Giáo dục

Để con tự đạp xe đi học hay đưa đón đến lớn?

Sau vụ tai nạn thương tâm của học sinh lớp 4 đạp xe ngoài đường va vào xe tôn, nhiều phụ huynh ở Hà Nội rất lo lắng trong việc đi lại của con và đã không để con đạp xe đi học. Tuy nhiên, cũng có một bộ phận phụ huynh vẫn cho con tự đạp xe bởi cho rằng, như thế để rèn giũa tính tự lập cho con.

Học sinh đi xe đạp dàn hàng 3 nguy hiểm trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Chí Cường


Chấp nhận “buông” để con tự lập

Để con tự đạp xe đến trường là nỗi đau đầu của nhiều bậc phụ huynh ở Hà Nội, khi đường xá, giao thông lưu lượng qua lại đông đúc, nhiều nguy hiểm rình rập, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nhưng muốn rèn luyện tính tự lập cho con một số phụ huynh cũng đã phải đấu tranh bản thân để con tự đạp xe đến trường.

Chị Thu Huyền (ở đường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) cho con tự đạp xe đi học hàng ngày từ khi con học lớp 3 chia sẻ: “Bé nhà mình đi học bằng xe đạp từ năm học lớp 3 vì nhà cũng chỉ cách trường hơn 1 cây số. Lúc đầu cũng thấy lo lắm, sau nhiều hôm kèm con đến trường, thỉnh thoảng vẫn phải đi đằng sau xem con đi đứng thế nào. Cũng thấy rất lo cho con khi để con tự đi học, trên chắn bùn xe của con tôi đã phải ghi rõ tên, trường lớp, số điện thoại phụ huynh. Giờ thì con đang học lớp 5, vẫn còn lo lắm vì con còn nhỏ, nhưng phải chấp nhận “buông” để con tự lập”.

Con đạp xe, bố mẹ đi xe máy phía sau làm “thám tử” là hình ảnh thường thấy đối với những phụ huynh giao xe cho con tự đi học. Chị Hoài Anh, có con học lớp 4 Trường tiểu học Đặng Trần Côn (Thanh Xuân) chia sẻ: “Nhà cách trường không xa, nhưng lại phải cắt qua mấy con phố, đắn đo lắm mới quyết định cho con tự đi học một mình. Suốt một tháng đầu, khi con tự đạp xe đến lớp, bố mẹ vẫn đi bên cạnh hoặc đi sau. Có hôm con rẽ ngang không quan sát, hoặc thể hiện “anh hùng” với bạn mà buông hai tay. Tôi phải nhắc nhở ngay, tối về nhà phân tích kỹ tác hại của những việc này”.

Đối với nhiều học sinh THCS, THPT, không chỉ được bố mẹ cho phép đạp xe tới trường, khá nhiều em còn được mua xe đạp điện để đi học. Theo các bậc phụ huynh, đối với lứa tuổi trung học, các em cũng đã có nhận thức về giao thông, biết tuân thủ Luật Giao thông để đi lại an toàn. Nhiều phụ huynh chia sẻ, mua xe đạp điện để con đi học đỡ vất vả, bố mẹ không thể đưa đón vì bận việc, hơn nữa lứa tuổi này nhiều em đã tăng tốc học thêm để chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng.

Bao bọc đưa đón đến đại học

Sau khi vụ tai nạn thương tâm của một học sinh lớp 4 ở Q.Hoàng Mai, nhiều phụ huynh cũng không dám để con tự đi học một mình bằng xe đạp. Anh Nguyễn Văn Chiến (ở Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Đọc báo biết thông tin về vụ tai nạn cháu học sinh qua đời vì va vào xe chở tôn tôi không khỏi xót xa. Tôi đã không cho con tự đạp xe đến trường kể từ hôm đó. Con học lớp 5, dù tự đạp xe đi học được nhưng trên đường biết bao nhiêu nguy hiểm thường trực, chỉ cần cháu lơ là có thể dẫn đến tai nạn. Mà các cháu còn nhỏ, mải chơi, nô đùa có nghĩ gì đến hậu quả đâu. Từ giờ sẽ cố gắng bố trí thời gian để đưa đón con”.

Lo con bị tai nạn, cướp giật… trên đường phố là nỗi ám ảnh của rất nhiều bậc phuynh, bởi vậy nhiều người đã tìm cách thuê xe ôm, xe ô tô hoặc lựa chọn phương tiện công cộng để đi học. Thậm chí, có những trường hợp sinh viên đại học vẫn được bố mẹ đưa đón hàng ngày. Anh Quang Hải (ở phố Khâm Thiên, quận Đống Đa), có con gái học ĐH Thăng Long chia sẻ: “Tôi vẫn chưa dám để con đi xe máy hoặc xe đạp điện để đến trường vì lo xảy ra tai nạn, cướp giật. Hàng ngày vợ chồng tôi cố gắng sắp xếp công việc để đưa con đến trường, hôm nào bận quá để cháu đi xe buýt đi học”.

Câu chuyện học sinh đi xe đạp tới trường thực ra đã trở thành chủ đề “nóng” trong những năm gần đây. Thậm chí, lo sợ học sinh đi xe đạp tới trường bị tai nạn, trước đây Trường tiểu học Văn Chương (quận Đống Đa) cũng đã có quy định không cho học sinh đi xe đạp đến trường bởi thực hiện Năm An toàn giao thông quốc gia phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh. Theo nhà trường, lý do đưa ra quy định này là đã có trường hợp học sinh đi xe đạp bị va quệt xây xát tay chân.

Theo các chuyên gia tâm lý học đường, để quyết định có cho trẻ tự đi đến trường hay không, phụ huynh cần lưu ý tới các yếu tố như quãng đường từ nhà tới trường xa hay gần, tình trạng giao thông và an ninh ra sao. Tiếp đến là hãy xem xét tính cách của con, nếu con bạo dạn, tự tin, có khả năng xử lý các tình huống tốt thì có thể yên tâm. Phụ huynh cũng cần dạy con phòng tránh các tình huống xảy ra như hỏng xe, các kỹ năng tham gia giao thông, khi gặp tai nạn phải xử trí ra sao, gọi điện cho ai... Độ tuổi để trẻ tự đạp xe đi học phù hợp từ 9 - 10 tuổi trở lên.

Theo PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: “Học sinh đi xe đạp tới trường có nhiều cái lợi về mặt thời gian cho bố mẹ, học sinh đạp xe được vận động cơ thể khỏe mạnh hơn… Tuy nhiên, tình trạng giao thông và ý thức tham gia giao thông hiện nay khá phức tạp nhất là ở các thành phố lớn. Do đó, khi quyết định tự đưa đón hay để con đi xe đạp tới trường, phụ huynh hãy thận trọng và trang bị những kỹ năng, kiến thức cần thiết cho con cái”.

“Phụ huynh nên hướng dẫn các con làm quen với giao thông, hướng dẫn con mình đi trên đường phải đi gọn vào lề đường, chú ý quan sát khi sang đường phải giảm tốc độ, ra ký hiệu để người đằng sau biết… Đặc biệt, phải dạy các em không được nô đùa, trêu trọc nhau khi đi trên đường, không phóng nhanh vượt ẩu. Phụ huynh hãy dạy trẻ thấy các tác hại, hậu quả của việc không chấp hành các quy định về giao thông, sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của bản thân và người khác”, PGS Trần Xuân Nhĩ đưa ra lời khuyên.

Thời gian qua, Sở GD&ĐT Hà Nội, Công an TPHà Nội cũng đã tích cực tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về ý thức và văn hóa tham gia giao thông tại các trường học. Đồng thời, tổ chức ra quân để xử lý tình trạng học sinh đi xe máy chưa đủ tuổi, không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, xe đạp điện. Song tình trạng vi phạm vẫn diễn ra khá phổ biến, hình ảnh học sinh xe đạp hàng 3, hàng 4, đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm… dễ dàng bắt gặp trên đường phố.

Ý kiến các bậc phụ huynh:

1.Phụ Huynh Nguyễn Thị Thảo (ở Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) có con học lớp 3: “Đi đường tôi sợ nhất là gặp các cháu nhỏ đi xe đạp đi học, các cháu hồn nhiên cười đùa, đi hàng 3, hàng 4. Lắm lúc thấy các cháu đánh võng, đi ra giữa đường. Mấy lần tôi suýt va xe máy vào các cháu ấy. Theo tôi, tốt nhất là nên để các cháu từ lớp 6 trở lên mới cho đi xe đạp tới trường. Còn có thời gian, cố gắng sắp xếp để đưa đón con, kể cả khi lớn rồi.

2. Phụ huynh Đỗ Thu Hà (ở Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội) có con học lớp 11: “Các trường nên kết hợp với các công ty vận tải để làm dịch vụ đưa đón học sinh, rất an toàn và hiệu quả. Tôi thấy các cháu nhỏ đi xe đạp ra đường không yên tâm chút nào, vì dễ xảy ra tai nạn, tệ nạn xã hội… Các cháu còn nhỏ, chưa hiểu hết về các mối nguy hiểm khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, nhà trường cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến hơn nữa về an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên”.

3. Phụ huynh Lại Nha Trang (ở Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) có con học lớp 5: “Phụ huynh nên chọn trường gần nhà để con theo học, đỡ vất vả cho con và bản thân. Trường gần, giao thông ít phức tạp, con luôn ý thức chấp hành giao thông thì nên để con tự đi cho có tính tự lập, lớn lên có kỹ năng, hiểu biết về luật giao thông. Bây giờ ai cũng bận bịu mưu sinh, giờ giấc trường học cũng rất khác với giờ làm, vào sớm, tan cũng sớm cũng khó đưa đón vì bận làm việc nên cũng đành phải để con tự đi học”.

Tác giả bài viết: Quang Anh

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP