Thế giới

Đêm binh biến khiến Tổng thống Mugabe mất chức

Từng đoàn xe tăng trong đêm 14/11 tiến vào thủ đô Zimbabwe tiến hành cuộc binh biến khi Tổng thống Mugabe vẫn đang say ngủ.

Người dân Zimbabwe gỡ ảnh của Mugabe sau khi ông có đơn xin từ chức. Ảnh: AFP.

Ông Robert Mugabe thức dậy vào sáng thứ tư tuần trước trong dinh thự xa hoa có tên "Nhà Xanh" và nhận ra rằng đội trưởng an ninh không có mặt để báo cáo như thường lệ. Chỉ đến khi đó, Tổng thống 93 tuổi của Zimbabwe, người đã vượt qua rất nhiều thử thách trong 37 năm cầm quyền đầy biến động, mới nhận ra rằng mình đang bị quản thúc tại gia, theo WSJ.

Theo các quan chức an ninh cấp cao, không ai đánh thức ông Mugabe vào đêm hôm đó, khi quân đội Zimbabwe triển khai thiết giáp và binh sĩ khắp thủ đô, chiếm giữ các trụ sở chính quyền và giao lộ chiến lược trong cuộc binh biến nhằm chấm dứt thời kỳ nắm quyền của Mugabe. Nhà lãnh đạo từng được ca ngợi là "con sư tử của châu Phi" từ lúc đó trở thành tù nhân trong chính dinh thự bằng đá hoa cương của mình, với các binh sĩ và xe tăng T-72 canh gác xung quanh.

Những gì diễn ra tiếp theo là một tuần đầy căng thẳng và bất định, bao gồm những cuộc biểu tình lớn của người dân, bài phát biểu không chịu từ chức gây sốc trên truyền hình của Tổng thống, quyết định khai trừ ông Mugabe của đảng Zanu-PF cầm quyền và quy trình luận tội của quốc hội, tất cả chỉ được kết thúc vào hôm qua, khi nguyên thủ nhiều tuổi nhất thế giới gửi đơn từ chức.

Người dân Zimbabwe reo hò, nhảy múa khi chủ tịch quốc hội đọc đơn từ chức của ông Mugabe, trong đó viết rằng ông "tự nguyện" quyết định rút lui vì "phúc lợi của nhân dân Zimbabwe" và "mong muốn bảo đảm một cuộc chuyển giao quyền lực suôn sẻ, hoà bình, không bạo lực, làm nền tảng cho an ninh quốc gia, hoà bình và ổn định".

Nhiều người biểu tình phản đối ông Mugabe tin rằng đây là chiến thắng của người dân Zimbabwe, thể hiện sức mạnh từ ý chí tập thể của họ. Nhưng từ những gì diễn ra với ông Mugabe trong những tuần cuối cùng cầm quyền lại cho thấy một câu chuyện khác: sự ra đi của ông là kết quả của một cuộc tranh giành quyền lực trong giới tinh hoa.

Cuộc binh biến chống lại ông Mugabe được lên kế hoạch và thực hiện bởi một quân đội hùng hậu và gần như không gặp phải bất cứ sự kháng cự nào từ lực lượng an ninh, cảnh sát đã bảo vệ Tổng thống suốt nhiều thập kỷ qua.

Trong 37 năm cầm quyền của mình, Tổng thống Mugabe liên tiếp từ chối chỉ định người kế nhiệm, thậm chí còn tuyên bố sẽ ra tranh cử vào năm sau, khi ông đã 94 tuổi. Nhưng vài tháng gần đây, khi sức khỏe Tổng thống ngày một sa sút, cuộc đấu đá giành vị trí kế nhiệm ông lên đến đỉnh điểm.

Hôm 6/11, ông Mugabe sa thải Phó tổng thống Emmerson Mnangagwa, chính trị gia 75 tuổi có biệt danh "Cá sấu" đã đi theo ông từ thời đấu tranh giải phóng dân tộc, một động thái được xem như sự dọn đường để vợ ông, Đệ nhất phu nhân Grace Mugabe, trở thành tổng thống thay chồng.

Bà Grace Mugabe, người phụ nữ tham vọng muốn thay chồng làm tổng thống Zimbabwe. Ảnh: AP.

Lo sợ cho tính mạng của mình, Mnangagwa cùng con trai bỏ trốn tới Mozambique, sau đó là Nam Phi, để tính toán các bước đi tiếp theo. Mnangagwa là người có quan hệ rất thân cận với quân đội Zimbabwe, được coi là cầu nối giữa các tướng lĩnh với chính quyền. Bởi vậy, cuộc thanh trừng của Mugabe không chỉ dừng lại ở cấp phó của mình, mà còn đe dọa đến các lãnh đạo của quân đội.

Đến ngày 11/11, các binh sĩ lữ đoàn bộ binh cơ giới tại căn cứ Inkomo, cách thủ đô Harare khoảng 70 km, nhận được tin mật báo rằng một kế hoạch nhắm vào quân đội sắp được thực hiện. Mục tiêu của kế hoạch thanh trừng này là tướng Constantino Chiwenga, người từng là học trò của ông Mugabe.

Hơn 30 năm trước, Chiwenga là một sĩ quan trẻ từng có ý định tự tử vì bị trượt một bài kiểm tra quân sự quan trọng. Ông Mugabe đã cho gọi Chiwenga lên và đưa ra đề xuất: Cam kết trung thành vĩnh viễn để đổi lấy việc được thăng chức, hưởng đặc quyền và quyền lực.

Giờ đây, Chiwenga giữ quân hàm cấp tướng, tư lệnh các lực lượng vũ trang Zimbabwe. Ông cũng là đồng minh thân cận của phó tổng thống vừa bị ông Mugabe sa thải. Khi ông đang trên đường trở về từ chuyến công du Trung Quốc, lực lượng cảnh sát trung thành với ông Mugabe đã được triển khai đến sân bay thủ đô Harare để bắt giữ ông.

Nhưng các chỉ huy tại căn cứ Inkomo cũng được mật báo về kế hoạch này của cảnh sát, nên quyết định điều lực lượng đặc nhiệm đóng giả làm nhân viên sân bay để tới bảo vệ ông Chiwenga. Khi máy bay vừa hạ cánh, các nhân viên sân bay này đồng loạt cởi bỏ trang phục dân sự, để lộ quần áo dã chiến và vũ khí, khiến nhóm cảnh sát đang mai phục để bắt ông Chiwenga tháo chạy. Tướng Chiwenga được hộ tống về căn cứ.

Dù cảnh sát thất bại trong nỗ lực vây bắt Chiwenga, Tổng thống Mugabe không đưa ra bất cứ tuyên bố nào. Hôm đó, ông đang phải chuẩn bị cho một tuần bận rộn, đối phó với những phản ứng từ việc đưa vợ mình vào vị trí kế nhiệm.

Ngày hôm sau, tướng Chiwenga tổ chức họp báo, tuyên bố quân đội sẽ không ngồi yên nếu Tổng thống Mugabe tiếp tục cuộc thanh trừng của mình. "Quân đội sẽ không ngần ngại can thiệp", ông nói.

Tại căn cứ Inkomo, các binh sĩ được đặt trong tình trạng báo động cao. Khi họ dùng bữa trưa muộn vào ngày 14/11, tuyên bố chỉ trích quân đội trên truyền hình của Kudzanayi Chipanga, bí thư Đoàn Thanh niên của đảng Zanu-PF cầm quyền và là đồng minh thân cận của bà Grace, khiến họ chú ý. "Súng đạn phải đi theo chính trị, không phải chính trị theo sau súng đạn", Chipanga nói.

Chỉ một giờ sau, các binh sĩ Zimbabwe cho Chipanga thấy rằng ông ta đã sai. Hàng chục xe tăng T-69 và T-72 cùng xe bọc thép rú ga lao ra khỏi doanh trại. Khi đến một cánh đồng nằm giữa con đường từ căn cứ tới thủ đô Harare, đoàn xe tăng dừng lại chờ lệnh.

Ở trung tâm Harare, Tổng thống Mugabe đang chủ trì họp nội các. Các cố vấn thông báo cho ông tin về động thái di chuyển bất ngờ của đoàn xe tăng, nhưng ông gạt thông tin đó sang một bên và tiếp tục cuộc họp.

Đến 18h, ông trở về Nhà Xanh mà không hề biết rằng đội lính gác tại dinh Tổng thống đã cấu kết với phe binh biến. Lính gác mở cổng dinh thự cho đoàn xe chở ông Mugabe tiến vào, sau đó khóa chặt cổng và chờ tiếp viện. Trong lúc đó, ông Mugabe chuẩn bị đi ngủ.

Đến 21h30 ngày 14/11, các sĩ quan quân đội nhận lệnh đưa quân đến thủ đô và bắt giữ các thành viên chủ chốt trong phe nhóm của Đệ nhất phu nhân Grace, hay còn gọi là nhóm G-40.

Xe tăng và đặc nhiệm ào ạt tiến tới nhà của Chipanga, lãnh đạo Đoàn Thanh niên vừa khiến các binh sĩ tức giận với tuyên bố trên truyền hình hồi trưa. Nhận được tin báo, Chipanga cùng vợ vội bỏ căn biệt thự sang trọng chạy tới một đồn cảnh sát gần đó. Đặc nhiệm quân đội kéo tới đồn cảnh sát, lôi Chipanga ra ngoài và nhét vào một chiếc xe thùng, chở tới căn cứ Vua George VI ở thủ đô. Đến tối hôm sau, Chipanga với khuôn mặt sưng phù xuất hiện trên truyền hình, cầu xin tướng Chiwenga tha thứ vì tuyên bố của mình.

Nhận ra tình hình bất ổn, Albert Ngulube, đội trưởng an ninh bảo vệ ông Mugabe, xách khẩu súng trường bắn tỉa đến dinh Tổng thống để xem chuyện gì đang diễn ra. Ông lập tức bị bắt giữ và một nguồn tin an ninh cho biết viên đội trưởng an ninh này "bị đánh đến thừa sống thiếu chết".

Quân đội nhanh chóng chiếm giữ các tòa nhà chính phủ, giao lộ quan trọng và đài truyền hình quốc gia ở Harare. Đến 4h sáng 15/11, tướng Sibusiso Moyo tuyên bố trên truyền hình rằng quân đội đang kiểm soát tình hình và sẽ trừng phạt "những tên tội phạm" xung quanh Tổng thống.

Dân Zimbabwe đổ ra đường ăn mừng, cho rằng đây là dấu chấm hết đối với ông Mugabe. Nhưng đến hôm 19/11, họ choáng váng khi ông Mugabe phát biểu trên truyền hình, tuyên bố chấp nhận sự can thiệp của quân đội nhưng không đả động gì tới việc từ chức.

"Là Tổng thống Zimbabwe và Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, tôi thừa nhận những vấn đề mà họ khiến tôi chú ý tới", ông Mugabe nói trong bài phát biểu gây sốc. "Các bạn và tôi đều có việc phải làm. Chúc ngủ ngon".

Ngồi bên cạnh ông, tướng Chiwenga trong bộ quân phục dã chiến thể hiện gương mặt sắt đá nhưng không đưa ra bình luận gì.

Tướng Chiwenga (phải), người chỉ huy cuộc binh biến. Ảnh: AP.

Đến ngày hôm sau, khi thời hạn cho Tổng thống từ chức của đảng Zanu-PF cầm quyền đã hết, quốc hội Zimbabwe khởi động tiến trình luận tội ông. Cựu phó tổng thống Mnangagwa cũng lần đầu lên tiếng kể từ sau cuộc binh biến, hối thúc ông Mugabe chấp nhận từ chức và cam kết sẽ về nước sớm.

Trong khi các nghị sĩ thảo luận về phương án luận tội Tổng thống, chủ tịch hạ viện Zimbabwe bất ngờ nhận được đơn xin từ chức của ông Mugabe. Lá đơn này không chỉ ra người kế nhiệm ông, nhưng cho biết tổng thống mới sẽ được bổ nhiệm vào hôm nay. Đảng Zanu-PF nhiều khả năng sẽ bầu ông Mnangagwa làm nhà lãnh đạo mới, lèo lái đất nước vượt qua quá trình chuyển giao quyền lực đầy khó khăn cũng như nền kinh tế đang rơi vào khủng hoảng.

Nhưng với người dân thủ đô Harare, lá đơn từ chức của ông Mugabe mang lại bầu không khí lạc quan chưa từng thấy. "Đây là điều tuyệt vời nhất", Emmanuel Tembo, một bảo vệ khách sạn 51 tuổi, cho biết. "Chúng tôi chán ngán ông ấy lắm rồi! Ba mươi bảy năm!"

Tác giả: Trí Dũng

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP