhân đân. Thành phố khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư, mở rộng phát triển các trung tâm thương mại lớn, siêu thị, nhất là hình thành nhiều cửa hàng mua, bán theo phương thức tự chọn. Ngoài sự hiện diện của Siêu thị Co.opmart, nhiều cửa hàng, cơ sở phân phối lớn của các tổng công ty, tổng đại lý trong nước cũng có mặt tại thành phố.
Từ đó, lượng hàng hóa lưu chuyển trên thị trường lớn, phong phú về sản phẩm, đa dạng về mẫu mã, người tiêu dùng có nhiều cơ hội chọn lựa sản phẩm bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý và được tiếp cận hình thức kinh doanh hiện đại. Song song với đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, Đồng Hới xây dựng các tuyến phố văn minh đô thị, bảo đảm an ninh trật tự, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi gắn với phát triển đô thị văn minh.
Các ngành chức năng của thành phố đã tăng cường công tác quản lý hoạt động thương mại qua việc thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý các hộ kinh doanh trong chấp hành niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, hoạt động thu phí và lệ phí trên địa bàn.
Với lợi thế về phát triển du lịch biển, hoạt động dịch vụ cũng được thành phố tập trung đầu tư và khai thác tiềm năng, thế mạnh các xã, phường ven biển để hình thành một số khu du lịch trọng điểm gồm: Bảo Ninh, Hải Thành và Quang Phú. Mặt khác, Đồng Hới khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, các điểm du lịch, đa dạng hóa các khu vực vui chơi, giải trí kết hợp với mua sắm.
Riêng trong năm 2017, một loạt các dự án lớn được khởi công và hoàn thành, trong đó nhiều dự án khách sạn, nhà hàng lớn đã được đẩy nhanh tiến độ đầu tư và đưa vào sử dụng, phục vụ nhu cầu của du khách như: 2 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao Vĩnh Hoàng 16 tầng với 113 phòng, 213 giường và Royal 17 tầng với 115 phòng, 230 giường; khách sạn Amanda 12 tầng với 68 phòng, khách sạn Thiên Đường 14 tầng với 51 phòng; nhà hàng Everland Quảng Bình...
Một trong những dự án trọng điểm, tạo điểm nhấn cho kiến trúc đô thị thành phố nữa, đó là Trung tâm thương mại Vincom Plaza nằm trong chuỗi trung tâm thương mại mang thương hiệu Vincom. Trong tương lai không xa, trung tâm sẽ trở thành điểm mua sắm, vui chơi, giải trí hấp dẫn của người dân trong tỉnh. Cầu Nhật Lệ 2 khi đi vào hoạt động sẽ tạo điều kiện khai thác tốt tiềm năng du lịch vùng biển phía nam của Đồng Hới.
Cũng chính từ những điểm nhấn này, nhiều ý tưởng hình thành nên các đô thị đang được các nhà đầu tư biến thành hiện thực. Đáng kể là dự án khu đô thị mới Phú Hải Riverside có quy mô hơn 500 biệt thự liền kề ven sông, khu thương mại, nhà phố, trường học và tiện ích đầy đủ chức năng đô thị...
Bên cạnh đó, Đồng Hới đã có nhiều hoạt động giới thiệu, quảng bá về văn hóa, con người và tiềm năng du lịch của quê hương thông qua những hoạt động văn hóa, thể thao của quốc gia và thế giới được tổ chức tại địa bàn thành phố.
Nổi bật như: Tour I giải Giải bóng chuyền bãi biển toàn quốc năm 2017 được tổ chức tại bãi biển Nhật Lệ; phần thi trang phục dân tộc và các hoạt động bên lề của cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Thế giới năm 2017; giải đua xe ô tô địa hình RFC Việt Nam; đặc biệt Tuần Văn hóa-Du lịch Đồng Hới năm nay với nhiều nét mới cũng đã để lại ấn tượng đẹp du khách góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch của thành phố từng bước phục hồi và phát triển.
Tuần Văn hóa-Du lịch Đồng Hới năm 2017 với nhiều nét mới đã để lại ấn tượng đẹp cho du khách, góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch của thành phố. |
Ngoài ra, hoạt động vận tải tiếp tục duy trì và phát triển toàn diện, trong đó hãng hàng không Jetstar mở thêm đường bay Hải Phòng- Đồng Hới và Đồng Hới-Chiang Mai (Thái Lan) đã nâng cao chất lượng đi lại của nhân dân cũng như hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn.
Nếu năm 2016 được xem là một mùa du lịch “ảm đạm” thì kết thúc năm 2017, TP. Đồng Hới đã tạo nên sức bật mạnh mẽ, lượng khách du lịch đến thành phố đạt trên 1,1 triệu lượt, tăng gần 30% so với năm ngoái và đưa doanh thu từ khách sạn, nhà hàng và dịch vụ du lịch đạt 775 tỷ đồng, tăng gần 18%...
Đồng chí Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới khẳng định, với những giải pháp tích cực, lĩnh vực TMDV của thành phố đã và đang giữ vai trò chủ đạo nền kinh tế trên địa bàn. Đồng Hới đang tập trung mọi nguồn lực để tiếp tục đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị, trong đó nhiều công trình trọng điểm của tỉnh, của thành phố được triển khai xây dựng sẽ tạo diện mạo mới và mở ra hướng phát triển kinh tế năng động cho đô thị Đồng Hới.
Đây là điều kiện thuận lợi lớn thúc đẩy ngành TMDV đi lên theo hướng hiện đại, góp phần đưa nền kinh tế của thành phố phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm là trung tâm kinh tế - chính trị của tỉnh nhà.
Tác giả: Thùy Lâm
Nguồn tin: baoquangbinh.vn