Không chỉ có vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ, cảnh quan đặc sắc, hệ thống hang động, bãi biển đẹp, Vịnh Hạ Long còn chứa đựng trong đó những giá trị lịch sử, văn hoá phong phú. Vịnh là một trong những cái nôi của người Việt cổ, với ba nền văn hoá tiền sử kế tiếp nhau, cách ngày nay từ 18.000 đến 3.500 năm: Văn hoá Soi Nhụ, văn hoá Cái Bèo và văn hoá Hạ Long. Đây cũng là nơi ghi dấu lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Với những giá trị độc đáo, Vịnh Hạ Long đã hai lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới bởi giá trị ngoại hạng về thẩm mỹ và địa chất, địa mạo. Đến năm 2011, Vịnh Hạ Long lại một lần nữa khẳng định được sức hấp dẫn của mình khi được bầu chọn là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới.
Đứng vị trí thứ 2 trong bảng đề cử là quần thể danh thắng Tràng An – Bái Đính (tỉnh Ninh Bình). Nằm cách Hà Nội gần 100 km và cách trung tâm thành phố Ninh Bình 7km, quần thể danh thắng Tràng An trải rộng hơn 2.000 ha được tạo nên bởi các dải núi đá vôi, các hang động kỳ ảo, cùng với hàng chục di tích lịch sử - văn hóa. Quần thể này bao gồm khu du lịch sinh thái Tràng An, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, Cố đô Hoa Lư, Chùa Bái Đính...
Vẻ hài hòa của đá, sông nước, rừng cây và bầu trời ở Tràng An tạo nên một thế giới tự nhiên sống động đầy quyến rũ. Chùa Bái Đính là quần thể chùa được xác lập nhiều kỷ lục Việt Nam và Châu Á. Chùa tọa lạc trên một diện tích rộng 540 ha và là quần thể chùa lớn nhất Đông Nam Á. Quần thể danh thắng này đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 2014.
Được để cử lần này còn có Hang Sơn Đoòng (tỉnh Quảng Bình). Hang Sơn Đoòng thuộc quần thể hang động Phong Nha - Kẻ Bàng tại xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Theo nhiều tư liệu, hang Sơn Đoòng được hình thành cách đây khoảng 2 - 5 triệu năm.
Hang Sơn Đoòng hiện là hang động tự nhiên lớn nhất thế giới với chiều dài ước tính 5km, cao 200 m và rộng 150m. Với thể tích đo đạc được ước tính 38,5 triệu mét khối, Hang Sơn Đoòng vượt qua hang Deer ở Malaysia trở thành hang động lớn tự nhiên nhất thế giới.
Những cột măng đá cao đến 80m trong lòng hang Sơn Đoòng cũng được đánh giá là các cột thạch nhũ cao nhất mà các chuyên gia hang động trên thế giới bắt gặp. Sự hùng vĩ và đồ sộ về cảnh quan khiến hang Sơn Đoòng được thế giới vinh danh là “The Great Wall of Viet Nam” (nghĩa là Vạn Lý Trường Thành của Việt Nam).
Trong hang Sơn Đoòng, có cả một cánh rừng nguyên sinh với thảm thực vật phong phú, chưa hề có dấu vết con người. Tôn vinh vẻ đẹp này, các chuyên gia đã gọi đây là “vườn địa đàng”…
Địa đạo Củ Chi – hệ thống phòng thủ trong lòng đất có một không hai ở huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh được hoàn thiện trong hơn 20 năm, nằm sâu dưới lòng đất, có đường lên xuống giữa các tầng hầm được bố trí bằng các nắp hầm bí mật… Đại đạo này cũng được coi là một kỳ quan đánh giặc độc đáo tại Việt Nam.
Địa đạo có khoảng 250 km đường hầm, tỏa rộng như mạng nhện trong lòng đất, có nhiều chỗ sâu xuống hàng chục mét, với các công trình liên hoàn với địa đạo như: Chiến hào, ụ, ổ chiến đấu, hầm ăn, ngủ, hội họp, sinh hoạt, quân y, kho cất giấu lương thực, giếng nước, bếp Hoàng Cầm… và vô số cửa sập để tạo thêm yếu tố bất ngờ.
Địa đạo Củ Chi đã đi vào lịch sử đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam như một huyền thoại của thế kỷ XX và trở thành một địa danh nổi tiếng trên thế giới. Hệ thống địa đạo này từng được kênh truyền hình National Geographic bầu chọn là một trong những đường hầm vĩ đại nhất thế giới do con người xây dựng.
Hồ sơ đề cử do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam – VietKings kết hợp Ban quản lý các điểm đến nói trên thực hiện. Dự kiến, vào tháng 9-2016, Đại Hội đồng Liên minh Kỷ lục Thế giới sẽ họp tại Thủ đô New Delhi (Ấn Độ) và thông qua Top 100 điểm đến đặc biệt hấp dẫn nhất thế giới để công bố trên toàn thế giới.
Tác giả bài viết: N.H.