Trong nước

ĐBQH nói về Trạm thu phí Bến Thủy: Tôi ở Hà Nội mà còn bức xúc...

Đặt sai vị trí thu phí các công trình, đồng thời cần miễn phí dịch vụ BOT sớm nhất cho người dân hai đầu cầu Bến Thủy (Nghệ An và Hà Tĩnh). Đó là những bất cập được UBND tỉnh Hà Tĩnh báo cáo với đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đặt trạm thu phí như thế là không phù hợp

Ngày 22/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh liên quan đến các vấn đề thực hiện chính sách pháp luật đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT.​

tram thu phi
Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiểm tra đường BOT tại Hà Tĩnh

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, trên địa bàn từ năm 2011 đến 2016 có 2 dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT gồm: Dự án đầu tư xây dựng QL 1A tuyến tránh TP. Hà Tĩnh do Tổng Công ty Sông Đà làm chủ đầu tư và Dự án nâng cấp, mở rộng QL 1A, đoạn từ Nam cầu Bến Thủy đến tuyến tránh TP. Hà Tĩnh do Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco4) làm chủ đầu tư.

Hai dự án này có tổng chiều dài hơn 51,4 km, tổng mức đầu tư gần 3.241 tỷ đồng, trong đó dự án của Cienco4 là 2.434 tỷ đồng.

Hiện nay, thời gian thu phí được quy định căn cứ vào tổng mức đầu tư được phê duyệt tại bước lập dự án đầu tư. Tuy nhiên, tổng mức đầu tư ở bước lập dự án mới chỉ là khái toán nên có giá trị lớn hơn nhiều so với giá trị quyết toán vốn đầu tư, dẫn đến thời gian thu phí trong hợp đồng BOT thường dài hơn nhiều so với thực tế

Việc đặt các trạm thu phí BOT không phù hợp, còn tồn tại nhiều bất cập đã làm ảnh hưởng đến việc giao lưu, phát triển kinh tế liên kết vùng theo Quy hoạch vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh, gây bức xúc cho người dân địa phương.

Theo ông Trần Báu Hà - Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cho hay, vị trí đặt Trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 và Trạm thu phí cầu Bến Thủy 2 không phù hợp, làm ảnh hưởng đến việc liên kết vùng theo Quy hoạch vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh đến năm 2025 được Thủ tướng Chỉnh phủ phê duyệt. Việc này dẫn đến các phương tiện đi lại của người dân huyện Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn và TX Hồng Lĩnh... khi qua 2 cầu Bến Thủy không tham gia giao thông trên các dự án nhưng vẫn phải trả phí.

“Đặc biệt, thời gian qua huyện Nghi Xuân rất vất vả trong việc tuyên tuyền người dân không đưa ô tô mang theo các băng rôn ra cầu Bến Thủy 1 phản đối gây gây ách tắc giao thông. Giờ đây người dân đưa xe ô tô ra tụ tập sợ vi phạm an toàn giao thông bị xử lý thì họ lại tìm cách phản đối khác là tập trung đi theo từng đoàn xe sau đó họ dùng tiền mệnh giá 500 đồng trả phí để kéo dài thời gian qua cầu gây ách tắc”- ông Hà nói.

tram thu phi 1
Đường BOT đoạn tránh thị xã Hồng Lĩnh đã xuống cấp nặng

Ông Đặng Quốc Khánh - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Đặt hai trạm thu phí cầu Bến Thủy 1, Bến Thủy 2 không phù hợp với việc đầu tư các công trình đã đầu tư. Hai trạm thu phí này được thu phí hoàn vốn cho 7 dự án BOT (trong đó có 4 dự án đầu tư không nằm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, khi đầu tư không có sự thỏa thuận với tỉnh Hà Tĩnh).

“Chất lượng các công trình dự án BOT còn quá nhiều bất cập. Sau một thời gian ngắn khai thác, đưa vào sử dụng nhiều đoạn trên các tuyến đường BOT đã bị hằn lún vệt bánh xe, hư hỏng, xuống cấp nên thường xuyên phải sửa chữa gây ảnh hưởng đến đảm bảo an toàn giao thông” – ông Khánh nhấn mạnh.

"Tôi ở Hà Nội còn bức xúc nói gì dân địa phương"

Cũng theo ông Võ Hồng Hải - Phó chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh: “Đến nay việc thanh quyết toán các dự án giao thông BOT này chưa hoàn thành dù đã đưa vào khai thác 2 năm, dẫn đến không xác định được mức thu phí, thời gian thu phí phù hợp, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân”.

Ông Hải nói thêm: “Hầu hết các dự án BOT hiện nay không phải là xây dựng tuyến mới, chỉ là nâng cấp, cải tạo trên các tuyến đường hiện hữu. Thậm chí nhiều dự án BOT được lập trên các tuyến đường huyết mạch, độc đạo khiến người dân không có sự lựa chọn nào khác ngoài sử dụng dự án BOT”.

tram thu phi 2
Phí tăng cao, không giảm khiến người dân hai đầu cầu Bến Thủy 1, 2 bức xúc kéo ra đường

Trong khi đó, công tác lựa chọn nhà đầu tư xây dựng dự án BOT giao thông chủ yếu là chỉ định thầu do “nhu cầu cấp bách”, không thực hiện hình thức đấu thầu công khai, rộng rãi. Vì thế, cơ chế cạnh tranh bị mất đi những yếu tố như chi phí nhà đầu tư, lợi nhuận, mức phí, thời gian thu phí… chỉ thoả thuận, không mang tính chất minh bạch.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Dương Quốc Anh – Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội khẳng định: “Lộ trình tăng phí BOT qua cầu Bến Thủy 1 và 2 là không ổn. Tôi được biết quy định 3 năm mới được điều chỉnh vì còn phải căn cứ theo nhiều tiêu chí như PCI chuyển biến thế nào mới được tăng hay giảm.

Trong thời gian ngắn tăng một phát từ 15 ngàn lên 30 rồi 45 ngàn đồng. Cụ thể là từ tháng 6/2014 đến tháng 31/12/2015 mới hơn năm mà tăng lên gấp rưỡi. Tôi ở ngoài Hà Nội cũng bức xúc nói gì dân địa phương. Người dân chỉ trả phí cho những tuyến đường mà họ sử dụng, còn anh đầu tư xây dựng nơi khác người dân không sử dụng đường BOT của anh trả phí thì phải xem lại vấn đề này”.

Ông Anh cũng nói rõ: Nhà đầu từ Cienco4 phát biểu, việc tăng giảm phí, miễn giảm thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính, Bộ GTVT quyết, nhà đầu tư không có thẩm quyền. Rõ ràng, lộ trình tăng phí này không ổn, lộ trình tăng phí quá ngắn”.

Tác giả bài viết: Trương Hoa/Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP