Pháp luật

Đề nghị xử lý “chạy án” bằng giám định tâm thần

Góp ý công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, Giám đốc Công an Nghệ An đề nghị xử lý tình trạng “chạy án” bằng giấy chứng nhận giám định tâm thần.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an Nghệ An, Đoàn Đại biểu Quốc hội Nghệ An trong buổi thảo luận tại hội trường Quốc hội cho biết, cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm phụ thuộc lớn vào sự phối hợp 3 ngành Công an, Viện kiểm sát và Tòa án.

Theo ông Cầu, sự phối hợp 3 ngành đã mạnh mẽ hơn, hiện trạng “quyền anh, quyền tôi” đã giảm rõ rệt và hiệu quả trong sự phối hợp đã tốt hơn.

Các ngành đã sâu sát hơn với thực tiễn, từng bước tháo gỡ những khó khăn cho cơ sở.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu
Một trong những gợi ý của Giám đốc Công an Nghệ An để công tác phối hợp của 3 ngành trong phòng chống tội phạm ngày càng hiệu quả hơn đó là xử lý tình trạng “chạy án” bằng giấy chứng nhận giám định tâm thần.

“Hiện nay tình trạng chạy án bằng giám định tâm thần diễn ra rất phổ biến. Nhiều đối tượng giết người, cướp tài sản, buôn bán ma túy nhưng sau đó muốn thoát tội tử hình thì giám định tâm thần. Đây là một thực tế”, đại biểu Quốc hội của Nghệ An nêu.

Luật sư Nguyễn Minh Long – Công ty Luật Dragon cho biết, đây chính là chính sách khoan hồng thể hiện tính nhân đạo của pháp luật Việt Nam đối với đối tượng mắc bệnh tâm thần.

Thực tế trong thời gian qua, đã có một số đối tượng phạm các tội đặc biệt nghiêm trọng, có khung hình phạt cao đã lợi dụng chính sách nhân đạo này, dùng bệnh án tâm thần để đối phó với các cơ quan pháp luật, trốn tránh việc thi hành án, thậm chí liên tiếp gây án... Điều này đã gây bức xúc và hoài nghi trong dư luận nhân dân.

“Một số trường hợp phạm tội có tính chất côn đồ, lưu manh, hoạt động dưới dạng băng nhóm, đã đều có sổ bệnh án khám, điều trị thậm chí kết luận của cơ quan giám định về tình trạng bệnh lý tâm thần. Bị can thông qua cơ quan giám định đã chuẩn bị kỹ và coi như lá bùa hộ mệnh để trốn tránh pháp luật khi gây án”, luật sư Long nêu.

Lợi dụng điều khoản này, nhiều đối tượng sau khi gây án đã giả vờ bị bệnh tâm thần hoặc "chạy" giấy tờ bị bệnh nhằm trốn tránh trách nhiệm, được miễn xử lý hình sự.

Thực tiễn xét xử cho thấy có trường hợp một người bị mắc bệnh tâm thần nhưng họ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự bởi vì khi thực hiện hành vi phạm tội họ không mắc bệnh.

Pháp luật nước ta cũng như một số nước trên thế giới đều quy định: Chỉ người nào thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong tình trạng họ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự (loại trừ trách nhiệm hình sự).

Chỉ khi nào người mắc bệnh tâm thần tới mức làm mất khả năng nhận thức hành vi của mình và hậu quả do hành vi đó gây ra mới được coi là không có năng lực trách nhiệm hình sự.

Nếu bệnh của họ chưa tới mức làm mất khả năng nhận thức tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình thì tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể, họ phải chịu toàn bộ hoặc một phần trách nhiệm hình sự .

Như vậy, không phải bất kỳ trường hợp bị bệnh tâm thần nào cũng được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Pháp luật là tổng hoà của sự thấu tình đạt lý.

Vì vậy, dùng tiền mua kết quả giám định tâm thần để trốn tránh trách nhiệm sớm muộn cũng sẽ gánh chịu những hậu quả.

Luật sư Nguyễn Minh Long
Mặc dù kiên quyết đấu tranh và áp dụng nhiều biện pháp để xử lý với loại tội phạm này, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện theo quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát và Luật tố tụng thì Viện kiểm sát chỉ kiểm sát hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp mà không có chức năng kiểm sát hoạt động của các cơ quan bổ trợ tư pháp như cơ quan giám định. Đó là một kẽ hở, một khó khăn bất cập của pháp luật cần phải được xem xét.

Để xử lý loại tội phạm lợi dụng bệnh án tâm thần nhằm mục đích thoát khung hình phạt cao nhất, trì hoãn, né tránh việc thi hành án hoặc để được miễn trách nhiệm hình sự, ngoài trách nhiệm của các cơ quan thực thi pháp luật trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cần sự công tâm của ngành y tế trong việc giám định tâm thần bởi hiện tại, việc chứng minh một người có tâm thần hay không phụ thuộc vào kết quả của hội đồng giám định pháp y.

Các hoạt động tố tụng đều dựa vào kết quả giám định pháp y để xem xét. Nếu giám định không chuẩn, tội phạm sẽ lợi dụng để lách luật, trốn tránh trách nhiệm hình sự.

Vì vậy, đừng để bệnh án tâm thần trở thành “tấm bùa hộ mệnh” của tội phạm cần xử phạt thật nghiêm minh các đối tượng, bị can, bị cáo nếu có hành vi lợi dụng bệnh án tâm thần học để “chạy án”.

Cần nâng cao tính trách nhiệm của đội ngũ giám định viên và các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc trưng cầu giám định và sử dụng kết quả giám định tâm thần học vào quá trình giải quyết vụ án đối với các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.

Nếu các cá nhân, cơ quan, tổ chức nào vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ mà xử phạt theo quy định của phạt luật như áp dụng chế tài phạt tiền thật nặng, cấm đảm nhiệm chức vụ, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự./.

Bên lề Quốc hội, liên quan đến vấn đề này, trả lời VOV.VN đại biểu Nguyễn Đức Sáu- Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM – Đoàn đại biểu TP.HCM lại có cách nhìn khá thận trọng.

Ông cho rằng, thời ông ngồi ghế thẩm phán, có những bản án ông không công nhận kết quả giám định.

“Tôi không cho rằng đó là kết luận sai, có dấu hiệu tiêu cực, mà đó là họ chưa tôn trọng một quy trình cụ thể về kết luận. Tôi hủy án và tôi yêu cầu điều tra lại”, ông Sáu nói.

Theo ông Sáu, một số người đóng kịch rất hay, những chuyện đóng kịch xưa nay đều có. Bởi vậy, đối với người có triệu chứng tâm thần theo đại biểu Quốc hội của Đoàn TP.HCM thì phải có thời gian theo dõi xác định. Người có triệu chứng tâm thần thì đầu óc người ta không bình thường.

Tác giả bài viết: Việt Đức

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP